dd/mm/yyyy

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La

Tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Lễ hội cà phê Sơn La lần 1 năm 2023.

Clip: Sơn La đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cà phê

Giải pháp tiêu thụ cà phê Sơn La

Cà phê Arabica Sơn La đang từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, xuất khẩu sang 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN. Giá trị xuất khẩu cà phê Sơn La trong năm 2022 đạt khoảng 82,4 triệu USD; trên địa bàn có 9 cơ sở sơ chế cà phê quy mô công nghiệp; có 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho 6 tổ chức.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, khó khăn trong các khâu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu cà phê Sơn La; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cà phê, vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê. Đồng thời, chia sẻ các bài học kinh nghiệm liên quan đến phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 2.

Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La cần nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu cho cà phê Sơn La thông qua các hoạt động như: Tổ chức hoạt động đồng bộ nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh thương hiệu cà phê Sơn La đến doanh nghiệp, người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác chung giữa các cơ quan xúc tiến thương mại với doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh cà phê Sơn La trên thị trường thế giới.

xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu cà phê Sơn La chất lượng cao phù hợp với từng nhóm đối tượng; Nghiên cứu phương án và thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ra nước ngoài sau khi bảo hộ thành công tại Việt Nam; Lồng ghép các chương trình dự án phát triển tài sản trí tuệ để tăng cường hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 3.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê; đồng thời hỗ trợ nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê, phát triển sản phẩm cà phê phù hợp với nhu cầu và quy định của từng thị trường; Thúc đẩy việc xây dựng văn hóa kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở trong nước và quốc tế; từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La.

Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bản tin cho cà phê Sơn La.  Sản xuất phim, phóng sự, video clip quảng bá về cà phê Sơn La; liên kết với các đài truyền hình trong nước và quốc tế để sản xuất các chương trình quảng bá cà phê Sơn La. Tuyên truyền, quảng bá qua các hình thức trực quan (pano, băng rôn, phướn, màn hình điện tử…), trên mạng internet và các nền tảng mạng xã hội. Tuyên truyền, quảng bá trên báo chí, các tạp chí chuyên ngành, các sàn giao dịch trực tuyến, các nền tảng thương mại điện tử uy tín trong nước và tại thị trường xuất khẩu mục tiêu.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 5.

Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Vụ Ngọc Huy, Trưởng phòng quản lý chất lượng và vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La thông tin: Để mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê Sơn La cần đảm bảo chất lượng tốt và không ngừng tăng là điều cần thiết để giữ các thị trường đã được bán vào như: EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, …. Ngoài ra, cà phê Arabica Sơn La cần đáp ứng được các yêu cầu của EUDR từ năm 2025 để giữ thị trường EU. Gia tăng vào các nước Châu Âu còn mua ít như: Khối Vương Quốc Anh, Khối Đông Âu, ... là một hướng đi tiềm năng. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng tại các nước này để có sản phẩm phù hợp.

Chú trọng phát huy lợi thế địa lý để gia tăng vào thị trường Châu Á là một giải pháp đúng đắn. Thị trường Châu Á có tiềm năng rất lớn, và cà phê Arabica Sơn La có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Châu Á. Đa dạng chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng có thu nhập từ khá đến cao tại nội địa. Cần đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cà phê Arabica Sơn La chất lượng cao hướng tới khách hàng nội địa. Với sự quan tâm ngày càng cao của người tiêu dùng đến việc bảo vệ hệ sinh thái và đảm bảo cuộc sống cho người nông dân, việc xây dựng chuỗi liên kết sâu giữa doanh nghiệp và nông hộ, cần được thực hiện một cách nghiêm túc.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 6.

Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La đẩy mạnh nâng cao chất lượng cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Công nhận hơn 1.000 cà phê ứng dụng công nghệ cao

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham gia tâm huyết của các đại biểu. Tỉnh Sơn La sẽ tiếp thu và nghiên cứu, chọn lọc, vận dụng điều kiện thực tế địa phương. Đồng chí đề nghị các vụ, cục, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Sơn La về định hướng, giải pháp phát triển cà phê bền vững; hướng dẫn thực hiện quy định về xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EU) để đảm bảo điều kiện cho xuất khẩu cà phê; đồng hành và hỗ trợ tỉnh Sơn La trong quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu quan tâm hỗ trợ tỉnh các giải pháp về giống mới, quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 7.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La giao các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, thực hiện phát triển cà phê bền vững theo đúng chủ trương, định hưởng của trung ương, của tỉnh; quản lý, phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, RA, cà phê đặc sản, sản xuất theo hướng hữu cơ, cấp mã số vùng trồng... Tham mưu các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với sản phẩm cà phê Sơn La.

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 8.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Ngọc

Kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La - Ảnh 9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao Quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án trồng cây cà phê Arabica Sơn La cho Công ty cổ phần Cà phê Detech. Ảnh: Văn Ngọc

Nhân dịp này, UBND tỉnh Sơn La đã trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao có diện tích trên 1.000 ha tại 18 bản thuộc 3 xã Chiềng Ban, Chiềng Chung và Chiềng Dong, với trên 1.500 hộ tham gia; công bố và trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án trồng cây cà phê Arabica Sơn La cho Công ty cổ phần Cà phê Detech.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh