dd/mm/yyyy

Bình Thuận: Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây thanh long

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bình Thuận: Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây thanh long - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận phát triển trồng thanh long theo quy trình sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn châu Âu EUREPGAP, xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ… Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN

Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có hơn 29.700 ha cây thanh long. Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép, rượu vang, thanh long sấy khô, sấy dẻo…; trong đó, thị trường nội địa khoảng 15 - 20%, còn lại là xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong xuất khẩu chỉ có khoảng 2 - 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu. Để tăng cường xuất khẩu chính ngạch, thanh long nói riêng và các nông sản khác nói chung cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Trong đó, một số thị trường yêu cầu phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; trong đó có thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, xác định việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là rất cần thiết để thanh long Bình Thuận đáp ứng được nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu bền vững. Từ năm 2018, Bình Thuận đã bắt đầu triển khai thống kê vùng trồng và nhà đóng gói thanh long để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói thanh long Bình Thuận.

Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 574 mã số vùng trồng và 287 mã số cơ sở đóng gói được cấp và giám sát; trong đó, mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang Hàn Quốc là 120 mã số, Australia là 139 mã số; New Zealand là 139 mã số; Trung Quốc là 78 mã số... Kết quả này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người sản xuất và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và bền vững.

Không chỉ trên cây thanh long, mới đây, Bình Thuận được Trung Quốc phê duyệt 2 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này. Đây là một trong những mã số vùng trồng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra một hướng đi tích cực cho sầu riêng Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.

Để đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tập trung tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cấp mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng các quy định của thị trường.

Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số trên địa bàn theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở đóng gói thanh long theo đúng quy định của pháp luật.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Bên cạnh cấp mã số vùng trồng thì mã số cơ sở đóng gói cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, là một trong những yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.


Hồng Hiếu