dd/mm/yyyy

Chàng trai 'nấm lùn' khởi nghiệp bằng chăn nuôi

Tỉnh Quảng Ngãi có hàng nghìn người khuyết tật. Mặc dù trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên, khẳng định mình trước nghịch cảnh, có nhiều đóng góp cho xã hội, góp phần khơi dậy niềm tin, tinh thần vượt khó vươn lên cho những người cùng cảnh ngộ.
Chàng trai 'nấm lùn' khởi nghiệp bằng chăn nuôi - Ảnh 1.

Anh Phan Quang Thái chỉ cao 1m2, nặng 35kg, bị nhiễm chất độc da cam từ cha nên mang trong mình căn bệnh đùn cột sống, khớp xương. Học xong lớp 12, anh lập nghiệp bằng cách chăn nuôi gà, bò, trâu, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Ảnh: TTXVN phát

Hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào Đoàn

Anh Phan Quang Thái (sinh năm 1991, ở thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) được mọi người gọi với biệt danh “nấm lùn” vì chỉ cao 1m2, nặng 35kg. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, không may bị nhiễm chất độc da cam từ cha nên mang trong mình căn bệnh đùn cột sống, khớp xương.

Cơ thể không lành lặn như những người khác, trong suốt chặng đường 12 năm đi học, Thái luôn nỗ lực vươn lên, nhiều năm liền là học sinh khá. Do chiều cao khiêm tốn và thường xuyên bị nhức mỏi, sau khi hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông, anh không thể tiếp tục con đường học vấn cao hơn. “Không phải tôi không muốn học cao hơn để tìm cho mình một việc làm ổn định. Nhưng như vậy, không có nghĩa là mình trở thành người không có việc làm, không có ích cho xã hội. Nhận thấy mình không thể làm những việc nặng, tôi chọn chăn nuôi để lập nghiệp”, anh Thái cho biết.

Bước đầu khởi nghiệp, Thái đã tu sửa chuồng trại sẵn có của gia đình để nuôi 100 con gà thịt. Nhằm tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, anh tận dụng nguồn thức ăn là rau, chuối cây trong vườn nhà. Đàn gà sinh trưởng phát triển tốt. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, anh đã xuất bán lứa đầu tiên. Anh Thái cho hay, lứa gà đầu tiên nuôi thử để lấy kinh nghiệm, nên không có lãi mà chỉ có tiền để trả tiền đầu tư ban đầu cho ba mẹ. Từ thành công này, anh có động lực để tiếp tục mô hình.

Sau đó, anh Thái tiếp tục đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm sóc kỹ, chỉ 18 tháng sau, bò đã đẻ lứa đầu tiên. Đến nay, anh đã bán được 3 con bò, thu về hơn 90 triệu đồng. Anh còn nuôi thêm hai con trâu để tăng thêm thu nhập. Ông Phan Quang Trung, ba của Thái chia sẻ, cơ thể của Thái không phát triển bình thường như các bạn và thường xuyên đau ốm. Mặc dù vậy, lúc nhỏ, Thái luôn cố gắng học tập, sau đó nỗ lực chăn nuôi để kiếm tiền cho bản thân và gia đình khiến vợ chồng tôi rất vui.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, Thái còn là hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào của Đoàn ở địa phương. Dù sức khỏe, ngoại hình hạn chế nhưng trong các phong trào tình nguyện, hoạt động Đoàn, hội của xã, huyện, anh đều góp mặt. Chị Nguyễn Lê Kim Ánh, Bí thư Đoàn xã Tịnh Sơn cho hay: Anh Thái rất cố gắng làm kinh tế, mang lại thu nhập cho gia đình. Thân hình không hoàn hảo nhưng anh rất nhiệt tình trong các phong trào tình nguyện. Do đó mỗi lúc di chuyển xa, Đoàn Thanh niên xã luôn bố trí người chở anh Thái đi cùng. Thân hình tí hon nhưng giọng ca, sự hoạt bát của anh Thái luôn làm mọi người mến phục.

Nét họa "Tự Lực”

Chàng trai 'nấm lùn' khởi nghiệp bằng chăn nuôi - Ảnh 2.

Hai em Lê Đinh Hoàng Quỳnh (22 tuổi) và Lê Đinh Hoàng Quyền (19 tuổi, ảnh) đều là người bị khiếm thính, giành huy chương Vàng môn cờ Vua tại Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc năm 2013; giải nhất Giải thưởng Mỹ thuật Thiếu nhi Quảng Ngãi; HCB cờ Vua cá nhân, HCB cờ Vua đồng đội tại Hội thao toàn quốc học sinh khuyết tật năm 2013. Đồng thời, hai em đã mở phòng tranh “Tự Lực” để vừa bán tranh do 2 chị em vẽ, vừa bán hoạ cụ để có thể tự lo cho bản thân. Ảnh: TTXVN phát

Lê Đinh Hoàng Quỳnh (22 tuổi) và Lê Đinh Hoàng Quyền (19 tuổi), ở tổ 3, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, đều bị khiếm thính. Sau khi được chẩn đoán bị câm điếc, gia đình đã đăng ký cho hai em học tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng), sau đó học Tiểu học tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, rồi học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). 

Bên cạnh học văn hóa, Quỳnh và Quyền được học năng khiếu, học nghề. Bà Đinh Thị Dung, mẹ của em Quỳnh và Quyền, chia sẻ: “Phát hiện cả hai con đều bị khiếm thính, vợ chồng tôi rất buồn. Gia đình đã đưa hai cháu đi nhiều bệnh viện. Các bác sĩ đều cho biết không thể chữa và khuyên gia đình cho các cháu vào trường chuyên biệt để học càng sớm càng tốt. Sau bao ngày cố gắng, thấy các con dù không thể nghe, nói nhưng ngày càng ngoan, hiểu chuyện, vợ chồng tôi cũng thấy ấm lòng”.

Dù bị khiếm thính, được gia đình, bạn bè quan tâm, động viên, chia sẻ, hai em đã cố gắng, quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt. Điều này được minh chứng khi Quyền cùng chị đoạt Huy chương Vàng môn cờ vua tại Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc năm 2013; giải Nhất tại Giải thưởng Mỹ thuật Thiếu nhi Quảng Ngãi; Huy chương Bạc Cờ vua cá nhân, Huy chương Bạc Cờ vua đồng đội tại Hội thao toàn quốc học sinh khuyết tật năm 2013. 

Quỳnh tâm sự: " Với những người bình thường để thành công trong cuộc sống đã không dễ dàng, người khiếm thính lại càng khó khăn hơn. Không vì thế mà chúng em bỏ cuộc. Chúng em phải cố gắng thật nhiều để bù đắp cho những khiếm khuyết của mình bản thân. Thật vui và hạnh phúc là chúng em đã làm được".

Với đam mê hội họa, hai em đã mở phòng tranh “Tự Lực” nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè. Chủ đề chính trong các tác phẩm của hai em thường là phong cảnh thiên nhiên và sự đổi thay của cuộc sống. 

Trò chuyện thông qua người mẹ, Quyền chia sẻ: "Em cảm thấy cuộc sống của mình không thể thiếu những nét vẽ. Em muốn trở thành hoạ sĩ, vừa vẽ tranh, vừa bán họa cụ để có thể tự lo cho bản thân. Em muốn sống tự lập như những người bình thường khác để ba mẹ không phải lo lắng. Hiện tại, thu nhập từ phòng tranh chưa cao, nhưng hai chị em thấy rất vui và sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn".

Bên cạnh công việc hằng ngày là vẽ tranh, hai em còn giúp đỡ các bạn câm điếc rất nhiều việc: tập vẽ, tham gia Fanpage Câu lạc bộ Người điếc trẻ Quảng Ngãi. Hai em đã hướng dẫn cách giao tiếp ứng xử, luyện khẩu hình không dùng ngôn ngữ ký hiệu, tập huấn kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng người điếc…

Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh cho biết: Hội Người khuyết tật tỉnh hiện có hơn 2.500 hội viên, ngoài ra còn hàng nghìn người khuyết tật chưa tham gia vào hội. Với sự giúp đỡ của các cấp, ngành và sự nỗ lực của bản thân, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã vươn lên trong lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình.

Để hỗ trợ các hội viên, các cấp Hội luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua bằng khả năng, trí tuệ và kinh nghiệm của mình; trợ giúp pháp lý, dạy nghề, vay vốn, việc làm cho các hội viên để họ có công việc làm, thu nhập ổn định, không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình mà còn lo cho con cái học hành thành đạt.


Đinh Hương