dd/mm/yyyy

Vàng Bó giữ rừng

Người dân thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ (Phong Thổ, Lai Châu) đang nỗ lực bảo vệ và nhân lên màu xanh của rừng…

Vàng Bó chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Lý Văn Bế - Trưởng thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ (Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ: Ngày xưa, các cụ của tôi về đây khai hoang, đa phần đất trong thôn đều là của họ Lý chúng tôi. Sau khi xóa bao cấp, chúng tôi trả lại đất cho nhà nước và các hộ dân từ nơi khác chuyển đến sinh sống.

Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế, thường xuyên xâm canh, xâm cư chặt phá rừng để làm nương trồng ngô, trồng sắn và để lấy gỗ dựng nhà, làm củi đốt…

Để bảo vệ rừng, thôn đã lập ra hương ước để mỗi người từ già đến trẻ phải có trách nhiệm giữ rừng, không được chặt phá cây, nếu ai vào đốn cây, chặt củi sẽ bị phạt. Sau khi có hương ước, người dân trong thôn ai nấy cơ bản đều chấp hành, tình trạng phá rừng cũng giảm hẳn.

Người dân Vàng Bó giữ rừng - Ảnh 1.

Thôn Vàng Bó hiện nay được giao quản lý và bảo vệ gần 368ha rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Thôn Vàng Bó hiện nay có 99 hộ, 404 nhân khẩu. Thôn được giao quản lý và bảo vệ gần 368ha rừng. Để bảo vệ rừng, thôn Vàng Bó đã thành lập các tổ chuyên trách, tổ tự quản. Tổ chuyên trách bao gồm tất cả các thành viên trong bản, có nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ tự quản có nhiệm vụ tuần tra, canh gác các cửa rừng tránh người bên ngoài vào chặt phá rừng.

Đồng thời, thôn cũng phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Phong Thổ tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Hướng dẫn người dân làm đường băng cản lửa, dọn dẹp thực bì khô tại các khu vực rừng trên địa bàn thôn để phòng cháy và chữa cháy rừng.

"Các hộ dân không được mang chất dễ gây cháy nổ vào cửa rừng. Thôn cũng quy định giờ đốt nương rẫy, đốt nương phải đốt lúc buổi chiều lặng gió và phải báo trưởng thôn, báo tổ tự quản để bảo vệ giúp"- ông Bế nói.

Người dân Vàng Bó giữ rừng - Ảnh 2.

Người dân thôn Vàng Bó đang phát dọn thực bì. (Ảnh: Thanh Ngân)

Anh Lò Văn Toàn, tổ trưởng tổ tự quản thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ (Phong Thổ, Lai Châu) cho biết: Tổ chúng tôi có 11 thành viên và chỉ tuần tra 2 ngày trong tuần. Vào 2 ngày đấy, chúng tôi thường phân công 2 người trong tổ để tuần tra, bảo vệ và canh gác cửa rừng.

Ngoài tuần tra, bảo vệ rừng, chúng tôi còn có trách nhiệm tuyên truyền bà con, người thân trong gia đình không phá rừng, đốt nương bừa bãi tránh gây ra các vụ cháy rừng không đáng có.

"Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới bà con, từ năm 2015 đến nay đã không còn tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng và cháy rừng diễn ra trên địa bàn. Rừng ngày được phủ xanh"- anh Toàn phấn khởi nói.

Động lực giúp người dân Vàng Bó giữ rừng

Rừng vốn đã có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường. Rừng giúp điều hòa, tạo ra oxy, điều hòa nước, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe của con người… Nhưng giờ đây, rừng ngày càng quan trọng hơn đối với con người, đặc biệt là người dân thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ (Phong Thổ, Lai Châu), bởi rừng giờ đây chính là sinh kế của người dân. Nhờ giữ rừng, người dân có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng người dân để mua giống cây trồng, thức ăn gia súc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Người dân Vàng Bó giữ rừng - Ảnh 3.

Tổ tự quản thôn Vàng Bó hiện nay có 11 thành viên, có nhiệm vụ tuần tra, canh gác các cửa rừng tránh người bên ngoài vào chặt phá rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên, anh Lò Văn Liên, thành viên tổ tự quản thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ vui mừng cho biết: Mỗi lần tôi đi tuần tra bảo vệ rừng tôi cũng được chấm công 100 nghìn đồng/ngày làm nhiệm vụ. Số tiền đấy được trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, tuy không nhiều, nhưng đấy cũng là nguồn động lực để tôi quyết tâm bảo vệ lấy màu xanh của rừng.

"Nhờ rừng, chúng tôi có thêm việc làm và có thêm một khoản thu nhập để mua sắm các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, con giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo"- anh Liên nói.

Trưởng thôn Vàng Bó cho biết thêm, bình quân mỗi hộ gia đình ở thôn nhận được hơn 1,4 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài giúp người dân trong thôn có nguồn thu nhập, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đang giúp thay đổi diện mạo của thôn.

Người dân Vàng Bó giữ rừng - Ảnh 4.

Nhà văn hóa thôn Vàng Bó được xây dựng từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Năm 2019, thôn đã vận động người dân và được người dân nhất góp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để xây dựng nhà văn hóa và sắm sửa các thiết chế trong nhà văn hoá. Có được nhà văn hóa mới, người dân trong thôn ai nấy đều vui mừng vì có được một nơi để sinh hoạt, giao lưu văn hóa với nhau"- ông Bế cho hay.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của rừng, người dân thôn Vàng Bó giờ đây ngày càng yêu rừng, quý rừng và quyết tâm bảo vệ rừng. Đời sống người dân thôn Vàng Bó ngày càng nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới từ việc giữ rừng.


Thanh Ngân - Phạm Hoài