Thứ Năm, ngày 23/01/2025 07:10 AM (GMT+7)

Nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương nhờ trồng mận hậu ứng dụng công nghệ cao

2025-01-23 07:10:27

Vùng mận hậu xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) được công nhận là vùng mận hậu ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Sơn La.

Canh tác mận hậu ứng dụng công nghệ cao

Phiêng Khoài (Yên Châu) - vùng đất sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Kinh,… Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, hội viên nông dân trên địa bàn đã đẩy mạnh phát triển cây mận hậu. Từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác loại cây trồng này, sản lượng, chất lượng của mận hậu nơi đây ngày càng được khẳng định, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La), thông tin: Cây mận hậu được đưa vào trồng ở Phiêng Khoài từ năm 1990. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cùng với việc người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chiết, ghép nên cây mận ra nhiều đợt hoa, cho năng suất và chất lượng quả cao.

Đến nay, cây mận hậu đã trở thành cây trồng chính của địa phương, giúp người dân trên địa bàn có thu nhập ổn định, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo. Hiện nay, cả xã Phiêng Khoài có hơn 400 hộ trồng mận hậu với gần 2.000 ha.

Vùng mận hậu xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) được công nhận là vùng mận hậu ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Ngọc

Với gia đình anh Trần Văn Giáp, bản Thanh Liêm 1, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La), nhận thấy cây mận hậu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng vùng đất Phiêng Khoài; với nguồn vốn của gia đình và vay mượn từ họ hàng, gia đình anh đã mua cây giống mận hậu về trồng để phát triển kinh tế.

Trồng mận hậu từ những năm 1999-2000, để nâng cao năng suất cũng như chất lượng mận hậu, gia đình anh đã áp dụng kỹ thuật trồng, chiết, ghép, áp dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng hệ thống phun tưới ẩm vừa tiết kiệm được nguồn nước, tiết kiệm công lao động vừa cung cấp đủ nước cho cây mận trong quá trình ra hoa, đậu quả, nuôi dưỡng quả. Nhờ vậy, năng suất mận gia đình anh đạt rất cao, bình quân 18,7 tấn/ha, nhiều hộ đạt 23 tấn/ha.

“Đến nay, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 3 ha đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây mận hậu. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác, vườn mận hậu của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng và năng suất cao. Trung bình gia đình thu về khoảng 25-30 tấn quả mỗi năm. Trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình thu lời hơn 200 triệu đồng/năm", anh Giáp chia sẻ.

Anh Trần Văn Giáp, bản Thanh Liêm 1, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) chăm sóc vườn mận hậu của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Cây mận hậu đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, những năm qua xã Phiêng Khoài đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện quy hoạch, xây dựng vùng mận chuyên canh quy mô lớn, tập trung; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận cho nông dân trên địa bàn theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và vận động các hộ liên kết sản xuất.

Hiện nay, cả xã có 7 HTX chuyên trồng và tiêu thụ mận hậu, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu, HTX Hoa ban trắng, HTX Tân Tiến, HTX Kiên Cường, HTX Kiên Thành.

Những năm qua, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ người dân tiêu thụ mận hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Các HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với 104 hộ dân trên địa bàn 8 bản gồm: Con Khằm, Cồn Huốt 1, Hang Mon 1, Hang Mon 2, Kim Chung 1, Kim Chung 2, Tam Thanh, Thanh Yên 2 với tổng diện tích 522,1 ha. Hiện nay, tổng sản lượng mận trong vùng đạt gần 20.000 tấn, năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha.

Được sự quan tâm của các cấp, ngành, mận hậu Phiêng Khoài đã được giới thiệu, tham gia các chương trình kết nối nông sản, được người tiêu dùng biết tới và dần có thương hiệu, nhất là xây dựng thành công thương hiệu “mận Ruby” được thị trường đón nhận. Từ trồng mận, nhiều gia đình đã có thu nhập 250-300 triệu đồng, có hộ thu đến 2 tỷ đồng/vụ.

Hiện nay, cả xã Phiêng Khoài có hơn 400 hộ trồng mận hậu với gần 2.000ha. Ảnh: Văn Ngọc

Việc công nhận vùng sản xuất mận hậu ứng dụng công nghệ cao xã Phiêng Khoài tạo tiền đề để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, giúp bà con đồng bào dân tộc tiếp tục gắn bó với cây mận, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Văn Ngọc
Thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân ở huyện vùng cao Yên Châu

Thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân ở huyện vùng cao Yên Châu

Tận dụng những lợi thế của địa phương, Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân, nhờ vậy thu nhập của hội viên ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Yên Châu thúc đẩy nông nghiệp vùng khó vươn lên

Yên Châu thúc đẩy nông nghiệp vùng khó vươn lên

Là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La có nhiều xã thuộc diện khó khăn nhưng Yên Châu lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, chăn nuôi.

Yên Châu: Xuống giống gieo cấy lúa xuân

Yên Châu: Xuống giống gieo cấy lúa xuân

Trên khắp các cánh đồng của huyện Yên Châu (Sơn La), nông dân đang tích cực chuẩn bị các điều kiện gieo cấy lúa xuân, cho năng xuất cao.