dd/mm/yyyy

Bapi HAGL - thương hiệu của Bầu Đức chính thức tham gia cuộc đua thị trường sản phẩm từ thịt heo

Bầu Đức chính thức tham gia thị trường thịt heo với thương hiệu Bapi HAGL sau thời gian chỉ bán heo hơi

Ngày 21/8, tại Đà Nẵng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức ra mắt thương hiệu Bapi HAGL và cửa hàng BapiMart với sản phẩm chủ lực là thịt heo ăn trái chuối (dạng mát) cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt heo Bapi HAGL như: thịt nguội, chả lụa, xúc xích,…

Theo ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL (HAGL góp 55% vốn điều lệ), việc xây dựng nhà máy riêng cần quá trình dài nên trước mắt, HAGL liên kết với một số nhà máy giết mổ đạt chuẩn để gia công giết mổ và chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến của đối tác để sản xuất theo công thức, thương hiệu riêng.

Bapi HAGL - thương hiệu của Bầu Đức chính thức tham gia cuộc đua thị trường sản phẩm từ thịt heo  - Ảnh 1.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tươi Bapi


"Hiện tại, Việt Nam có nhiều nhà máy giết mổ cũng như chế biến thực phẩm đầu tư hiện đại nhưng đang hoạt động dưới công suất, việc hợp tác này đôi bên cùng có lợi. Trong tương lai, HAGL mong muốn toàn bộ sản lượng heo nuôi từ trang trại sẽ qua nhà máy trước khi ra thị trường nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.

Bapi HAGL đang cố gắng thiết lập kênh phân phối thông minh nhờ tận dụng công nghệ. Theo đó, ngoài kênh bán hàng truyền thống, Bapi HAGL còn có ứng dụng (app) riêng để người tiêu dùng đặt hàng. Đơn hàng sẽ chuyển về các điểm bán gần nhất để thuận lợi cho vận chuyển" - ông Lộc cho hay.

Bapi HAGL - thương hiệu của Bầu Đức chính thức tham gia cuộc đua thị trường sản phẩm từ thịt heo  - Ảnh 2.

Bầu Đức (bìa phải) bên trang trại heo ăn chuối


Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HAGL, từng nói về việc nuôi heo mà chỉ bán heo hơi, nôm na là "bán lúa non", vì phần lợi nhuận của khâu giết mổ, phân phối chiếm tỉ lệ lớn trong chuỗi giá trị của ngành heo.

Chuối loại sau xuất khẩu được chế biến thành thức ăn tinh cho heo, chỉ một số giai đoạn heo ăn chuối chín trực tiếp

Hơn nữa, bầu Đức tự tin heo của HAGL có sự khác biệt do thức ăn được sử dụng từ nguồn nguyên liệu là trái chuối loại sau xuất khẩu, không chỉ giải quyết được đầu ra cho chuối loại, trang trại chuối có thêm lợi nhuận 150 triệu đồng/ha còn heo hơi lại có giá thành rẻ do không phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu.

Bapi HAGL - thương hiệu của Bầu Đức chính thức tham gia cuộc đua thị trường sản phẩm từ thịt heo  - Ảnh 3.

Theo bầu Đức, 7 tháng đầu năm 2022, HAGL đã xuất chuồng gần 106.000 con heo thịt, doanh thu 584 tỉ đồng, khoảng 5,5 triệu đồng/con. Riêng trong tháng 7, bầu Đức xuất chuồng 23.432 con heo thịt, doanh thu 154 tỉ đồng, tương đương 6,6 triệu đồng/con nhờ mặt bằng giá heo hơi tăng.

Như vậy, bình quân mỗi ngày HAGL xuất chuồng khoảng 500 con và xu hướng đang tăng trong các tháng cuối năm do nhu cầu thị trường tăng và đàn heo của HAGL đang tăng nhanh.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu HAGL đạt 2.260 tỉ đồng, lợi nhuận 657 tỉ đồng - đạt 58% kế hoạch cả năm 2022.

Hiện nay, hầu hết các công ty chăn nuôi quy mô lớn đều phát triển thịt heo mang thương hiệu riêng như: C.P, Japfa, Greenfeed, Sagri food… nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong tổng đàn nuôi. Phần lớn thị trường thịt heo Việt Nam là "heo nóng", sau giết mổ được bán trong ngày với điều kiện nhiệt độ thường. Trong khi đó, thịt heo thương hiệu cần có điều kiện bảo quản mát, chất lượng tốt hơn nhưng giá cao hơn nên chỉ mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn.


Ngọc Ánh