dd/mm/yyyy

Lấy rừng nuôi rừng, bà con ở Đắk Nông được chi trả 600.000-800.000 đồng/ha

Với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đăk Nông luôn chú trọng đến đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông.

Liên tục đổi mới phương pháp nội dung tuyên truyền về dịch vụ môi trường rừng

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, Chính sách chi trả DVMTR đã có những đóng góp đáng kể cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Theo đánh giá, Chính sách đã tạo hiệu ứng tích cực cho cả cộng đồng, huy động nguồn tài chính ổn định để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

Chính sách này đồng thời góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp; cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm, thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần làm giảm số vụ, diện tích thiệt hại vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã giảm 17% số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 26% diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng.

Nâng cao nhận thức về chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Đăk Nông - Ảnh 1.

Người dân nhận khoán rừng ở xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức (Đăk Nông) phối hợp với cán bộ trên đường tuần tra rừng. Ảnh: P.V

Nâng cao nhận thức về chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Đăk Nông - Ảnh 2.

Nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức của cộng đồng về DVMTR, những năm qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đăk Nông đã thường xuyên đổi mới về cả nội dung tuyên truyền. Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tuyên truyền còn được lồng ghép tại các cuộc hội nghị, tập huấn…

Lấy rừng nuôi rừng

Theo số liệu diễn biến rừng năm 2021, tỉnh Đăk Nông có trên 248.343ha diện tích đất có rừng, trong đó diện tích cung ứng DVMTR hàng năm được chi trả tiền DVMTR khoảng trên 140.000ha, với đơn giá chi trả bình quân khoảng 600.000- 800.000 đồng/ha.


Trong đó, diện tích rừng do Chủ rừng là tổ quản lý trên 132.512ha (gồm 48 đơn vị); chủ rừng là cộng đồng dân cư (Bon) quản lý trên 1.748ha (gồm 11 cộng đồng); Chủ rừng là UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên 6.129ha (gồm 31 UBND) và các hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý trên 285ha.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông, công tác chi trả tiền DVMTR không chỉ làm thay đổi trong tư duy, nhận thức mà còn cả trong hành động; chuyển từ hướng tiếp cận tài chính hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, sang tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng... Bình quân tỷ trọng tiền DVMTR hàng năm chiếm hơn 70% trong tổng đầu tư ngành lâm nghiệp của tỉnh.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đăk Nông, giai đoạn 2012-2021, đơn vị ký kết 21 hợp đồng với các đơn vị có cơ sở sử dụng DVMTR và phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam ký 16 hợp đồng với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh, tương ứng với số tiền là hơn 811 tỷ đồng.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đăk Nông khẳng định, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt kế hoạch thu, chi tiền DVMTR hằng năm.

Từ đó, tiếp tục hỗ trợ ngành lâm nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện công tác quản lý rừng bền vững, từng bước nâng cao độ che phủ trên địa bàn tỉnh.



Duy Hậu