Xe ô tô chạy đến tận nhà
Ông Lê Đức Thương – Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, ngay từ khi phát động chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã ý thức được vai trò chủ thể của nhân dân trong thực hiện chương trình nên không ngừng chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn dân trong xã tham gia xây dựng NTM. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo việc triển khai các công trình công cộng đều được bàn bạc công khai và lấy ý kiến của nhân dân, có giám sát cộng đồng, tuân thủ theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình xây dựng NTM xã cũng tích cực triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua toàn dân tham gia xây dựng NTM, mỗi đoàn thể cụ thể hóa bằng kế hoạch, hành động, mỗi ấp cụ thể hóa bằng công việc, công trình thiết thực, từ đó thúc đẩy tinh thần tham gia sôi nổi trong nhân dân.
“Sau quá trình vất vả, gian nan tuyên truyền, chính quyền và người dân cùng đồng lòng, cuối cùng người dân Hòa Ninh cũng được hưởng trái ngọt. Nhìn lại chặng đường 5 năm xây dựng NTM mới thấy được sự nỗ lực, quyết tâm, không ngại khó của chính quyền và nhân dân. Nhờ đó,
chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã thực sự đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả khả quan” - ông Thương chia sẻ.
Nhờ phát huy tốt nội lực và nguồn hỗ trợ của cấp trên, đến nay, 100% tuyến đường liên thôn và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường trục thôn và đường liên thôn cũng được cứng hóa, đạt 100%. 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội. Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.
Không dừng lại ở phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, diện mạo NTM ở Hòa Ninh đang dần hoàn thiện cùng hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân càng được quan tâm...
“Đời sống của người dân ngày một đầy đủ hơn, con đường ngày trước đi lại khó khăn, đất, sình lầy lội giờ đã được bê tông, trải nhựa hết, xe bốn bánh chạy đến tận nhà, khoảng cách xã này sang xã khác như ngắn lại…” - ông Nguyễn Nhường – Trưởng thôn An Sơn phấn khởi nói.
Bưởi da xanh giúp dân giàu có
Ông Thương cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Hòa Ninh đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, như: Mô hình trồng lúa, trồng hoa, cây màu, sản xuất dược liệu nghệ vàng và đinh lăng của Công ty CP dược Danapha, chăn nuôi gà thả vườn,…Trong đó, mô hình trồng bưởi da xanh đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Toàn xã hiện có hơn 150 hộ trồng bưởi da xanh, với diện tích hơn 40ha, trong đó nhiều hộ nhờ trồng bưởi da xanh mà thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như hộ ông Đặng Văn Nhân, Đặng Văn Hòa, Bùi Quang Tiến (ở thôn Đông Sơn)…
“Tôi trồng bưởi da xanh đã hơn 20 năm với diện tích 2ha, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 15 tấn, với giá bán 15.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí gia đình tôi cũng thu được 150 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống của gia đình được cải thiện đáng kể” - ông Đặng Văn Nhân, ở thôn Đông Sơn hồ hởi nói.
Ông Thương cho biết thêm, thời gian qua, địa phương cũng đã được Phòng NNPTNT huyện Hòa Vang hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho 19 hộ trồng bưởi da xanh quy mô lớn, nhờ đó hiệu quả tăng lên thấy rõ. Xã Hòa Ninh cũng chọn sản phẩm bưởi da xanh để thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).