dd/mm/yyyy

Vĩnh Long: Nuôi loài heo tên nghe quý tộc với diện tích 200m2, ông nông dân thu gọn nửa tỷ trong tay

Với vốn đầu tư thấp, thời gian xoay vòng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao- có thể thu tiền tỷ trong tầm tay, nhiều hộ dân xã An Bình (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đang phát triển mô hình chăn nuôi heo tộc và thành lập tổ hội nghề nghiệp để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và thông tin thị trường.


Vĩnh Long: Nuôi loài heo tên nghe quý tộc với diện tích 200m2, ông nông dân thu gọn nửa tỷ trong tay - Ảnh 1.

Gia đình bà Lánh (bìa phải) nuôi heo tộc lời 500.000 đ/con.

Nuôi heo 2 tháng, lời 500.000 đ/con

Cách nay 10 năm, từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Long Hồ cộng với vốn tích lũy gia đình, ông Lê Minh Hùng (ấp An Thạnh, xã An Bình) đã đầu tư xây chuồng và mua 50 con heo tộc về nuôi. Là người đầu tiên ở địa phương nuôi heo tộc nên ông gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ “vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm” cộng với tính cần cù, chịu khó mà gia đình ông ngày càng khấm khá.

Hiện, mô hình này đang được các hộ dân trong xã nhân rộng. Riêng ở ấp An Thạnh có 12 hộ nuôi với tổng đàn 350 con và thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi heo tộc do ông Hùng làm tổ trưởng. Nhận thấy hiệu quả mô hình đem lại, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương (300 triệu đồng), năm 2020, Hội Nông dân đã hỗ trợ cho tổ hội vay vốn ưu đãi để tăng đàn, từng bước hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Theo ông Hùng, thông qua các nguồn vay ưu đãi giúp bà con có thêm đồng vốn phát triển chăn nuôi. Việc thành lập tổ hội nghề nghiệp còn tạo điều kiện cho các thành viên cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin thị trường và tìm đầu ra cho các hộ chăn nuôi.

Heo tộc là một trong những giống heo cho chất lượng thịt ngon, nên rất được thị trường ưa chuộng. Bình quân, heo đẻ khoảng 10 con/lứa, có con đẻ tới 26 con/lứa. “Trung bình, heo con nuôi cỡ 70 ngày là có thể đạt 25- 27kg, lúc này có thể kêu bán. Đây là mô hình vốn đầu tư thấp nhưng xoay vòng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao”- ông Hùng cho biết.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Lánh (ấp An Thạnh) nuôi heo pi (Pietrain) với số lượng lớn. Năm 2019, do bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi, bà thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Bà đã chuyển sang nuôi giống heo tộc, hiện tổng đàn đã lên đến gần 50 con. Cứ khoảng 2 tháng, bà cho xuất chuồng, với giá bán 110.000 đ/kg, bà lời 500.000 đ/con.

Bà Lánh cho biết: “Nuôi heo tộc có lợi hơn heo pi. Tuy giá bán heo pi 7,8 triệu đồng/tạ, nuôi khoảng 5 tháng mới vô tạ. Còn con heo tộc khi mình bắt về (nặng 8- 10 kg/con), nuôi chưa tới 2 tháng là có thể xuất bán nên việc quay đồng vốn dễ hơn”. Ông Trà Văn Nhọn- chồng bà Lánh- cho rằng, nhờ thời gian nuôi ngắn nên không lo ngại mầm bệnh, khi heo hơn 20kg là có thể xuất chuồng. Còn heo pi thì thời gian nuôi dài, trong khi giá thức ăn tăng cao lại có mầm bệnh nguy hiểm.

Trên thực tế, heo tộc có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Ngoài cho heo ăn thức ăn chăn nuôi, có thể cho ăn giặm thêm các loại rau cỏ có sẵn trong vườn, giúp người nuôi giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập.

200m2 kiếm nửa tỷ/năm

Tháng 4/2020, anh Trần Tết Dương (ấp An Thạnh) được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng để nuôi heo tộc. Từ 3 con nái đã đẻ được 28 heo con. Với giá bán 110.000 đ/kg, anh lời 70.000 đ/kg. “Với đàn heo này, tui đã dư tiền để trả tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội”- anh Dương nói. Để nuôi heo tộc hiệu quả, anh Dương đã đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Anh chia sẻ, phải có bể xử nước chlorin (20 gr/m3) để tắm heo vì “tắm nước sông sẽ khó kiểm soát dịch bệnh”. Bên cạnh, phải có mẻ un khói chống muỗi, không cho chuột, bọ vào chuồng. Anh còn học cách tự chích, gieo tinh heo… “Tui nghe cán bộ thú y tư vấn, hỏi kinh nghiệm rồi tự làm”- anh Dương nói.

Trên thị trường có ra loại vắc xin nào mới là anh Dương tiếp cận liền và tiêm hết tổng đàn để không “bị lỗi hệ thống”. Anh còn sử dụng đèn cực tím để khử trùng, diệt khuẩn nền chuồng. Anh Dương nói vui: “Chưa ai chăm sóc heo kỹ bằng tui. Sau khi heo đẻ, trong 3 ngày đầu, mỗi ngày tui cho ăn 3 trứng hột gà và 1 lon bia, nửa lít mật ong. Ngày thứ 4 thì sắc thêm thuốc bắc 2 nước rồi trộn lại với cách món trên cho heo ăn. Cách làm này, vừa giúp heo chống viêm, lại thêm mát sữa”.

Vĩnh Long: Nuôi loài heo tên nghe quý tộc với diện tích 200m2, ông nông dân thu gọn nửa tỷ trong tay - Ảnh 3.

Anh Dương (phải) cho rằng nuôi heo tộc chỉ với 200m2 trong vòng 1 năm là có thể thu nửa tỷ trong tầm tay.

Anh Dương dự kiến sẽ nâng tổng đàn lên 10 con heo nái, còn lại sẽ nuôi heo thịt. Anh làm bài toán nhẩm, chỉ cần nuôi với diện tích chuồng trại chừng 200m2, 10 con nái đẻ ra 2 dòng heo là đã có 200 con heo thịt, giá thành 1 con heo từ lúc trong bụng mẹ đến khi xuất chuồng chỉ 40.000 đ/kg. Với mức giá như hiện nay giá (110.000- 135.000 đ/kg), thì chỉ trong vòng 1 năm có thể lời nửa tỷ trong tầm tay.

Rũ bỏ đặc tính hoang dại, những con heo tộc đã nhanh chóng giúp nông dân phát triển kinh tế nông hộ. Làm giàu từ chăn nuôi heo tộc đang là mô hình được nhiều bà con nông dân hướng đến, vấn đề đặt ra là nâng cao chất lượng đàn heo và giữ vững thị trường tiêu thụ.

Ông Bùi Văn Chiều- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Nuôi heo tộc là một trong những hướng đi giúp hội viên, nông dân trong tỉnh duy trì, mở rộng, cũng như tái đàn sau dịch tả heo Châu Phi. Mô hình này hiện đang phát huy hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng gắn với việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, từng bước góp phần cùng địa phương tổ chức lại sản xuất.


Xuân Tươi