dd/mm/yyyy

Nông dân thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn

Với sự năng động, chịu khó học hỏi, sử dụng vốn vay đúng mục đích hội viên nông dân Lù Văn Niên đã vươn lên thoát nghèo.

Nông dân chọn chăn nuôi để làm kinh tế

Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đang ngày càng được lan tỏa sâu rộng, nhiều hội viên nông dân đã phát huy vai trò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả thoát nghèo bền vững.

Điển hình như hội viên nông dân Lù Văn Niên, ở bản Cang Phiêng, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. với sự năng động, chịu khó học hỏi, sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nông dân thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn - Ảnh 1.

Anh Lù Văn Niên, bản Cang Phiêng, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La kiểm tra xự phát triển của trùn quế. Ảnh: Gia Linh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, thu nhập chỉ trông chờ vào trồng ngô, sắn nên cuộc sống gia đình còn nghèo khó. Năm 2004, thực hiện cuộc di dân xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, anh Niên cùng gia đình tái định cư tại bản Cang Phiêng, xã Pi Toong. Sau một thời gian an cư, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường La với 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, chăn nuôi 100 con gà và 5 con trâu, bò. Với sự chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi, mô hình chăn nuôi ngày càng phát triển cho thu nhập ổn định.

Anh Lù Văn Niên, bản Cang Phiêng, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nhận thấy đất bạc màu, trồng ngô, sắn không hiệu quả, thu nhập thấp, tôi ngày đêm trăn trở, ra thành phố Sơn La tìm mua sách về kỹ thuật chăn nuôi, tìm đến các địa chỉ có mô hình kinh tế của các thanh niên ở những địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi.

Năm 2017, tôi quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng cỏ voi với trên 10.000m2 để lấy thức ăn nuôi trâu, bò vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo nguồn thức ăn. Dần dần, đàn gia súc sinh sôi lên đến 16 con, đầu năm tôi vừa xuất bán 1 con trâu và 4 con bò lãi trên 60 triệu đồng.  

Nông dân thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn - Ảnh 2.

Anh Lù Văn Niên, bản Cang Phiêng, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cung cấp thức ăn tươi cho đàn trâu bò của gia đình. Ảnh: Gia Linh

Cách nông dân chăn nuôi cho hiệu quả cao

Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, anh Niên còn mua giống gà lai chọi về lai với giống gà bản địa để gà có sức đề kháng tốt hơn, khỏe hơn, sinh trưởng phát triển tốt hơn. Lợi nhuận từ bán gà, trâu, bò mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Nhận thấy, trong quá trình chăn nuôi, lượng chất thải từ trâu, bò bị bỏ đi rất lãng phí và ô nhiễm môi trường. Qua nghiên cứu làm thế nào để tận dụng phế phẩm chăn nuôi, anh Niên đã thử nghiệm nuôi trùn quế. Ban đầu anh mua 50kg trùn sinh khối xây bể 10m2 nuôi trùn, đến nay, đã cho thu hoạch gần chục tấn phân trùn quế.

Giới thiệu bể nuôi trùn quế, anh Niên kể: "Trùn quế rất dễ nuôi, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đặc tính của trùn thường sống trong môi trường ẩm thấp nên tận dụng phân trâu bò rất hiệu quả, giúp giun sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt, còn giúp khử mùi hôi thối của phế phẩm. Phân giun thì mang bón cho cỏ, rau màu… còn giun thì mình làm thức ăn cho gà hoặc sấy khô làm bột để cho trâu bò ăn.

Nông dân thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn - Ảnh 3.

Trùn quế rất dễ nuôi, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trùn quế làm thức ăn cho gà hoặc sấy khô làm bột để cho trâu bò ăn rất tốt. Ảnh: Gia Linh

Tôi vừa mới đầu tư máy ép cám 10 triệu đồng để trộn bột ngô, cám gạo với trùn quế làm cám viên cho trâu, bò đây là nguồn thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng; để bón cho cây sẽ giúp cây trồng có thể hấp thu ngay dưỡng chất, phát triển khỏe mạnh. Trong thời gian tới, tích lũy thêm vốn tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi trâu bò, dê và diện tích nuôi trùn quế để tăng thu nhập cho gia đình.

Mô hình của anh Niên đã đem lại hiệu quả và lan tỏa rộng đến người dân, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên ở địa phương đến học tập kinh nghiệm. Với mong muốn nhân dân chuyển đổi tập quán chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, anh đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho đoàn viên thanh niên và người dân trong xã để chăn nuôi hiệu quả cùng nhau vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của mình.

Nông dân thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn - Ảnh 4.

Với sự năng động, chịu khó học hỏi, sử dụng vốn vay đúng mục đích hội viên nông dân Lù Văn Niên đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Gia Linh

Anh Vì Văn Tiên, bản Pi Tạy, xã Pi Toong, nói: Tôi đến đây học hỏi mô hình của anh Niên thấy rất hiệu quả, lại tiết kiệm chi phí. Tôi sẽ học hỏi theo anh Niên nuôi trùn quế để  tận dụng phế phẩm làm thức ăn cho cá và làm phân bón cho cây trồng.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của anh Niên đã giảm được nhiều chi phí, tạo được nguồn nguyên liệu luôn sẵn có, ngoài ra còn giảm được ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Văn Ngọc - Gia Linh