dd/mm/yyyy

Vào tổ hợp tác, nông dân Phú Thọ nuôi gà an toàn sinh học hiệu quả

Việc tham gia tổ hợp tác và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà giúp các hộ nông dân Phú Thọ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp chăn nuôi an toàn sinh học vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển mô hình tổ hợp tác chăn nuôi gà an toàn sinh học

Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình "Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà theo hướng an toàn sinh học (ATSH) tại xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ", với kinh phí hơn 286 triệu đồng.

Được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, 6 hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã Giáp Lai đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai vào tháng 8/2022. Theo đó, THT được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà ATSH theo tiêu chuẩn. 

Đặc biệt, 6 hộ nông dân thuộc THT được hỗ trợ kinh phí chăn nuôi gà ATSH bao gồm: Hỗ trợ giống gà con 1 ngày tuổi, thức ăn cho gà từ 1 ngày tuổi đến xuất chuồng, chế phẩm bổ sung thức ăn và chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc sát trùng chuồng trại...

Mở hướng làm ăn bền vững, hiệu quả - Ảnh 1.

Đại diện Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ kiểm tra gà giống hỗ trợ cho các hộ dân thuộc THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đồng thời, các hộ nuôi được cán bộ kỹ thuật theo dõi, giám sát việc vào giống gà và sự phát triển tăng trưởng của gà cũng như việc xử lý vệ sinh chuồng trại, cách cho gà ăn đảm bảo an toàn, hiệu quả…

Theo ông Nguyễn Văn Tường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Lai, để thành lập được THT, Hội Nông dân xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và người dân tham gia. Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu của các hộ nuôi và có kế hoạch cũng như định hướng phát triển sau khi THT hình thành. Sau khi phát động, đa số các hộ nuôi gà đồng tình hưởng ứng rất cao.

Ông Tường cho rằng, việc thành lập THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai không chỉ khắc phục tình trạng sản xuất tự phát và đầu ra không ổn định mà còn rất phù hợp với vùng nông thôn, nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế gia đình của bà con nông dân. Đặc biệt là góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nông dân nói chung và nông dân trong độ tuổi thanh niên nói riêng.

Mở hướng làm ăn bền vững, hiệu quả - Ảnh 2.

Hội viên tham gia THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai nhận hỗ trợ thức ăn cho gà. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Tham gia triển khai ứng dụng mô hình, tôi và các hộ trong THT đều kỳ vọng tỷ lệ gà sống sẽ đạt tới 95%, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn, giá thành để nuôi 1 con gà ít hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống".

Ông Đinh Văn Cường – thành viên THT

Anh Phạm Thành Tâm - Tổ trưởng THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai chia sẻ, trước đây anh và bà con nông dân ở xã thường nuôi gà theo tập quán cũ là thả vườn, cho ăn thóc, phương thức này mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do nuôi gà thả rông, không quản lý tốt chất thải là vấn đề khiến nhiều hộ dân trăn trở.

Việc thành lập THT giúp các thành viên có điều kiện được thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật nuôi gà cho nhau hơn. Đồng thời, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà theo hướng ATSH sẽ giúp chuồng trại luôn sạch sẽ, thông thoáng, không còn việc phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh.

Tạo "cú hích" trong phát triển chăn nuôi

"Mô hình chăn nuôi gà ATSH là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, đảm bảo gà được phát triển khỏe mạnh, không dịch bệnh… Khi người nông dân tham gia THT sẽ đem lại nhiều lợi ích, trọng tâm là góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững" - anh Phạm Thành Tâm chia sẻ.

Ông Đinh Văn Cường - thành viên THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai, cho biết, trước đây, ông chủ yếu chăn thả tự do, tỷ lệ nuôi sống chỉ đạt khoảng 80%. Không may đàn gà bị dịch bệnh thì gia đình ông sẽ mất trắng đàn nuôi và các chi phí đầu tư. Vào THT và tham gia mô hình, ông và 5 hộ khác được hỗ trợ 2.500 con gà giống (các hộ đối ứng thêm 2.500 con); được tập huấn phương pháp chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp và các loại chế phẩm vi sinh vật để nuôi gà thương phẩm theo hướng ATSH.

"Tham gia triển khai mô hình, tôi và các hộ trong THT đều kỳ vọng tỷ lệ gà sống sẽ đạt tới 95%, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn, giá thành để nuôi 1 con gà ít hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Bên cạnh nâng cao hiệu quả kinh tế, việc tham gia THT sẽ giúp tôi và các thành viên liên kết tiêu thụ gà thành phẩm thuận lợi, mở rộng được thị trường, không chỉ bán cho lái buôn mà còn bán vào hệ các thống siêu thị, nhà hàng…" - ông Cường bày tỏ tin tưởng.

Ngày 25/8/2022, tại xã Giáp Lai, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật nuôi gà thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học an toàn, đồng thời tiến hành kiểm tra và bàn giao 28.000 con gà giống cho 6 hộ thành viên THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Lai - Nguyễn Văn Tường cho biết: Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà thương phẩm theo hướng ATSH nhằm khuyến khích nông dân phát triển THT chăn nuôi kiểu mới theo hướng bền vững để giảm tỷ lệ dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Bên cạnh đó, không gây ô nhiễm môi trường.

"Mô hình mới được triển khai tại xã Giáp Lai nhưng được các thành viên THT và nhiều bà còn nông dân đánh giá thế mạnh, tiềm năng rất lớn. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Giáp Lai sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân các cấp, mở lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức về chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật, phương pháp quản lý mới theo hướng ATSH cho các hội viên, người dân trên địa bàn xã" - ông Tường cho biết.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền đến hội viên nông dân trong THT chăn nuôi gà ATSH xã Giáp Lai nói riêng và cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn nói chung tiếp tục phát triển thế mạnh chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, trong thời gian tới Hội sẽ kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ người chăn nuôi và khuyến cáo dùng chế phẩm vi sinh vật trong chăn nuôi nhằm đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 


Hoan Nguyễn