Clip: Nông dân vùng cao thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Nông dân có thu nhập ổn định từ chăn nuôi gia súc
Sơn La với điều kiện đất đai rộng lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với chăn nuôi đại đàn gia sức. Những năm qua, bằng nhiều những việc làm thiết thực như: tuyên truyền, vận động, các chính sách hỗ trợ lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia, nông dân Sơ La đang đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo các mô hình trang trại, gia trại, HTX và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư mở rộng, thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, toàn huyện có trên 52.000 con bò, trên 12.200 con trâu, hàng chục nghìn con lợn. Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sông Mã đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi bền vững, duy trì và mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, đảm bảo nguồn thực phẩm, giống vật nuôi tại chỗ, huyện Sông Mã đã chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã thực hiện tốt việc nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Anh Lù Văn Niên, bản Cang Phiêng, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nhận thấy đất bạc màu, trồng ngô, sắn không hiệu quả, thu nhập thấp, tôi ngày đêm trăn trở, ra thành phố Sơn La tìm mua sách về kỹ thuật chăn nuôi, tìm đến các địa chỉ có mô hình kinh tế của các thanh niên ở những địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi.
Năm 2017, tôi quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng cỏ voi với trên 10.000m2 để lấy thức ăn nuôi trâu, bò vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo nguồn thức ăn. Dần dần, đàn gia súc sinh sôi lên đến 16 con, đầu năm tôi vừa xuất bán 1 con trâu và 4 con bò lãi trên 60 triệu đồng.
Sơn La phát triển chăn nuôi địa đàn gia súc bền vững
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, tổng đàn trâu có khoảng: 115,295 con; Đàn bò thịt: 351.242 con; Đàn bò sữa: 27.210 con; Đàn lợn: 657.369 con; Đàn ngựa: 6.298 con; Đàn dê: 166.263 con; Đàn gia cầm các loại: 7.655 nghìn con; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 82.250 tấn; Sản lượng sữa tươi: 98.365 tấn.
Ông Nguyên Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Sơn La phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung gắn công nghiệp chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của địa phương. Đối với đàn trâu duy trì phát triển đàn trâu bản địa để giải quyết một phần sức kéo, phân bón cho trồng trọt và đáp ứng nhu cầu thịt cho tiêu dùng. Phát triển nuôi trâu lấy thịt cho nhu cầu tiêu dùng thịt trong và ngoài tỉnh. Phát triển chăn nuôi trâu theo hình thức gia trại, trang trại trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Cơ cấu giống: Tập trung phát triển mạnh đàn trâu giống địa phương ở những vùng có lợi thế về đồng cỏ và nghề truyền thống. Đến năm 2025 đàn trâu 143.680 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6.130 tấn; định hướng đến năm 2030 đàn trâu 100.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 5.000 tấn.
Đàn bò thịt: Phát triển đàn bò theo hướng chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên phát triển loại mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng gia trại, trang trại, công nghiệp trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Cơ cấu giống: Phát triển mạnh bò cao sản giống nhập ngoại; trọng lượng xuất chuồng bình quân 220 - 240 kg/con. Đến năm 2025 đàn bò thịt 363.920 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.060 tấn; định hướng đến năm 2030 đàn bò thịt 500.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 15.000 tấn
Đàn bò sữa: Phát triển tăng nhanh đàn bò sữa, đồng thời nâng cao chất lượng con giống phù hợp với điều kiện khí hậu á nhiệt đới, gắn với công tác kiểm định và chứng nhận đàn bò sữa theo các phương pháp tiên tiến. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong chăn nuôi bò sữa; chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, kiểm soát an toàn sinh học, chất lượng sữa và môi trường chăn nuôi tại nông hộ; mở rộng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đến năm 2025 đàn bò sữa 35.000 con, sản lượng sữa tươi 98.000 tấn; định hướng đến năm 2030 bò sữa 50.000 con, sản lượng sữa tươi 120.000 tấn.
Tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi gia súc; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia súc… Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.