Bà Hồ Thị Bạch Hoàng (TP.Phan Thiết) - “mẹ đẻ” của sáng kiến tương thanh long vẫn đang nỗ lực vượt khó, tìm cơ hội để đưa thêm một sản phẩm mới nữa từ trái thanh long ra thị trường.
Tương… thanh long
Bà Hoàng vốn là giám đốc một cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn tỉnh. Khi cơ sở hoạt động ổn định, bà giao lại cho con cái quản lý để bước chân vào lĩnh vực mới: Nông nghiệp. Năm 2010, bà Hoàng về xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) mua 1,5ha đất để trồng thanh long sạch.
Thời điểm đó, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP còn khá mới mẻ, bà cố gắng thuyết phục nông dân thay đổi để nâng cao giá trị nông sản. Thành quả cũng đến khi sản phẩm của HTX Thanh long Hàm Kiệm do bà làm giám đốc được thị trường chấp nhận.
Nhưng việc tiêu thụ thanh long VietGAP gặp không ít khó khăn khi giá cả thị trường vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua. Không đành lòng nhìn thanh long chín rụng trên cành, bà bắt đầu nghiên cứu để chế biến thanh long tươi thành nhiều sản phẩm phục vụ cho khách du lịch. Từ kinh nghiệm làm bánh kẹo sẵn có, các loại bánh mứt thanh long, siro thanh long, búp thanh long muối… cứ thế lần lượt ra đời.
"Những sản phẩm khởi nghiệp như tương thanh long sẽ tiếp tục khơi dậy tiềm năng trong lĩnh vực chế biến. Qua đó giảm bớt áp lực xuất khẩu trái tươi, nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Ông Văn Công Thới -
Giám đốc Sở KHCN Bình Thuận
Năm 2013, các sản phẩm chế biến từ thanh long của bà vinh dự được chọn trưng bày tại triển lãm Phụ nữ sáng tạo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Cũng trong năm đó, một chuyên gia người Nhật hướng dẫn bà quy trình ủ rượu trái thanh long. Đây là một gợi ý quá mới mẻ.
“Nhưng nếu làm được rượu vang, Bình Thuận lại có thêm một sản phẩm mới, một lượng thanh long rất lớn sẽ được tiêu thụ” - bà Hoàng kể.
Năm 2020, quy trình chưng cất rượu thanh long của bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận độc quyền. Niềm vui đến chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến. Lượng khách du lịch sụt giảm, các cửa hàng tiêu thụ gần như tê liệt, trong khi các khoản nợ ngân hàng cứ liên tục réo gọi…
Tìm kiếm nhà đầu tư
Vừa qua năm 2020 thì đợt dịch Covid-19 năm 2021 lại kéo tới. Trái thanh long tiêu thụ trầy trật ở cả nội địa lẫn xuất khẩu. Bà Hoàng lại trăn trở tìm cách tháo gỡ bớt áp lực xuất khẩu trái tươi. Thế là ý tưởng tương thanh long ra đời.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021, bà Hoàng là thí sinh lớn tuổi nhất (67 tuổi) mang sáng kiến đến dự thi. Cuối năm 2021, sáng kiến của bà đoạt giải nhất vì được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về tính đổi mới và khả thi khi triển khai vào cuộc sống. Giải nhất vừa là sự công nhận, nhưng cũng mở thêm một hành trình khác không kém phần gian nan.
Dịch Covid-19 vẫn còn để lại hậu quả nặng nề lên đời sống kinh tế. Một sản phẩm mới ra đời không dễ được thị trường chấp nhận. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để ăn bát phở kèm tương thanh long.
“Nhưng còn sức thì tôi còn nuôi giấc mơ nâng tầm giá trị trái thanh long. Nhà xưởng cho chế biến cũng đã lên kế hoạch xây dựng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường và nhà đầu tư” - bà Hoàng thổ lộ.
Ông Nguyễn Thiệp - thành viên HTX Thanh long Hàm Kiệm cho biết, điều đáng ghi nhận là sáng kiến làm tương thanh long - dù là thành tích cá nhân, nhưng bà Hoàng lại muốn trao quyền sử dụng cho HTX Thanh long Hàm Kiệm. “Bà Hoàng muốn tặng sản phẩm này cho HTX để giúp bà con gia tăng giá trị từ trái thanh long, kết nối xã viên gắn bó hơn với tập thể” - ông Thiệp cho biết.