Xoá bỏ tà đạo "Bà Cô Dợ", giữ bình yên nơi biên cương Sơn La

Nhóm PV Tây Bắc

10/05/2025 21:51 GMT +7

Bản Huổi Luông - cái tên của một miền đất xa xôi, hẻo lánh, nơi những nếp nhà gỗ ẩn mình giữa trùng điệp núi non Sơn La. Bản nhỏ ấy thuộc xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, nơi biên giới vốn dĩ bình yên của bà con người Mông nơi đây từng bỗng chốc bị xé toang bởi tà đạo "Bà Cô Dợ".


Đồn Biên phòng Mường Lèo đóng chân tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; có nhiệm vụ bảo vệ hơn 45km đường biên giới với 18 cột mốc, 1 cọc dấu và giữ vững an ninh trật tự xã biên giới Mường Lèo. Ảnh: Mùa Xuân.

Tà đạo "Bà Cô Dợ" len lỏi về bản vùng biên

Từ trung tâm thành phố Sơn La, chúng tôi vượt chặng đường dằng dặc cả trăm km với những khúc cua "tay áo", dốc cao thăm thẳm và vực sâu hun hút để về trung tâm huyện Sốp Cộp. Sau ít phút nghỉ ngơi, chúng tôi lại hướng về Huổi Luông. Xe máy gồng mình bám vào con đường đất lầy lội sau những trận mưa rừng, gần 3 tiếng đồng hồ vật vã, chúng tôi mới tới được bản Huổi Luông.

Những câu chuyện về "Bà Cô Dợ" không đến từ sách vở hay tài liệu khô khan, mà được kể lại bằng giọng nói trầm buồn của cán bộ Biên phòng cắm bản, bằng ánh mắt lo âu của người dân.

Anh Mùa A Dua, một người con của bản Huổi Luông, xã Mường Lèo không giấu nổi tiếng thở dài khi nhắc lại quãng thời gian đen tối ấy. Đó là vào khoảng 4 năm về trước, khi bản chưa có sóng điện thoại, internet là thứ xa vời, vậy mà Lý Thị Va, một người trong bản, đã tìm cách "ra ngoài" để học cái "kinh thánh" lạ lùng kia. Rồi như một loại vi rút độc hại, đạo "Bà Cô Dợ" len lỏi vào bản qua những buổi lên nương, đi hái rau, chặt củi...

Những lúc tưởng chừng chỉ có tiếng chim rừng và tiếng dao liềm phát cỏ, thì Lý Thị Va lại gieo vào tai chị em phụ nữ những lời lẽ mê hoặc.

Vì sao lại là phụ nữ? Anh Dua và nhiều người dân lý giải thật giản đơn nhưng xót xa, bởi họ thường là những người ít được học hành, nhẹ dạ cả tin và trong nhiều gia đình Mông vẫn còn tồn tại nếp nghĩ trọng nam khinh nữ, khiến người phụ nữ dễ bị tổn thương và tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần sai lầm. "Bà ấy cứ nhắm vào những người thân trong gia đình, họ hàng gần gũi để lôi kéo trước...", anh Dua kể.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) tuyên truyền, vận động bà con nhân dân bản Huổi Luông không nghe theo lời kể xấu. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo báo cáo của Đồn Biên phòng Mường Lèo, Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, người Mông gốc Lào, hiện đang sinh sống tại Mỹ tự lập ra hội "Đức chúa trời yêu thương chúng ta" lấy tên gọi là "Bà Cô Dợ" để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào người Mông trên thế giới tin theo, với luận điệu lừa gạt như: "Ngày tận thế, thế giới sẽ diệt vong, nước sẽ chuyển sang màu đỏ không uống được. Ai mà theo chúa, sẽ được chúa đưa lên đất nước của chúa để sinh sống và được cấp của cải, tiền bạc" thực chất là tuyên truyền, lừa gạt đồng bào dân tộc Mông thành lập "Nhà nước Mông" tự trị.

Đạo "Bà Cô Dợ" không có hiến chương, điều lệ rõ ràng. Đối tượng Vừ Thị Dợ chỉ lợi dụng xuyên tạc một số câu, điều trong Kinh thánh Cựu ước, Tân ước để giảng dạy, tuyên truyền đạo. Vừ Thị Dợ tuyên truyền con trai út Cứ Nu Si Lông chính là Chúa Giê Su tái thế, sẽ cai trị người Mông trong 1.000 năm.

Vừ Thị Dợ còn tự nhận mình là người được Chúa Trời chọn để tái lâm lần thứ 2; không phải đóng 10 % thu nhập, ai tin theo đạo "Bà Cô Dợ" sẽ được chia tiền.

Theo "lời dạy" quái đản đó, ai theo sẽ không phải đóng thuế, sẽ được chia tiền... Một thứ pha trộn giữa mê tín dị đoan cực đoan và mưu đồ chính trị phản động, đánh thẳng vào sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận đồng bào người Mông khu vực biên giới.

Tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tổ chức tà đạo "Bà Cô Dợ" xuất hiện từ tháng 4/2019, tại bản Huổi Luông, xã Mường Lèo. Tính đến hết năm 2022, điểm nhóm này có 5 hộ dân, với 28 nhân khẩu là người dân tộc Mông tham gia.

Qua tìm hiểu về nguồn gốc tà đạo "Bà Cô Dợ" ở Sơn La, được biết: Tháng 4/2019, có người xưng là ở Điện Biên đã gọi điện cho vợ, chồng Giàng A Dê, sinh 1982 và Lý Thị Va (cùng trú tại bản Huổi Luông, Mường Lèo, Sốp cộp, Sơn La), bảo họ sang Điện Biên để học đạo. Khi Giàng A Dê đang trên đường đi sang Điện Biên thì đầu điện thoại bên kia lại gọi cho vợ chồng Dê bảo là không phải sang nữa; đồng thời họ hướng dẫn cho Dê mở điện thoại vào mạng Internet để học đạo. Sau đó Dê lôi kéo thêm các hộ khác cùng theo.

Khi tà đạo gieo rắc đau thương và sức mạnh hồi sinh của bản làng

Hệ lụy mà tà đạo "Bà Cô Dợ" để lại ở bản Huổi Luông không chỉ dừng lại ở những lời tuyên truyền rỗng tuếch.

Ông Mùa A Dua, Trưởng bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) thông tin: Bản Huổi Luông có 74 hộ, với hơn 430 nhân khẩu, 100% là người Mông, 9 dòng họ cùng sinh sống.

Nhắc lại câu chuyện tà đạo "Bà Cô Dợ", ông Dua lắc đầu ngao ngán, kể về những mâu thuẫn nội bộ gay gắt đã xảy ra. Những người đi theo "Bà Cô Dợ" không chỉ chống đối chính quyền, không tuân thủ hương ước bản làng, mà còn từ chối tiêm vắc-xin Covid-19 giữa lúc dịch bệnh hoành hành.

Phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo trò chuyện với một hộ dân tại bản Huổi Luông có người thân theo tà đạo "Bà Cô Dợ" khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo ông Dua, một trong những nguyên nhân sâu xa của việc một số hộ dân nghe theo lời kể xấu để theo tà đạo "Bà Cô Dợ" là do trình độ nhận thức còn hạn chế, bản xa trung tâm xã, huyện. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn...

Trong số hơn 70 hộ dân trong bản Huổi Luông thì nhiều hộ đã có người theo đạo Bà Cô Dợ; trong đó chủ yếu là phụ nữ. Nhưng đau xót nhất là những mảnh đời, những mái ấm gia đình đã tan vỡ vì tà đạo này.

Cùng cán bộ Biên phòng Mường Lèo đến thăm gia đình anh Thào A S. (nhân vật xin được giấu tên), chúng tôi ngồi lại trong căn nhà gỗ truyền thống lợp ngói xi măng, nghe anh S. kể mà nghẹn lòng. Vợ anh, một người phụ nữ mù chữ, đã bị Lý Thị Va lôi kéo.

Ban đầu chỉ là những cuộc đi nương, đi rẫy cùng nhau, rồi dần dần là những lời "truyền đạo" ngấm vào lúc nào không hay. Đáng sợ hơn, vợ anh bị mê hoặc đến mức buổi tối lẻn lên rừng, nơi có sóng 3G hiếm hoi để "nghe truyền đạo" qua mạng.

"Bà ấy cứ về bảo 'Bà Cô Dợ' xuống trần gian rồi sao mình không tin, sau này chiến tranh khổ đấy...", anh S. rầu rĩ kể lại lời vợ. Anh S. thắc mắc, anh cùng người thân trong gia đình nội, ngoại can ngăn, nhưng vô ích. Mâu thuẫn cứ lớn dần, không chỉ lời qua tiếng lại mà đến mức vợ chồng không còn ăn chung, ngủ chung.

Cuối cùng, tổ ấm tan vỡ. "Nhìn người vợ tin theo tà đạo mà tôi lực bất tòng tâm. Vợ tự nấu cơm, tự ăn, cũng không mời tôi, các con ăn cùng...", giọng anh S. chùng xuống, chứa đựng nỗi bất lực và cay đắng.

Hành trình gian nan xóa bỏ tà đạo nơi bản Mông biên giới

Thượng Tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La (đóng chân tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) người gắn bó với mảnh đất này, chia sẻ những khó khăn trong cuộc chiến chống lại tà đạo. Đạo "Bà Cô Dợ" gây chia rẽ ngay trong cộng đồng, giữa đạo chính thống và tà đạo, thậm chí giữa vợ chồng, dòng họ.

Những người tin theo còn mua can, bao tải tích trữ lương thực, nước sôi để "phòng chiến tranh" theo lời dụ dỗ viển vông. Hệ lụy là bỏ bê lao động sản xuất, không cho con đi học...

Cuộc đấu tranh xóa bỏ "Bà Cô Dợ" là một hành trình kiên trì và gian nan của lực lượng Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương. Họ "bám dân", "cắm bản", đến từng nhà tuyên truyền, vận động, tổ chức cho bà con ký cam kết không theo tà đạo.

Tuyến đường vào bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đang được Nhà nước hỗ trợ đổ bê tông hoá khang trang để giúp người dân đi lại thuận tiện, mở hướng phát triển kinh tế cho bà con. Ảnh: A Dua.

Thượng Tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo cho biết thêm, có những giai đoạn, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 nhạy cảm (2020-2022), việc tiếp cận, thuyết phục người dân rất khó khăn vì đối tượng bịt tai không nghe, thậm chí né tránh cán bộ.

Tà đạo lại lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) và sự chỉ đạo từ các tổ chức phản động ở nước ngoài để len lỏi, truyền bá ngay cả trên nương, trên rẫy.

Tuy nhiên, với sự kiên trì, nhạy bén và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc xoá bỏ tà đạo này đã dần tạo dựng được lòng tin của nhân dân.

Bên cạnh tuyên truyền cá biệt, các tổ công tác đã tổ chức các buổi nói chuyện tập trung tại bản, phát tờ rơi, lồng ghép nội dung đấu tranh chống tà đạo vào các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Đặc biệt, việc tổ chức cho các hộ dân bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ bị lôi kéo vào tà đạo, thực hiện ký cam kết không học, không theo tà đạo "Bà Cô Dợ" và các hoạt động truyền đạo trái phép đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, bây giờ nhận thức của bà con dân tộc Mông tại bản Huổi Luông và các bản lân cận đã có chuyển biến tích cực.

Người dân đã hiểu rõ hơn về sự nguy hại của tà đạo, nhận ra những lời hứa hẹn viển vông, phi thực tế. Số lượng người tin theo "Bà Cô Dợ" đã không còn, nhiều người trước đây lầm lỡ đã tự nguyện từ bỏ, trở về sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật hoặc trở về với nếp sống, sản xuất bình thường.

"Cùng với công tác tuyên truyền, vận động của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo về việc xoá bỏ tà đạo "Bà Cô Dợ"; nay lại được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tuyến đường đất dài khoảng 7km về bản đang được hỗ trợ đổ bê tông, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6/2025.

Ngoài ra, năm 2025 này, 30 hộ dân của bản Huổi Luông đã được Nhà nước hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát. Từ đó, giúp người dân an cư, yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo". Trưởng bản Huổi Luông Mùa A Dua vui mừng nói.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng của tỉnh Sơn La, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo tiếp tục làm tốt công tác "bám dân", nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi truyền đạo trái phép, không để các thế lực thù địch và các loại hình tà đạo có cơ hội tái sinh hoặc gây phức tạp trở lại, giữ vững sự bình yên và phát triển cho vùng biên cương Tổ quốc.

Chúng tôi rời bản Huổi Luông, xã Mường Lèo khi chiều dần buông xuống. Con đường về bản đang được gấp rút đổ bê tông để sớm hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản, giảm nghèo, nâng cao dân trí.

Ánh điện thắp sáng trong mỗi căn nhà gỗ và con đường đang thành hình ấy chính là biểu tượng sống động nhất cho thấy bình yên nơi biên cương đang ngày càng được củng cố vững bền. Góp phần đẩy lùi bóng tối của tà đạo, giữ trọn bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.