dd/mm/yyyy

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá

Là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, những năm qua, ngoài việc thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Sông Mã (Sơn La) đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô gia trại, trang trại, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Clip: Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá

Chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá góp phần xóa đói giảm nghèo

Để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sông Mã (Sơn La) đã chỉ đạo các các cấp, ngành chức năng, cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân từ tập quán chăn thả rông sang nuôi theo hướng tập trung, nuôi nhốt; đưa những giống có năng xuất, chất lượng cao vào chăn nuôi, đồng thời chủ động phòng chống dịch bệnh; quy hoạch phát triển mạnh diện tích trồng cỏ để chăn nuôi đàn gia súc. Bên cạnh đó, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi, như hỗ trợ con giống, thức ăn phục vụ chăn nuôi từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính giúp cho nhân dân thoát nghèo bền vững.

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá - Ảnh 2.

Huyện Sông Mã (Sơn La) đang triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt bò và hướng tới năm 2025 phấn đấu phát triển đàn đại gia súc với quy mô 70.000 con


Được Hội Cựu chiến binh tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện Sông Mã cho vay 50 triệu đồng năm 2018, ông Cà Văn Inh, bản Co Kiểng, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã đầu tư chăn nuôi lợn, đến năm 2020 khi nuôi lợn có lãi ông trả nợ ngân hàng một phần ông tiếp tục đầu tư để phát triển đàn bò nuôi nhốt chuồng, nay gia đình ông đã có của ăn, của để và vươn lên để làm giàu.

Ông Cà Văn Inh, Cựu chiến binh bản Co Kiểng, xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La) chia sẻ: "Năm 2018 được vay 50 triệu từ ngân hàng chính sách xã hội huyện tôi đã đầu tư chăn nuôi lợn và sau khi trả nợ ngân hàng xong tôi tiếp tục đầu tư nuôi bò, nhờ có cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn cách ủ chua thức ăn cho gia súc; tập huấn biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc; tiêm vắc xin phòng bệnh và phun tiêu độc, khử trùng… đàn bò của tôi phát triển tốt. Đến nay kinh tế gia đình đã ổn định, thu nhập gần 100 triệu/năm sau khi trừ chi phí"

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi của ông Cà Văn Inh, bản Co Kiểng, xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Với ông Lò Văn Sương, bản Huổi So, xã Chiềng Cang (Sông Mã, Sơn La) ngoài trồng ngô, chăn nuôi lợn, nuôi dê… ông Sương luôn mong muốn có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi bò. Đến đầu năm 2020, may mắn được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của hội nông dân huyện Sông Mã, ông Sương đã quyết định mua 1 cặp bò mẹ con về chăn nuôi. Bên cạnh nguồn vốn vay gia đình ông cũng bỏ thêm vốn để phát triển đàn bò đến nay đàn bò của gia đình ông đã có 10 con.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Phạm Quang Thành, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết: "nhằm tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sông Mã (Sơn La) đã tuyên truyền và định hướng cho người dân về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển đại gia súc theo quy mô tập trung, trang trại, gắn với đầu tư trồng cỏ. Hết năm 2022, toàn huyện có gần 60.782 con và đã trồng được 512 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, đạt trên 100% kế hoạch, tăng 10,8% so với năm 2021. Năm 2023 UBND huyện đang triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt bò thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu phát triển đàn đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đến năm 2025 khoảng 70.000 con".

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá - Ảnh 4.

Mô hình chăn nuôi của ông Lò Văn Sương, bản Huổi So, xã Chiềng Cang (Sông Mã, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi

Trong những năm gần đây, phát triển chăn nuôi bò sinh sản đã trở thành một lĩnh vực hết sức quan trọng và tiềm năng trong việc cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi. Việc xây dựng một nguồn cung con giống bò chất lượng cao không chỉ giúp nâng cao năng suất sản xuất mà còn góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi.

Việc khuyến khích giúp các hộ phát triển chăn nuôi theo mô hình kết hợp, huyện Sông Mã (Sơn La) còn nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, Hợp tác xã xây dựng các mô hình trang trại quy mô lớn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 trên địa bàn huyện Sông Mã. Mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện đã thực hiện hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã trên địa bàn nuôi bò sinh sản để cung cấp con giống tốt cho bà con trong vùng. Chương trình dự án này hỗ trợ 70% con giống và 50% thức ăn tinh cho 6 tháng đầu.

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá - Ảnh 5.

Huyện Sông Mã (Sơn La) phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch phát triển diện tích trồng cỏ. Ảnh: Nguyễn Vinh

Năm 2020, được sự hỗ trợ từ chương trình dự án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thuộc mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, anh Tòng Văn Cường Bản Mường Nưa, xã Mường Lầm (Sông Mã, Sơn La) đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi bò sinh sản. Đàn bò lai Sind, Batman 23 con ban đầu của anh Cường sinh trưởng và phát triển tốt, bê con được sinh sản đều, hàng năm đáp ứng mục tiêu là tạo ra nguồn bê con đạt chất lượng, cung cấp cho bà con trong vùng phát triển chăn nuôi theo định hướng của huyện. Kinh tế gia đình ổn định, anh có điều kiện chăm lo cho gia đình, sửa lại nhà và mua ô tô.

Anh Cường chia sẻ: "Gia đình tôi thu nhập trung bình 300 triệu/năm từ chăn nuôi, sắp tới gia đình sẽ cải tạo lại vườn và mở rộng quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu con giống tốt cho bà con trong vùng".

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá - Ảnh 6.

Mô hình chăn nuôi của anh òng Văn Cường Bản Mường Nưa, xã Mường Lầm (Sông Mã, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Với hợp tác xã Toàn Phát, xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La) được hỗ trợ từ chương trình dự án với 60 con bò sinh sản. Qua hơn 2 năm chăm sóc cùng với việc đầu tư tăng đàn, đến nay, đàn bò lai sind, batman của Hợp tác xã sinh trưởng và phát triển tốt, tổng đàn đã tăng lên hơn 200 con, trong đó có hơn 150 con đã sinh sản đáp ứng mục tiêu của Hợp tác xã là tạo ra nguồn bê con đạt chất lượng, cung cấp cho bà con trong vùng phát triển chăn nuôi theo định hướng của huyện.

Anh Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát, xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La) cho biết: "xuất phát từ con bò của địa phương năng suất thấp nên chúng tôi nghĩ tới hướng cải tạo đàn bò cho địa phương vì con bò lai sind, batman cho năng suất rất là cao. Đây cũng là hướng đi để chúng tôi kinh doanh và đồng thời cải tạo đàn bò cho địa phương sau này. Sông Mã là vùng có diện tích cây ăn quả rất nhiều và sản xuất theo hướng hữu cơ, nguồn phân để cung cấp cho các nhà vườn cũng đem lại nguồn thu cao và rất hiệu quả".

Nhờ triển khai đúng hướng mà đàn gia súc trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã không ngừng phát triển. Hết năm 2022, toàn huyện có gần 1,26 triệu con. Trong đó: Trâu 11,9 nghìn con; Bò 54,8 nghìn con; Lợn 89,6 nghìn con; Dê 18,7 nghìn con; gia cầm, thủy cầm 1,1 triệu con,... Trong đó có hàng chục mô hình chăn nuôi gia súc trên 100 con, hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia súc hàng chục con.

Huyện biên giới Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá - Ảnh 7.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của hợp tác xã Toàn Phát, xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết: "Thực hiện Kết luận số 703 ngày 30/8/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực 3 và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025. Trong thời gian tới, định hướng của huyện ngoài cây ăn quả thì huyện cũng tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với diện tích trồng cỏ và ngô ngọt ".

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sông Mã (Sơn La) đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi bền vững, duy trì và mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc