dd/mm/yyyy

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân

Phát huy vai trò cầu nối, nhận ủy thác vốn vay, Hội Nông dân Sơn La đã góp phần giúp đời sống kinh tế hội viên nông dân ngày càng nâng lên.


Clip: "Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân

Từ các nguồn vốn vay, giúp nông dân vươn lên

Phát huy vai trò cầu nối nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay cho hội viên nông dân phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giúp đỡ hàng nghìn hội viên tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Gia đình bà Quàng Thị Lả, dân tộc Thái, ở bán Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, do thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật nên việc phát triển chăn nuôi kém hiệu quả, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2018, gia đình bà được Hội Nông dân huyện Mường La (Sơn La) đứng ra tín chấp với NHCSXH huyện vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo để xây dựng chuồng trại, mua 2 con bò giống về chăn nuôi.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 2.

Bà Quàng Thị Lả, dân tộc Thái, ở bán Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) bổ sung thức ăn tươi cho dàn bò của gia đinh. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhờ chăm chỉ và áp dụng các biện pháp chăn nuôi khoa học, đến nay gia đình chị đã trả nợ hết ngân hàng và tiếp tục vay thêm để đầu tư mở rộng quy mô trang trại, gia đình bà duy trì mỗi lứa từ từ 10-15 con bò vỗ béo. Gia đình bà không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi các con ăn học tử tế.

"Năm 2018, sau khi được Hội Nông dân xã, tuyên truyền, vận động, cùng với việc được đi thăm một số mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tôi biết đến việc nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Nhận thấy hiệu quả, với số vốn của gia đình, cùng với được sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng CSXH huyện Mường La, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua thêm bò giống về nuôi vỗ béo. Mỗi năm, gia đình tôi bán từ 5-6 con bò đã vỗ béo, bình Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng"", bà Lả nói.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 3.

Gia đình bà Quàng Thị Lả, dân tộc Thái, ở bán Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) vươn lên làm giàu từ chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Còn tại huyện Yên Châu (Sơn La) để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân Yên Châu đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển, Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho Trên 3.100 hộ hội viên vay và ủy thác gần 90 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 1.567 hộ vay phát triển kinh tế.

"Hội Nông dân có 13/14 cơ sở Hội bước đầu đã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả. Toàn huyện hiện có trên 3.200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (10 hộ cấp trung ương, 46 hộ cấp tỉnh, 593 hộ cấp huyện, hơn 2.000 hộ cấp xã)", ông Điện nói.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 4.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 5.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 6.

Hội Nông dân huyện Yên Châu nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho Trên 3.100 hộ hội viên vay và ủy thác gần 90 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 1.567 hộ vay phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nông dân Sơn La phát huy hiệu quả nguồn vốn

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hội Nông dân tỉnh Sơn La có 12 tổ chức hội cấp huyện, 199 tổ chức hội cấp xã và 2.452 chi hội cơ sở, với tổng số gần 169.000 hội viên. Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, có tri thức; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cao và bền vững; xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, tạo cơ hội phát triển bình đẳng, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương. 

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 7.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 8.

Từ các nguồn vốn ưu đãi đã giúp các hội viên nông dân có nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đặc biệt, Hội Nông dân Sơn La xác định việc nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện, những năm qua, Hội Nông dân luôn nỗ lực trong hoạt động phối hợp với NHCSXH , Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Qũy hỗ trợ nông dân để thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng hành, hỗ trợ nông dân làm ăn, phát triển kinh tế để thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn tỉnh đạt 66.220,33 triệu đồng, đầu tư cho 202 dự án về chăn nuôi, cải tạo vườn cây ăn quả cho 1.626 hộ với số tiền 57.685,2 triệu đồng. Phối hợp với ngân hàng triển khai uỷ thác vay vốn, đến nay tổng dư nợ Ngân hàng chính sách thông qua chức Hội Nông dân quản lý là: 1.474.417 triệu đồng, với 1.040 tổ TK&VV cho 33.575 hộ vay; dư nợ qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT: 978.659,triệu đồng với 301 tổ vay vốn cho 8.830 hộ vay.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 10.

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến nông dân - Ảnh 11.

Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn tỉnh đạt 66.220,33 triệu đồng, đầu tư cho 202 dự án về chăn nuôi, cải tạo vườn cây ăn quả cho 1.626 hộ với số tiền 57.685,2 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhờ đó, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được đẩy mạnh, với trên 28.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp được bình chọn. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; hàng năm có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nông dân, nhất là nông dân thuộc dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng biên giới.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Ðảng, Nhà nước về chính sách tín dụng đến HVND; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả, giúp các hộ hội viên nông dân từng bước phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu để sớm không còn hộ hội viên nông dân nghèo trên địa bàn.

 

 

 

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh