Thứ Năm, ngày 29/05/2025 17:21 (GMT+7)

Dân Việt

Sơn La "gỡ khó" chinh phục mục tiêu xuất khẩu nông sản

Văn Ngọc

03/05/2025 20:18 GMT +7

Tỉnh Sơn La đang cho thấy sự chủ động và quyết tâm cao độ trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản, đặc biệt là các loại trái cây chủ lực.


Sơn La tìm giải pháp tiêu thụ nông sản

Với mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 35,2 triệu USD trong năm 2025, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ phát triển thị trường đến chế biến sâu, tạo đà vững chắc cho nông sản vươn xa.

Ngay từ những tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành và địa phương tập trung vào công tác phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Nguyên tắc "từ sớm" và "từ xa" được quán triệt, thể hiện sự chủ động trong việc nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức.

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: Sở thường xuyên theo dõi sát sao tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, kịp thời cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để đề xuất các giải pháp hỗ trợ Sơn La phát triển thương mại điện tử, coi đây là một kênh quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh.

Sơn La với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Không chỉ dừng lại ở thị trường truyền thống, Sơn La còn chú trọng đến việc mở rộng thị trường nội địa thông qua việc tiếp tục tổ chức các tuần hàng nông sản sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hải Phòng.

Đồng thời, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chủ thể sản xuất bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các nền tảng số như Zalo, TikTok, YouTube… cũng được triển khai mạnh mẽ, góp phần quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc trưng của Sơn La đến người tiêu dùng trên cả nước.

Một bước chuyển đổi quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại của Sơn La là việc từng bước số hóa các hoạt động. Thay vì chỉ tập trung vào các hình thức truyền thống như hội chợ, tuần hàng, tỉnh đã chủ động tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị, nhà máy, điểm du lịch… nhằm thiết lập các kênh tiêu thụ ổn định và bền vững.

Các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất khẩu nông sản đa dạng, ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX Mường Bú (huyện Mường La), chia sẻ: "Hiện nay, trung bình cứ 3 ngày, HTX chúng tôi xuất một chuyến xe khoảng 5 tấn nông sản xuống tiêu thụ tại các chợ đầu mối và cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội.

Dự kiến, số chuyến sẽ còn tăng mạnh khi bước vào vụ thu hoạch chính." HTX Mường Bú đặc biệt chú trọng đến ba yếu tố then chốt: đảm bảo chất lượng sản phẩm với hương vị đặc trưng, tổ chức sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ để giảm giá thành, đồng thời hỗ trợ các tiểu thương về giá để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm nông nghiệp của HTX Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh chế biến nông sản

Nhằm giảm bớt áp lực tiêu thụ quả tươi và gia tăng giá trị cho nông sản, Sơn La đã phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến nông sản. Hiện toàn tỉnh có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ trái cây như sấy dẻo, sấy giòn, nước cốt, nước ép và long nhãn.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết thêm: "Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu cho UBND tỉnh thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư vào tỉnh, tạo điều kiện phát triển các vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, chúng tôi cũng tích cực hướng dẫn và đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến nông sản đã được cấp phép."

Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La đẩy mạnh chế biến hoa quả. Ảnh: Văn Ngọc

Trong giai đoạn 2021-2023, Sơn La đã thu hút được 11 dự án chế biến nông sản quy mô lớn, trong đó có 10 dự án được cấp chủ trương đầu tư mới. Riêng năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận 4 hồ sơ đề xuất dự án đầu tư và đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký lên đến 633,8 tỷ đồng trên diện tích 13,27 ha.

Một tín hiệu tích cực khác cho ngành chế biến nông sản của Sơn La trong năm 2025 là việc Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La không chỉ duy trì các sản phẩm truyền thống mà còn lắp đặt dây chuyền đóng hộp hoa quả hiện đại đầu tiên tại Việt Nam, do Tetra Pak (Thụy Điển) sản xuất.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm, khẳng định: "Chúng tôi tiếp tục tăng cường liên kết với các hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất ổn định và cam kết giữ giá thu mua nông sản ổn định cho người nông dân. Dự kiến, năm 2025, Doveco Sơn La sẽ thu mua khoảng 80.000 tấn nông sản các loại".

Sơn La đẩy mạnh thu hút xây dựng các nhà máy chế biến nông sản. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La cho biết: Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn, HTX tăng cường quản lý các mã số vùng trồng được cấp; tiếp tục rà soát, bổ sung cấp mã vùng trồng mới; quản lý chặt quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn.

Huyện đã được cấp 48 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu, tổng diện tích 481 ha, sản lượng 4.817 tấn; trong đó, 12 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 23 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Có 52/74 HTX, công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGap, với 982 ha, trong đó: Nhãn 856 ha, sản lượng 8.562 tấn; xoài 69 ha, sản lượng trên 828 tấn; bưởi 15 ha, sản lượng 120 tấn; cam 41,2 ha, sản lượng 240 tấn; nho Hạ Đen 1 ha, sản lượng 8 tấn.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động từ khâu sản xuất đến chế biến và xúc tiến thương mại, Sơn La đang tạo ra một "bệ phóng" vững chắc cho nông sản vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu đầy tiềm năng trong năm 2025.

Chế biến sâu nông sản tương xứng với tiềm năng, mở lối ra cho nông sản Sơn La

Chế biến sâu nông sản tương xứng với tiềm năng, mở lối ra cho nông sản Sơn La

Sơn La đẩy mạnh phát triển nông sản đặc sản, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

HTX hiến kế nâng tầm nông sản Sơn La

HTX hiến kế nâng tầm nông sản Sơn La

Các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng nông sản... tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản".

Gala 'Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản': Doanh nghiệp, hợp tác xã hiến kế đưa nông sản Sơn La vươn xa

Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản": Doanh nghiệp, hợp tác xã hiến kế đưa nông sản Sơn La vươn xa

Với mục tiêu góp phần giúp hội viên nông dân có thêm giải pháp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng văn minh giàu đẹp, Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" tổ chức chiều 27/11 tại Sơn La thu hút 200 đại biểu tham dự.

Sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị nông sản Sơn La

Sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị nông sản Sơn La

Năm 2022, tỉnh Sơn La có thêm 31 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các địa phương.