Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân đã chủ động đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm. Họ đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần hình thành nên những người nông dân chuyên nghiệp.
Đi nước ngoài vẫn chăm sóc được đàn gà
"Trong thời gian đi công tác ở Canada, tôi vẫn theo dõi, nắm bắt được các quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tình trạng sức khỏe của đàn gà ở nhà. Ngoài ra, tôi còn chỉ đạo được công nhân nhờ phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh" - đó là chia sẻ của tỷ phú nuôi gà Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai).
Ông Quyết hiện đang ở Canada. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Quyết tự hào nói tất cả trang trại trong HTX của ông đều thuộc top đầu của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước về ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện tổng đàn gà trong trang trại lên đến hơn 1,5 triệu con.
Tất cả các khâu trong quy trình chăn nuôi đều được áp dụng công nghệ hiện đại, tự động. Ngoài ra, dây chuyền chăn nuôi còn được sử dụng công nghệ chạy lạnh, công nghệ sinh học và ứng dụng men sinh học khử mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Với mô hình nuôi gà xuất khẩu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có doanh thu ước tính trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Ông Quyết cho biết, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, nguồn cung hiện không đủ cầu. HTX của ông Quyết đang đều đặn bảo đảm ổn định khoảng 25.000 con gà/ngày cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt sang thị trường này.
"Năm 2022, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chọn một chủ đề rất thú vị là "Người nông dân chuyên nghiệp".Tôi nghĩ đây là một chủ đề rất hay và rất thời sự. Chúng tôi rất háo hức mong chờ diễn đàn" .
Chị Nguyễn Thị Hồng
Chị Nguyễn Thị Hồng (ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong việc trồng đông trùng hạ thảo.
Chị Hồng hiện có 2 cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, một ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, và một ở Đà Lạt (Lâm Đồng) với doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm. Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất đông trùng hạ thảo rộng hàng ngàn m2 ở xã Dân Hòa, chị Hồng cho hay, ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu đều được tự động hóa.
"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao"-chị Hồng nói.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù để người nông dân chuyên nghiệp
Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô… cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.
Với việc sản xuất bài bản, hiệu quả kinh tế cao, chị Hồng vinh dự được chọn là 1 trong 300 nông dân tham dự Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022 và Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp".
Chị Hồng chia sẻ: "Năm 2021 tôi cũng đã từng được tham dự Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, tôi rất ấn tượng với quy mô tổ chức của diễn đàn. Năm 2022, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chọn một chủ đề rất thú vị là "Người nông dân chuyên nghiệp".
Cá nhân tôi nghĩ đây là một chủ đề rất hay và rất thời sự. Tôi rất mong muốn được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn ở những quốc gia có trình độ phát triển công nghệ giống, công nghệ nuôi trồng cao, hiện đại như Israel để từ đó tìm cơ hội hợp tác đầu tư.
Nếu được đặt câu hỏi tại diễn đàn, tôi xin hỏi nông dân muốn được đi học, được trang bị kiến thức, công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài để tiếp tục đổi mới sản xuất thì có thể liên hệ với ai, tổ chức, đơn vị nào để được đi học?".
Cũng rất mong chờ Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp", ông Đặng Văn Bảy (ở xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu 75 tỷ đồng/năm, chia sẻ: "Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ nông dân tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, để nông dân nuôi tôm ngày càng chuyên nghiệp, tự tin vững bước làm giàu".