Xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên Mường Lèo

29/12/2024 09:03 GMT +7

Đến Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, chúng tôi được thấy những đổi thay tích cực ở xã vùng biên và chứng kiến bà con nơi đây nô nức góp sức người, sức của cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

Xã vùng biên Sốp Cộp bừng sáng nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 1.

Cung đường về xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp hôm nay đã được nhựa hoá, kết nối với các xã khác giúp rút ngắn thời gian đến trung tâm huyện Sốp Cộp gần hơn. Ảnh: Phạm Hoài.

Mường Lèo trong ký ức người dân bản địa

Mường Lèo không còn cảnh xa ngái bản Sam Quảng ở tít trên núi cao. Đây là nơi sinh sống của mấy chục hộ dân là đồng bào dân tộc Mông. Họ di cư từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) sang đây đã được hơn nửa thế kỷ.

Ngày trước, đường lên bản chỉ là lối mòn. Người dân phải đi bộ từ bản xuống trung tâm xã mất cả ngày trời. Mỗi khi gia đình có việc hay muốn bán con gà, con lợn, con bò... cho thương lái bà con gặp muôn vàn khó khăn và cực nhọc.

Anh Giành A Dệnh, Trưởng bản Sam Quảng, xã Mường Lèo là người đã chứng kiến bao đổi thay ở vùng đất này. Đôi chân anh đã từng đi mòn bao nhiêu đôi dép ở đất Mường Lèo anh cũng không nhớ nổi nữa, nên anh hiểu được nỗi cơ cực của bà con người Mông.

Anh Giành A Dệnh nhớ lại, cách đây khoảng 30 năm trở về trước, nơi này bạt ngàn hoa anh túc. Người dân trồng thuốc phiện thay cây ngô, cây lúa. Bà con dùng thuốc phiện để đổi lấy lương thực thôi.

Năm 1993, Nhà nước vận động người Mông xóa bỏ cây thuốc phiện để thay thế bằng cây trồng mới, bà con trong bản làm theo và giờ đây trên nương thuốc phiện khi xưa là những vườn cây mận, cây ngô, cây dong riềng...

Anh Giành A Dệnh nhắc chuyện xưa để nói chuyện nay mới thấy sự đổi thay của vùng sơn cước này phải đánh đổi bằng bao mồ hôi và công sức của bà con.

Anh Giành A Dệnh kể, ngày xã Mường Lèo phát động bà con xây dựng nông thôn mới, bà con còn chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình.

Ở bản, cái đói, cái nghèo, thiếu thốn trăm đường. Đường giao thông đi lại khó khăn. Con cái học hành chưa được quan tâm nhiều thì bà con biết lấy gì để tham gia chương trình. Nhưng rồi những bỡ ngỡ ban đầu cũng dần trôi qua.

Xã vùng biên Sốp Cộp bừng sáng nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhiều nhà văn hóa bản trên địa bàn xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Phạm Hoài.

Những cán bộ, chiến sĩ biên phòng, rồi cán bộ huyện, cán bộ xã đã tổ chức nhiều cuộc họp ở bản, họp các dòng họ cùng nhau bàn cách xây dựng nông thôn mới. Bà con có thể góp công, góp sức… cùng nhau làm đường rồi chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cả việc vệ sinh môi trường…

Những việc mà bà con có thể làm được trong tầm tay cũng đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Mùa nối mùa trôi qua, bà con người Mông ở các bản Huổi Lạ, Huổi Phúc, Nà Chòm, Sam Quảng, Huổi Luông... rồi bà con người Thái ở quanh trung tâm xã đã cùng nhau nỗ lực góp sức người, sức của vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Đầu tiên là con đường nhựa nối từ trung tâm huyện đến xã đã được hoàn thành.

Đổi thay Mường Lèo

Tiếp đó, những con đường bê tông nối các bản xa xôi nhất của xã được xây dựng. Nói như ông Giàng Chứ Măng – người có uy tín ở bản Sam Quảng: "Cái ước mơ được nhìn thấy vệt bánh ô tô in trên nền đất bản Sam Quảng của bà con người Mông đã thành hiện thực. Có đường bà con bán được nông sản với giá cao. Đám trẻ có thể về dưới trung tâm xã học hành. Bà con mua được xe máy để giải phóng đôi chân". Cơ sở hạ tầng hoàn thành là cầu nối để kinh tế phát triển. Sự đồng lòng của cả chính quyền địa phương và nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân xã Mường Lèo có cuộc sống no ấm hơn.

Điện đã kéo về bản cao thắp sáng trong mỗi ngôi nhà; trường học, Trạm Y tế được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng khang trang. Con em người Thái, người Mông đã được học trong ngôi trường xây vững chãi, thay vì phải học ở những lớp ghép tre nứa và quây bạt khi xưa.

Xã vùng biên Sốp Cộp bừng sáng nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 3.

Phát triển cây ăn quả gắn với nâng cao thu nhập đang được người dân xã Mường Lèo lựa chọn nhân rộng diện tích. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lèo cho biết: Trước đây, con đường giao thông liên xã về trung tâm huyện chưa được nhựa hóa, nhà lớp học tạm bợ, Trạm Y tế chưa được nâng cấp, nhà văn hóa các bản chưa có, điện mới đến được khu vực trung tâm xã, khó khăn trăm bề.

Thế nhưng, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, UBND xã Mường Lèo đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn của chương trình. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện các chương trình này với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, lập kế hoạch chi tiết, cân đối nguồn lực để thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu ưu tiên thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu gần đạt, cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; nông thôn dân chủ bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị được giữ vững ổn định.

Xã vùng biên Sốp Cộp bừng sáng nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 4.

Người dân xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hoá. Ảnh: Phạm Hoài.

Năm 2024, xã Mường Lèo được hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa 10 công trình như nhà văn hóa bản, đường giao thông nông thôn, trụ sở UBND xã, công trình thủy lợi, nước sạch; cấp phát 68 téc nước cho 68 hộ nghèo trên địa bàn...

Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hơn ý thức tự giác, tự chủ của người dân; tổ chức tham quan học tập giữa các xã đã đạt chuẩn trong tỉnh, huyện, tạo phong trào thi đua rộng khắp giữa các bản với bản, các hộ gia đình.

Sau mỗi năm, nhờ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân nơi đây, bộ mặt của xã Mường Lèo đã thay đổi rõ rệt. Bà con nhân dân hăng say sản xuất và phát triển hàng hóa. Gia đình ông Vàng Chứ Măng ở bản Sam Quảng, xã Mường Lèo là hộ luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. Cách đây hai mươi năm, ông Măng đã có đàn trâu, bò lên đến cả trăm con.

Ông Măng cho biết: "Nhà có công to việc lớn gì chỉ cần bán một hai con trâu là có tiền. Đàn gia súc của gia đình trị giá cả trăm triệu đồng".

Xã vùng biên Sốp Cộp bừng sáng nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 5.

Nhiều công trình nước sạch được đầu tư cho người dân vùng biên Mường Lèo. Ảnh: Phạm Hoài.

Ở Mường Lèo có diện tích chăn thả trâu, bò rất lớn, nên ông Măng cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã biết tận dụng lợi thế này để phát triển chăn nuôi.

Xác định được ngành chăn nuôi là lợi thế, nên xã Mường Lèo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiện xã đang duy trì hơn 185 ha cây ăn quả; gần 14 ha cây cà phê...

Trong chăn nuôi, người dân chuyển sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Hiện toàn xã có hơn 7.600 con gia súc và gần 20.300 con gia cầm các loại. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã Mường Lèo ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 43%, giảm gần 3,6% so với năm 2023.

Mường Lèo giáp ranh với xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và cụm bản Na Son, huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào. Xã có 13 bản, 776 hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú cùng sinh sống.
Xã vùng biên Sốp Cộp bừng sáng nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 6.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) tuyên truyền pháp luật cho người dân khu vực biên giới. Ảnh: Phạm Hoài.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tựa như đòn bẩy giúp các xã vùng biên viễn  như Mường Lèo có bước đột phá về cơ sở hạ tầng. Cuộc sống của bà con người người Mông, người Thái… đang "thay da đổi thịt" từng ngày.

Những khó khăn gian gian khổ khi xưa đã lui vào ký ức, giờ đây vùng biên giới Sốp Cộp đã có sự đổi thay nhanh chóng. Từ khi chương trình nông thôn mới được triển khai, cơ sở hạ tầng nơi đây được đầu tư xây dựng khang trang. Đường mở đến đâu, việc làm ăn buôn bán của bà con vùng biên giới cũng dần khởi sắc.


Đồn Biên phòng Mường Lèo: 'Đơn vị Quyết thắng' tiêu biểu vùng biên Sơn La

Đồn Biên phòng Mường Lèo: "Đơn vị Quyết thắng" tiêu biểu vùng biên Sơn La

Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua Quyết thắng. Góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện trong tình hình mới.

Đón Xuân ở Đồn Biên phòng Mường Lèo

Đón Xuân ở Đồn Biên phòng Mường Lèo

Tết đến, xuân về, người người nhà nhà sum vầy, nhưng những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Mường Lèo, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) gác lại niềm vui đón Xuân bên gia đình, thầm lặng nắm chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, cho đất nước trọn niềm Xuân sang.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Lèo vượt khó xây dựng Nông thôn mới

Nông thôn Tây Bắc: Mường Lèo vượt khó xây dựng Nông thôn mới

Mường Lèo là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nhưng chương trình xây dựng Nông thôn mới ở vùng Nông thôn Tây Bắc này đang có nhiều khởi sắc.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp

Là huyện nghèo ở vùng biên của tỉnh Sơn La, những năm gần đây, Sốp Cộp đã và đang thay đổi từng ngày. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân ngày được nâng lên.