Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines có thể đạt 4,35 triệu tấn
18/04/2025 15:26 GMT +7
Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Những năm qua, thị trường này luôn chiếm 40%-45% về lượng và kim ngạch trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kể từ năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippine hàng năm luôn đạt 3-4 triệu tấn, đáng kể là năm 2024 đạt 4,15 triệu tấn.
Năm 2025, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết và những thiên tai, dịch họa khó lường, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao và Philippines tiếp tục là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Philippines là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên, trong nhiều năm qua sản xuất lúa gạo trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân và một trong số những nguyên nhân được Tổ chức lương thực thế giới xác định là do Philippines – quốc gia được cấu thành bởi hàng ngàn hòn đảo – nên diện tích đất trồng lúa không nhiều, đặc biệt là không có những vùng đồng bằng cửa sông rộng lớn và phì nhiêu.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, sản xuất lúa nội địa của Philippines năm 2022 đạt khoảng 19,75 triệu tấn, tương đương khoảng 12,74 triệu tấn gạo. Năm 2023, lần đầu tiên sản xuất lúa nội địa của Philippines vượt mốc 20 triệu tấn lúa (cụ thể 20,06 triệu tấn), tăng 1,5% so với năm 2022 và vượt qua mức đỉnh đạt được năm 2021 (là 19,96 triệu tấn). Tuy nhiên, đến năm 2024, sản xuất lúa nội địa của Philippines chỉ đạt 19,30 triệu tấn, giảm so với năm trước.
Năm 2025, với nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho nông dân, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn. Tuy nhiên, cho dù đạt được mục tiêu đề ra thì mức tăng khiêm tốn này không thể giúp Philippines thoát khỏi tình trạng thiếu hụt và phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.

Nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines có xu hướng tăng hàng năm, từ mức dưới 15 triệu tấn năm 2019, đến năm 2024 đã tăng lên 17 triệu tấn.
Cụ thể, tổng lượng gạo tiêu tụ nội địa của Philippines trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 14,4 triệu tấn, 14,8 triệu tấn, 15,4 triệu tấn, 16,1 triệu tấn, 16,6 triệu tấn và 17,2 triệu tấn. Dự báo năm 2025, nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines khoảng 17,8 triệu tấn.

Ngoài ra, nhu cầu dự trữ tối thiểu đủ lương thực cho 30 ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước khoảng từ 1,0 đến 1,2 triệu tấn. Vì vậy, tổng nhu cầu gạo của Philippines khoảng trên 18 triệu tấn đến 19 triệu tấn.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines và dự báo năm 2025
Do sản xuất lúa gạo trong nước không có nhiều cải thiện trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng năm tăng lên nên lượng gạo nhập khẩu cảu Philippines trong những năm qua ngày càng tăng. Tháng 6 năm 2024 trở về trước, việc áp dụng thuế nhập khẩu gạo 35% đã phần nào hạn chế mức tiêu thụ và gạo nhập khẩu vào Philippines, mặc dù nhu cầu tiêu thụ gạo luôn ở mức cao.

Năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 lượng gạo nhập khẩu của Philippines lần lượt 3,256 triệu tấn, 2,662 triệu tấn, 2,988 triệu tấn, 3,788 triệu tấn, và 3,932 triệu tấn.
Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos, JR., ngày 20/6/2024, đã ký ban hành Sắc lệnh số 62, theo đó cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, đối với mặt hàng gạo, thuế nhập khẩu từ mức 35% cắt giảm xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028. Đây có thể được coi là động thái của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng cao liên tục trên thị trường. Việc giảm thuế nhập khẩu đã tạo ra sự bùng nổ nhập khẩu gạo của Philippines, đạt mức kỷ lục 4,68 triệu tấn trong năm 2024 và dự báo tiếp tục tăng vào năm 2025, đạt khoảng 4,92 triệu tấn.
Trong những năm qua, Philippines nhập khẩu gạo chủ yếu từ Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng từ 80% đến 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Paskistan, Bangladesh, Nhật Bản và quốc gia khác. Chính phủ Philippines thời gian qua cũng đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo và loại gạo nhập khẩu, thậm chí cả việc ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại gạo với Campuchia, mặc dù thỏa thuận này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Những năm qua, thị trường này luôn chiếm 40%-45% về lượng và kim ngạch trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Kể từ năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippine hàng năm luôn đạt 3-4 triệu tấn, đáng kể là năm 2024 đạt 4,15 triệu tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines năm 2025 đạt khoảng 4,35 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2024. Đây đồng thời là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam.
Canh tác lúa giảm phát thải phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải" phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long.
Giá gạo Thái Lan chạm "đáy" hơn 3 năm, gạo Việt lại đứng đầu thế giới
Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất hơn ba năm qua, trong tuần qua. Trong khi đó, các khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam lại đang tăng nhập khiến giá gạo Việt lại dẫn đầu thế giới…
Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 14-15/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký các Nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.