Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, với diện tích hơn 33.000 ha chuyên canh cây thanh long cho sản lượng gần 700.000 tấn/năm, người nông dân ở Bình Thuận đã làm giàu nhờ cây trồng này. Tuy nhiên, thị trường của trái thanh long trong nhiều năm qua được xem là không ổn định và thiếu bền vững. Đặc biệt, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, sản xuất thanh long đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tại thanh long Bình Thuận đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn, cần được giải quyết trong vòng 15 ngày. Thêm vào đó, dự kiến sản lượng thu hoạch của nông dân đến hết tháng 3/2022 khoảng 100.000 tấn. Việc tháo gỡ khó khăn tiêu thụ trái thanh long là điều cấp thiết.
Từng gắn bó nhiều năm với cây thanh long, ông Lê Minh Hùng ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, chưa bao giờ thanh long tụt giá như hiện nay. Hiện thanh long đang trong vụ nghịch, nông dân phải chong đèn để cây cho trái nên chi phí giá thành sản xuất cao. Nếu bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg thì mới lấy lại vốn. Tuy nhiên với giá thanh long như hiện tại (2.000 đồng/kg), thậm chí không có người mua, nông dân thua lỗ. Nhiều nhà vườn đang nằm trong vòng luẩn quẩn, nếu sản xuất mà giá thành quá thấp thì lỗ nặng, còn nếu không sản xuất thì cây bị hỏng, không sản xuất được cho mùa sau.
Hàng hóa ùn ứ, giá giảm sâu, không chỉ người trồng thanh long thua lỗ mà các vựa thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Đại diện Công ty Thanh long Thu Hằng cho biết, hiện tại chi phí để đưa thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây tuy nhiên thanh long khi vận chuyển tới cửa khẩu thì không thể thông quan; khiến trái hư hỏng, doanh nghiệp thua lỗ nặng. Thời gian qua, doanh nghiệp vẫn cố "gồng" để thu mua cho bà con nhưng đến nay khó có thể gắng sức.
Cùng ý kiến, đại diện Công ty Thanh long Thọ Hướng cho rằng: Sau thời gian các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe lên cửa khẩu (từ ngày 12 - 15/2), các đơn vị tiếp tục thu mua, đóng hàng để xuất khẩu thì các cửa khẩu tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến ngày 5/3. Điều này khiến các doanh nghiệp rơi vào thế "trở tay không kịp".
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long cũng phải đối mặt với một số khó khăn như: hiện nay nhiều đơn vị cùng sử dụng một mã số vùng trồng, mã số đóng gói, mã số kho đã dẫn đến tình trạng một mã hàng bị "dính" COVID-19 thì tất cả lô hàng đều phải tiêu hủy, khó khăn chồng chất khó khăn. Do xuất khẩu đường bộ gặp khó các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển nhưng cước phí quá cao, tăng bình quân từ 300- 400% so với trước đây.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long tại Bình Thuận đều nêu kiến nghị nhằm mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ tiêu thụ thanh long trong bối cảnh hiện nay như: kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long đang tồn đọng; lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tạo điều kiện tốt nhất cho các xe hàng chờ thông quan…
Các đại biểu cũng kiến nghị Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận quan tâm cấp và quản lý nghiêm ngặt mã số vùng trồng, mã số đóng gói... Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người trồng và các đơn vị xuất khẩu thanh long như: giảm lãi suất vay vốn ngân hàng, giảm giá tiền điện…
Bên cạnh các kiến nghị, hội nghị cũng đưa ra một số giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Ông Trần Ngọc Hiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh long Hoàng Hậu cho rằng: Tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài. Cơ hội để thanh long sang thị trường này sẽ càng ngày càng khó bởi diện tích và sản lượng thanh long trồng ở Trung Quốc ngày càng tăng. Do vậy, chúng ta cần thay đổi để thích ứng. Trước mắt người nông dân nên tổ chức lại sản xuất. Các doanh nghiệp nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kiểm soát lại tình hình để tránh tình trạng đưa hàng hóa lên cửa khẩu quá nhiều.
Các đại biểu cho hay, Hiệp hội Thanh long phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Công Thương và các địa phương để theo dõi, nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất- xuất khẩu, hợp tác xã về tình hình xuất khẩu thanh long và tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động trong sản xuất, thu hoạch cũng như có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển thanh long lên các cửa khẩu hợp lý. Ngoài ra, Hiệp hội Thanh long cần xây dựng phương án, kế hoạch kết nối, tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng tiêu thụ.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, nông dân, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ có tổng hợp, báo cáo và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thanh long Bình Thuận.