Triển lãm được triển khai theo hình thức trực tuyến tới Ban Điều phối viên Dự án Li chăn tại Hà Nội. Triển lãm "Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn nông dân" giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau, do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện trong giai đoạn từ những năm 1900 đến những năm 2000 và đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Tại cuộc triển lãm "Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn nông dân" lần này, đã giới thiệu 30 bản in, hiện vật lựa chọn từ sưu tập của bảo tàng Mỹ Thuật Việt nam gồm: Tranh dân gian và tranh, tượng hiện đại được trình bày theo 6 chủ đề: "Giống di truyền"; "Sức khỏe vật nuôi"; "Cây thức ăn chăn nuôi"; "Chăn nuôi và môi trường"; "Chăn nuôi và sinh kế"; "Chăn nuôi và đời sống văn hóa". Đồng thời, giới thiệu 30 bức ảnh do chính những người nông dân tham gia dự án Li - chăn ghi lại.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, cho biết: Trâu, bò, lợn, gà là những vật nuôi trong nhà không thể thiếu ở vùng nông thôn miền núi. Sự gắn bó, yêu thương từ hai phía đã khiến chúng trở thành các nhân vật chính trong văn học, thơ ca, hội họa, và nền văn hóa dân gian Việt Nam.
Những hình ảnh trong triển lãm được những người nghệ nhân xuất thân từ Đông Hồ, Kim Hoàng diễn tả bằng những hình ảnh bình dị, gần gũi, như: Đàn lợn trên lưng có hình vòng xoáy "âm – dương" tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.
Bên cạnh những sáng tác của các họa sĩ hiện đại như Phan Thế Cường, Hà Trí Dũng, Trần Khánh Chương với các phong cách đa dạng phản ánh vai trò của vật nuôi trong hoạt động sản xuất, sinh kế và mối quan hệ gần gũi, yêu thương giữa người và vật nuôi….
Thông qua triển lãm sẽ giúp công chúng có được góc nhìn đa chiều về chăn nuôi và vật nuôi, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững.
Dưới góc nhìn của nông dân, công chúng và nghệ thuật, các bức tranh, ảnh về chăn nuôi đã được tái hiện đa dạng, sinh động, truyền tải thông điệp về thay đổi tư duy, phương thức chăn nuôi an toàn sinh học của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức về vai trò của chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi.
Ông Trần Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho rằng: Nói đến ngành chăn nuôi chúng ta chỉ nhìn giống như ngành kinh tế, đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo ông Phong, triển lãm lần này giới thiệu 52 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng về chất liệu và chủ đề liên quan đến những hoạt động nông nghiệp. Đó là những câu chuyện kể chân thực, sinh động trong phát triển chăn nuôi ở Sơn La.
Nhờ đó, giúp chúng ta mở rộng lăng kính đa chiều dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn của người nông dân. Góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của ngành chăn nuôi trong việc cải thiện sinh kế, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền các lĩnh vực đời sống xã hội, tiến tới đổi mới đề án nâng cao Bảo tàng Sơn La gắn với du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.