Clip: Thôn Nậm Sang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) có tới hơn 93% hộ nghèo, cận nghèo.
Trưởng thôn vẫn thuộc diện hộ nghèo
Chúng tôi về thôn Nậm Sang trước ngày xảy ra cơn lũ ống lịch sử càn quét qua 2 thôn Nậm Than, Nậm Cang của xã Liên Minh vào đêm 12/9.
Tại đây chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vàng Như Ba, Trưởng thôn Nậm Sang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, được nghe ông kể về những gian nan trong công cuộc xóa nghèo ở thôn.
Bước vào nhà Trưởng thôn, dễ nhận thấy đó là ngôi nhà tường gạch ba vanh, cột bằng gỗ đơn sơ, mộc mạc. Đồ đạc trong nhà ông Trưởng thôn cũng không có gì là đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ đã hư hỏng và bộ mic, âm thanh được Nhà nước cấp để thông báo cho bà con mỗi lần hội họp.
Ông Vàng Như Ba, Trưởng thôn Nậm Sang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa thật thà bảo: Cuộc sống bà con ở đây khó khăn lắm, gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo của xã.
Gia đình tôi trồng lúa ruộng một vụ, trung bình một năm chỉ thu về 50 bao thóc, nuôi đủ 5 cái miệng ăn thôi, chứ không có thừa thóc để bán.
Còn chăn nuôi thì kém phát triển, dịch bệnh hoành hành, năm 2022, gia đình tôi có 3 con bò thì bị lở mồm long móng chết đi 2 con, giờ chỉ còn 1 con làm giống. Lợn thì sau khi hết dịch bệnh gia đình tôi cũng mới mua về 1 con về để nuôi.
Khi chúng tôi hỏi vậy để có thu nhập trang trải cuộc sống thì làm thế nào? Ông Trưởng thôn buồn rầu, nói tiếp: Là trụ cột chính trong gia đình, để có đồng tiền mua mắm, muối và lo tiền ăn học cho con tôi phải đi phụ xây công trình khắp nơi, có lần tìm mãi cũng chẳng có công việc làm, có thì cũng chỉ kiếm được vài triệu đủ trả tiền học cho con thôi.
“Con tôi hiện đang học lớp 11 ở Trường THPT số 2 Sa Pa, năm học vừa qua, nhà trường bảo tiền ăn không phải đóng, nhưng phải đóng gần 2 triệu tiền xây dựng gì đó, vì nhà nghèo, khó khăn quá, tôi phải chia làm 2 lần mới đóng xong tiền cho con”. Trưởng thôn Vàng Như Ba tâm sự.
Bài toán nan giải để đồng bào dân tộc Xa Phó thoát nghèo
Theo ông Vàng Như Ba, Trưởng thôn Nậm Sang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, thôn hiện có 58 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Xa Phó sinh sống.
Những năm qua, bà con trong thôn đã được Đảng và Nhà nước đầu tư hệ thống cơ sở vật chất khang trang, như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, điện lưới quốc gia... Và được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi, hỗ trợ giống lúa để trồng từng bước cải thiện đời sống.
Thế nhưng để bà con dân tộc Xa Phó vươn lên thoát nghèo là cả một hành trình gian khó, bởi đất sản xuất ít, lúa chỉ trồng được 1 vụ, chăn nuôi kém phát triển do dịch bệnh bùng phát thường xuyên…
Hiện cả thôn chỉ có hơn 60 con trâu, bò; hơn 30 con dê và chưa đến chục con lợn. Còn các cây trồng khác, một số hộ chỉ trồng ít ngô, sắn cho gà, vịt, lợn; lúa thì hộ nhiều nhất cũng chỉ trồng hết 15 kg giống.
Chính bởi vậy mà hiện cả thôn có 58 hộ thì chỉ có 4 hộ thoát nghèo, còn lại là hộ nghèo, cận nghèo.
Gia đình chị Hù Khá Mạ là một trong rất nhiều hộ nghèo tại thôn Nậm Sang, xã Liên Minh. Nguồn thu chủ yếu trong năm của gia đình chị trông chờ vào một vụ lúa trong năm, với vỏn vẹn thu về hơn 20 bao thóc thu được. Công việc làm thuê bấp bênh, không có tiền nên chị Mạ và gia đình vẫn trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học.
Chị Hù Khá Mạ, thôn Nậm Sang, xã Liên Minh chia sẻ: Gia đình tôi rất khó khăn, cả năm chỉ thu được 20 bao thóc, số thóc này chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình thôi, tôi mong muốn có nguồn vốn hỗ trợ để chăn nuôi…
Còn gia đình anh Vàng Gả Ba, thôn Nậm Sang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa cũng thuộc diện hộ nghèo, anh Ba bảo: Gia đình tôi cũng chỉ trồng lúa 1 vụ, năm nay thu được 20 bao thóc. Còn chăn nuôi, hiện gia đình có 1 con bò, 3 con dê, cuộc sống khó khăn, vất vả lắm.
Việc tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Xa Phó ở thôn Nậm Sang vẫn đang là bài toán nan giải cho cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây.
Chia tay bà con Nậm Sang khi mặt trời khuất dần sau núi, chúng tôi vẫn nhớ câu của ông Trưởng thôn như le lói cho niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. “Hiện trong thôn đã có 4 người tốt nghiệp Đại học, trong đó, có 2 người đang công tác trong và ngoài xã. Bên cạnh đó, còn nhiều người cũng đang đi học nghề trong và ngoài tỉnh”.