dd/mm/yyyy

Bắc Ninh: Đề xuất Ấn Độ xây dựng công viên dược phẩm 200-500ha tại huyện Lương Tài

Chiều 27/7, Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ tổ chức Hội nghị kết nối trực tuyến giữa nhóm nhà đầu tư Ấn Độ với hơn 20 tỉnh, thành của Việt Nam về khả năng xây dựng Công viên dược phẩm tại Việt Nam.
Bắc Ninh: Đề xuất Ấn Độ xây dựng công viên dược phẩm 200-500ha tại huyện Lương Tài - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng một số Sở, ngành liên quan dự.

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất thuốc hàng đầu thế giới, xuất khẩu sang 200 quốc gia với nhiều loại nguyên liệu dược phẩm. Lũy kế đến nay, Ấn Độ có 132 dự án dược phẩm tại Việt Nam.

Nhóm các nhà đầu tư Ấn Độ mong muốn được đầu tư khoảng 500 triệu USD vào khu công nghiệp chuyên biệt về dược phẩm có diện tích từ 500 - 1.000ha, thu hút được khoảng 500.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp, doanh thu sau khi đưa vào hoạt động ước khoảng 5 tỷ USD. Các tiêu chí cơ bản của Công viên dược phẩm là có giao thông thuận lợi, nguồn năng lượng ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về xử lý chất thải.

Phát biểu tại hội nghị, các tỉnh, thành phố đã trình bày khả năng đáp ứng các yêu cầu của nhóm nhà đầu tư và các lợi thế khác của địa phương mình.

Giới thiệu khái quát về môi trường đầu tư tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với nhiều trục giao thông lớn chạy qua. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đứng ở tốp đầu cả nước; dân số là 1,4 triệu người, lao động hơn 774.000 người, trong đó có 75% lao động qua đào tạo. Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp, 1.600 dự án FDI còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư 20,5 tỷ USD. Trong đó, có 3 dự án của các nhà đầu tư Ấn Độ với số vốn 28,2 triệu USD.

Bắc Ninh: Đề xuất Ấn Độ xây dựng công viên dược phẩm 200-500ha tại huyện Lương Tài - Ảnh 2.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung. Nếu được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn, Bắc Ninh sẽ dành riêng một khu công nghiệp dược phẩm để đáp ứng các điều kiện về đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, với nhiều giải pháp cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp như: mô hình Bác sĩ doanh nghiệp; Tổ phản ứng nhanh 3 nhất; duy trì đối thoại chính quyền và doanh nghiệp… Bắc Ninh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. 

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh bổ sung một số ưu đãi về tiền sử dụng đất, hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động.

Hơn nữa, Bắc Ninh cũng thu hút được các trường Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội và một số Bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, có khả năng cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư.

Đối với dự án Công viên dược phẩm của các nhà đầu tư Ấn Độ, Bắc Ninh đề xuất vị trí cụ thể nằm ở huyện Lương Tài, diện tích quy hoạch từ 200-500ha với ưu điểm hạ tầng giao thông đồng bộ, chưa bị ô nhiễm môi trường.

Bày tỏ mong muốn được chào đón các nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng Công viên dược phẩm để đa dạng các lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết thêm, nếu được nhà đầu tư quan tâm, lựa chọn, tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch phù hợp, đáp ứng nhu cầu cụ thể của dự án. 

N.Linh