dd/mm/yyyy

Vùng biên giới Mường Lạn đang đổi thay từng ngày

Đặt chân đến xã Mường lạn vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở xã biên giới này đang từng ngày đổi thay. Hệ thống đường giao thông nông thôn khang trang, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau, người dân tích cực thi đua lao động sản xuất mùa vụ mới trên cánh đồng...

Những ngày đầu tháng 3 này, chúng tôi có chuyến công tác đến xã vùng cao biên giới Mường Lạn. Cảm nhận rõ mảnh đất và con người nơi đây đang đổi thay từng ngày. Những tuyến đường đất ngày nào giờ đã được bê tông hoá; trạm y tế, điện lưới quốc gia, trường học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang; trung tâm xã đông đúc và nhộn nhịp với những dãy nhà cao tầng kiên cố, khang trang. Nhiều cửa hàng tạp hoá tấp nập kẻ bán, người mua. Nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang rộng mênh mông là hình ảnh bà con nông dân đang hối hả thi đua lao động sản xuất mùa vụ mới. Phóng tầm mắt ra xa là sắc xanh của các loại cây ăn quả đã và đang được trồng thay thế cây ngô, cây sắn kém hiệu quả.

Xã biên giới Mường Lạn đang đổi thay - Ảnh 1.

Hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế.

Mường Lạn là xã biên giới, vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 26.489,25 ha, nằm cách trung tâm huyện 28 km về phía Tây Nam. Có đường biên giới với 21 mốc giới (từ mốc 174 - 194) tiếp giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Công hoà DCND Lào. Toàn xã có 16 bản, 3 điểm dân cư với tổng số hộ: 1.952 hộ với 10.238 nhân khẩu; có 7 dân tộc anh em (Thái, Mông, Lào, Mường, Kinh, Tày, Khơ Mú) cùng sinh sống.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, ông Lường Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, cho biết: Có thể nói, thông qua chương trình xây dựng Nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án khác, đến nay diện mạo nông thôn xã vùng biên này đã có nhiều đổi thay. Hiện, xã đạt 10/19 tiêu chí, 34/19 chỉ tiêu. 9 tiêu chí còn lại chưa đạt, gồm: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, văn hoá, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh. Trong năm 2021, xã Mường Lạn phấn đấu đạt thêm tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá.

Xã biên giới Mường Lạn đang đổi thay - Ảnh 2.

Trụ sở xã được đầu tư xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

Mặc dù, bước đầu chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Mường Lạn đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của cơ sở còn ít; đời sống của người bà con phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp; trình độ dân trí còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 42,3%... Do vậy, việc huy động nguồn lực của người dân tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế.

Xã biên giới Mường Lạn đang đổi thay - Ảnh 3.

Diện mạo nông thôn Mường Lạn đang đổi thay từng ngày.

Để khắc phục những khó khăn đó, hiện nay, xã Mường Lạn đang phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn của huyện Sốp Cộp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá. Đồng thời, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của cơ sở. Tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế và các hộ gia đình phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Xã biên giới Mường Lạn đang đổi thay - Ảnh 4.

Nhiều giống lúa mới được người dân xã Mường Lạn đưa vào canh tác, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Bước sang năm 2021, tổng diện tích cây lương thực có hạt của xã đạt 1.857,4 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 5.838,5 tấn/năm. Toàn xã trồng được 100 ha cây ăn quả các loại. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng hàng hoá với tổng đàn gia súc trên 10.000 con; gia cầm trên 31.500 con.

Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xã Mường Lạn đã xây dựng và triển khai tốt các chương trình dự án như 135, 30a và xây dựng cơ bản đảm bảo kịp thời, công khai, hiệu quả và đúng đối tượng. Hết năm 2020, xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện thực hiện hỗ trợ 10.640 cây xoài cho người dân ở 6 bản: Pu Hao, Huổi Lè, Nà Vạc, bản Cống, Pá Kạch, Nậm Lạn. Hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất cho 57 hộ với ở 6 bản: Pá Kạch, Nậm Lạn, Nà Khi, bản Khá, Huổi Lè, Mường Lạn.

Xã biên giới Mường Lạn đang đổi thay - Ảnh 5.

Để nâng cao thu nhập, người dân vùng cao chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vừ Chứ Dia, bản Huổi Men, xã Mường Lạn, phấn khởi bảo: Những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục về đường giao thông, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, trường học cho bản Huổi Men. Hỗ trợ một số giống cây ăn quả như cam, xoài, bưởi cho người dân trồng. Nhờ đó, từng bước đáp ứng đời sống, sản xuất của bà con. Diện mạo vùng quê nơi đây đang đổi thay từng ngày. Người dân chúng tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và xin hứa sẽ không di cư tự do, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần chung tay, góp sức cùng Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tuệ Linh