Hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giờ đây "bức tranh" nông thôn tại huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) đã được tô điểm thêm với những gam màu tươi sáng, nổi bật là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện…
Những đổi thay lớn ở huyện miền núi Hiệp Đức
Về Hiệp Đức hôm nay, chúng tôi ghi nhận những tuyến đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, rộng và đẹp. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà khang trang mọc san sát, những vườn cây trái trĩu quả, hàng quán nhộn nhịp người ra vào… Điều đó là minh chứng rằng chương trình xây dựng nông thôn mới như một "làn gió mát" giúp cho huyện miền núi Hiệp Đức phát triển từng ngày.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hiệp Đức cho biết: Hơn 12 năm trước, Hiệp Đức là huyện miền núi nghèo của tỉnh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Bà con sống chủ yếu trong những ngôi nhà tạm bợ, kinh tế bấp bênh, thường xuyên bị thiên tai, giao thông cách trở…
Thế nhưng hiện nay, cuộc sống người dân ở đây đã sang một trang mới: Con em được học ở những ngôi trường khang trang, nhà nào cũng có xe máy, tivi… Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Huyện Hiệp Đức có 13% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (Ca Dong và Bhnong), chủ yếu sinh sống ở 3 xã Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà. Địa phương luôn tạo điều kiện để đồng bào tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn làm ăn. Nhờ đó, đời sống đồng bào được cải thiện rõ nét, góp phần xoá đói giảm nghèo.
"Chúng tôi rất vui mừng vì sự thay đổi này, những kết quả thiết thực đó là nền tảng để huyện nhà nỗ lực vượt khó, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng đi lên" - ông Nghiệp nói.
Theo ông Nghiệp, thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn thể nhân dân. Trong đó, phát triển mạnh các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Dân vận khéo", "Nhà sạch, vườn đẹp"…
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ là nền tảng để địa phương phát triển đi lên về kinh tế - xã hội, huyện đã tận dụng vốn đầu tư để xây dựng, nâng cấp, quy hoạch cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hoá, kết nối đồng bộ nông thôn - đô thị.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hiệp Đức có tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 79,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ nhân dân tự nguyện đóng góp và các nguồn khác là hơn 5,5 tỷ đồng.
Dự kiến với nguồn kinh phí nêu trên, huyện sẽ sửa chữa 112 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, thoát nước thải, trường học, điện chiếu sáng, khu thể thao, nhà văn hóa, nghĩa trang nhân dân.
Trên địa bàn huyện có 10 xã tham gia thực hiện Chương trình xây dựngnông thôn mới. Nếu xét theo bộ 19 tiêu chí cũ thì hiện nay bình quân mỗi xã có 15,2 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
Ông Nghiệp cho biết thêm, đến nay toàn huyện Hiệp Đức đã có 5 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, gồm: Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Sơn. Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2025 huyện sẽ có thêm 3 xã về đích nông thôn mới là Thăng Phước, Sông Trà, Quế Lưu.
Được biết, UBND huyện Hiệp Đức vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn – thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Đến nay, 100% xã nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông. Sắp tới, địa phương sẽ đầu tư xây dựng đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông cho 4 xã là Phước Gia, Phước Trà, Bình Lâm, Hiệp Thuận.
Điểm sáng kinh tế vườn - rừng
Theo ông Nguyễn Tấn Nghiệp, để hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng nông thôn mới, huyệnHiệp Đức đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và cơ giới hóa sản xuất, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác.
Huyện đã phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên hướng dẫn và hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân đăng ký sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm, dạy nghề cho lao động nông thôn, vận động nhân dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, tích cực phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP là nông sản, đặc sản như: nấm bào ngư, kẹo đậu phộng, tinh bột nghệ, trà thảo mộc, bột ngũ cốc…
Hiện các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục phát triển, Hiệp Đức cũng đang đẩy mạnh chăn nuôi bò lai sinh sản, bò thịt, heo hướng nạc, gà thả vườn. Đặc biệt là tiếp tục đưa giống bò lai Zebu vào lai tạo với bò 3B, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ cho những xã vùng xa, vùng khó khăn.
Hiệp Đức cũng đã tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương trồng rừng, đưa vào trồng các giống keo nuôi cấy mô, keo lai có xuất xứ từ Úc, trồng rừng gỗ lớn, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Hiệp Đức có ít nhất 6.000ha diện tích trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC.
Ngoài ra, kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã có những đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, huyện đã xây dựng được 313 vườn mới và 4 trang trại với tổng kinh phí hỗ trợ 2,9 tỷ đồng; nhiều mô hình vườn, trang trại được đầu tư quy mô lớn, bước đầu đem lại thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng/năm cho nhiều hộ nông dân.
Song song với phát triển nông nghiệp, huyện Hiệp Đức tăng cường quảng bá, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp và tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp.Quan tâm đào tạo nghề phi nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.