Với vị thế chiếm 40% tổng lượng gạo được xuất khẩu gạo toàn cầu, việc Ấn Độ đột ngột ngưng xuất khẩu toàn bộ gạo tẻ vào ngày 20/7 vừa qua đang khiến thị trường gạo toàn cầu gián đoạn. Lệnh cấm xuất khẩu này được nhận định sẽ gây tác động mạnh đến việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia châu Phi.
Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên thế giới đang tạm ngưng việc thực hiện các hợp đồng hiện tại cũng như tiếp nhận các đơn hàng mới nhằm đánh giá tác động cũng như động thái của Chính phủ Ấn Độ. Một số chuyên gia nhận định các quốc gia châu Phi có thể vận động Chính phủ Ấn Độ nới lỏng chính sách cấm xuất khẩu gạo như đã từng làm với việc cấm xuất khẩu lúa mì.
Hồi tháng 5/2022, Ấn Độ cũng đột ngột cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh giá lúa mì toàn cầu tăng gần gấp đôi so với mức thông thường do tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Tuy nhiên, sau đó Ấn Độ đã quyết định cho phép các đơn hàng xuất khẩu được ký trước ngày ban hành lệnh cấm vẫn được thực hiện, giúp giải phóng một lượng lúa mì ra thị trường.
Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), cho biết các doanh nghiệp Thái Lan hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình để xem liệu Ấn Độ có nới lỏng lệnh cấm hay không nhằm đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, cũng như báo giá xuất khẩu thận trọng hơn khi giá gạo xuất khẩu có thể tăng mạnh thời gian tới.
Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đạt 545 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 525 USD/tấn – mức cao nhất 12 năm trở lại đây.
Giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á đã liên tục neo ở mức cao kể từ đầu năm đến nay khi nhiều quốc gia tăng cường tích trữ lương thực do lo ngại hiện tượng El Nino có thể tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% nguồn cung gạo toàn cầu đến từ châu Á – khu vực được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra.
Giới kinh doanh gạo Thái Lan hiện cũng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, giá gạo tại thị trường nội địa nước này có thể tăng thêm ít nhất 10% do thiếu hụt nguồn cung gạo nội địa, trong khi đó nhu cầu xuất khẩu gạo tăng lên.
Tình trạng khô hạn trong vài tháng qua tại một số nơi của Thái Lan đã buộc giới chức nước này kêu gọi nông dân chỉ nên canh tác 1 vụ lúa gạo trong năm nay, thay vì 2 – 3 vụ như thông thường. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng gạo của Thái Lan trong niên vụ này sẽ giảm xuống.