dd/mm/yyyy

Xã nghèo Nánh Nghê đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

Là một trong những xã nghèo nhất của huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), nhờ xây dựng nông thôn mới, Nánh Nghê nay đã khoác lên mình diện mạo mới…

Diện mạo mới nơi xã nghèo Nánh Nghê

Nánh Nghê là một trong những xã nghèo, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, nằm cách trung tâm huyện hơn 80km, có tuyến đường tỉnh lộ 433 chạy qua.

Xã có tổng diện tích tự nhiên là 6.755,12ha. Toàn xã có 821 hộ với 3.211 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mường, Tày. Đời sống bà con nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây, cơ sở hạ tầng giao thông khó khăn, các hạng mục hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ nên đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Xuất phát điểm thấp nên hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã gặp không ít trở ngại.

Xã nghèo Nánh Nghê đổi thay từ xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 1.

Xã Nánh Nghê có 821 hộ với 3.211 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mường, Tày; đời sống bà con nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Nắm rõ những khó khăn địa phương, lãnh đạo xã xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của toàn dân và mục tiêu cuối cùng, đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai đến toàn thể người dân trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, cách làm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đồng thời, phát huy sự gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã cũng đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch theo lộ trình đối với từng tiêu chí, phù hợp với thực tế ở địa phương. Nhờ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ tích cực của người dân.

Xã nghèo Nánh Nghê đổi thay từ xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 2.

Tuyến đường tỉnh lộ 433 đi qua trung tâm xã được đầu tư nâng cấp góp tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển kinh tế ở địa phương. (Ảnh: Phạm Hoài)

Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, bộ mặt nông thôn Nánh Nghê đã có thay đổi, đời sống người dân nơi đây có những chuyển biến tích cực.

Đến nay, xã Nánh Nghê đã đạt được 9/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao. Kết cấu hạ tầng như cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện…, ngày càng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt là tuyến đường tỉnh lộ 433 đi qua trung tâm xã được đầu tư nâng cấp góp tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển kinh tế trên địa bàn.

Xã nghèo Nánh Nghê đổi thay từ xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 3.

Tram y tế xã Nánh Nghê được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Trong năm 2022, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí về y tế (tiêu chí số 15). Đồng thời, được nhà nước quan tâm đầu tư trạm y tế 1 nhà 2 tầng đạt chuẩn, có phòng làm việc và phòng trực và phòng cho nhân viên y tế ăn ngủ tại trạm nhưng chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử còn thấp so với quy định nên tiêu chí số 15 này vẫn chưa thực hiện được"- Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê cho hay.

Nánh Nghê triển khai nhiều giải pháp thực hiện các tiêu chí khó

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, đối với 10 tiêu chí còn lại xã đang xây dựng kế hoạch và lộ trình từng bước phấn đấu để hoàn thành. Trong các tiêu chí còn lại, khó khăn đối với xã nằm ở tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 25 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều) là 51,28%.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều, xã Nánh Nghê đang triển khai tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi, nông lâm nghiệp; đặc biệt là triển khai mô hình nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa cho các hộ nghèo và cận nghèo, trồng một số loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương như: Trẩu, quế, bồ đề, xoan.

Xã nghèo Nánh Nghê đổi thay từ xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 4.

Xã Nánh Nghê đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. (Ảnh: Tuệ Linh)

Năm 2017 – 2018, gia đình anh Bùi Văn Huế, xóm Mọc, xã Nánh Nghê là một trong những hộ nghèo của xã. Được nhà nước đã hỗ trợ 9 triệu đồng để mua dê sinh sản và được cán bộ khuyến nông – thú y xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê, sau nhiều năm chăm sóc, đàn dê của gia đình anh Huế sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 4 con dê ban đầu đã phát triển lên đến trên 30 con.

Mỗi năm, đàn dê đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 25 – 30 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh Huế đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá hơn.

" Thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng quy mô và số lượng đàn dê nhằm có thêm nhiều dê giống để cung ứng cho những hộ nghèo trong xóm cũng như trên địa bàn, qua đó, giúp nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo góp phần vào thực hiện tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới" - anh Huế cho hay.

Với việc tập trung, tranh thủ, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, cùng với sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Nánh Nghê ngày càng đi vào thực chất, mang tính chiều sâu, xã nghèo ngày một "khởi sắc", đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.


Phạm Hoài - Tuệ Linh