Thứ Năm, ngày 23/01/2025 01:28 PM (GMT+7)

Chế biến sâu nông sản tương xứng với tiềm năng, mở lối ra cho nông sản Sơn La

2025-01-23 13:28:22

Sơn La đẩy mạnh phát triển nông sản đặc sản, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Lợi thế để phát triển nông sản

Nhưng năm gần đây, kinh tế Sơn La tăng trưởng; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Để có được những kết quả đó, Sơn La đã đẩy mạnh phát triển nông sản đặc sản, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường.

Nếp tan Mường Và là giống lúa truyền thống được bà con dân tộc Thái, Lào ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, gieo trồng từ lâu. Với hương vị thơm tự nhiên, dẻo, nếp tan Mường Và đã trở thành sản phẩm hàng hóa được công nhận thương hiệu, có giá trị trên thị trường, giúp người trồng lúa có thu nhập ổn định.

Nếp tan Mường Và có hương vị thơm tự nhiên, dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Văn Ngọc

Theo bà con nơi đây, nếp tan Mường Và được chia thành các loại giống: Tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ. Giống lúa này đang được gieo trồng chủ yếu ở các bản Mường Và, Cáp Ven, Huổi Ca, Huổi Niếng, Nà Lừa và một số bản có diện tích ruộng dọc suối Nặm Ca, suối Nặm Sủ, chiếm khoảng 70% diện tích ruộng của toàn xã, sản lượng hơn 1.000 tấn thóc/năm. Hiện nay, sản phẩm đã được bày bán tại các chợ, siêu thị trong, ngoài tỉnh và được bán trên sàn thương mại điện tử.

Ông Lường Văn Độ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sốp Cộp cho biết: Năm 2019, lúa nếp tan được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Huyện đã xây dựng hệ thống nhận diện cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm này. Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo nếp mang nhãn hiệu chứng nhận nếp Mường Và theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc. Gạo nếp tan Mường Và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, đã có 250 hộ gia đình, đơn vị nộp hồ sơ xin đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”.

Gạo nếp tan Mường Và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với thịt trâu hun khói của hộ kinh doanh Tòng Thị Hoa, thành phố Sơn La (Sơn La) có gần 10 năm khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP và được nâng hạng từ sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao từ năm 2023.

Chị Hoa chia sẻ: Thịt trâu hun khói là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Tôi không chỉ gìn giữ hương vị truyền thống vốn có, còn chú trọng đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc Thái Sơn La.

Sản phẩm thịt trâu hun khói của hộ kinh doanh Tòng Thị Hoa, thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Đề ra các giải pháp phát triển nông sản bền vững

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 82.626 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng 375.665 tấn; giá trị trên 5.386 tỷ đồng. Có 188 sản phẩm OCOP, tăng 34 sản phẩm so với năm 2023; có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 4 vùng so với năm 2023; hỗ trợ duy trì, phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, tăng 28 chuỗi so với năm 2023; 29 sản phẩm nông sản, thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài.

Có 5.596 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và tương đương; 19.121 ha cà phê áp dụng 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương; 3.210 ha sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; 115 ha nhà lưới, nhà kính.

Những năm qua, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung; cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết. Đồng thời, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân Sơn La có thu nhập ổn định nhờ phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh. Ảnh: Văn Ngọc

Thực hiện nhiệm vụ năm 2025, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,9% so với năm 2024.

Văn Ngọc
Không gian trải nghiệm cà phê Sơn La

Không gian trải nghiệm cà phê Sơn La

Ngày 14/1, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La ra mắt điểm trải nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Sơn La.

Phố núi Sơn La bứt phá xây dựng nông thôn mới

Phố núi Sơn La bứt phá xây dựng nông thôn mới

Thành phố Sơn La (Sơn La) tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đến nay diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc.

Phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn ở huyện vùng cao Sông Mã

Phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn ở huyện vùng cao Sông Mã

Huyện Sông Mã (Sơn La) tập trung phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.