dd/mm/yyyy

Vân Hồ vẫy gọi

Giữa tháng bảy này, Đoàn nhà văn của Tạp chí văn nghệ Quân đội phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Sơn La tổ chức trại viết Mộc Châu. Theo hẹn, "cánh văn" dưới xuôi lên, "nhóm viết" từ trên Sơn La xuống nhập "hội văn" tại khách sạn Mường Thanh, giữa thảo nguyên xanh lộng gió.

Sau một ngày thực tế với những "địa chỉ đỏ" Mộc Châu, đoàn tiếp tục lên đường về hướng đông nam, huyện mới Vân Hồ. Người "cầm lái" cho đoàn, mặt vuông da sám bụi đường bàn tay dẻo như múa trên vô lăng là Huỳnh Ngọc Lai, cũng là con của một liệt sỹ, hy sinh trên mặt trận Đông Lào. Tôi ngồi bên anh Trưởng đoàn, nhà văn đại tá Nguyễn Mạnh Hùng dáng người gầy, mắt hóm, cười rất sang. Sau vài câu chào hỏi tôi muốn viết về huyện Vân Hồ, trong đó xã Quang Minh cách đấy 70 km, anh vui vẻ nhận lời. Lại ngoái đầu bảo cán bộ văn hóa huyện Vân Hồ trợ giúp, làm tôi mừng hấp hởi.

Thực ra ý tưởng viết bài từ năm ngoái lần trại văn của Tỉnh Sơn La, nhưng tôi còn mắc nợ với vùng đất xa và "độc lạ" này. Nơi có câu hát Thái cổ từ xưa mà ai cũng nhớ, "gái Mường Tè, chè Tô Múa". Nơi có điểm du lịch tâm linh và thác đẹp, là cái nôi cách mạng của Sơn La. "Được lời như cởi tấm lòng", lại có người hợp tác, ngồi trên xe mà tôi cứ tưởng ngồi trên mây. Tôi "tự sướng" bài thơ "Huyện mới" còn "nóng sốt", ngay trên xe:

Vân Hồ, vân mây mây níu núi

Cao nguyên bao la, hoa trái tưới hương rừng

Dấu chân lữ khách

Đất ba zan nhuốm máu vùng cao

Nuôi ngô lúa vàng ươm, ướp chè san màu tuyết

Thác Nàng Tiên thả nước ngọc lên trời

Qua Hang Miếng cổ ninh đồng nhả khói

Bên sông Đà bò đốm nhai mây

Mùa hái quả ngược xuôi náo nức

Căng ngực bồi hổi cánh bướm bay.

Vân Hồ vẫy gọi - Ảnh 1.

Một bạn người đồng bào dân tộc thái của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Mảnh đất cổ  xưa đẫm huyền thoại

Anh Tráng A Chai, cán bộ văn hóa, người dân tộc Mông, người con sinh ra trên mảnh đất xứ Thái, Mèo, Dao... khoát tay như cánh chim, qua cửa kính xe giới thiệu rất điệu: "Xã Quang Minh nằm gọn phía dưới của thảo Vân Hồ, cái đuôi của Sông Đà hùng vĩ ngày đêm quẫy sóng. Phía đông theo dòng sông sát huyện Đà Bắc - Hòa Bình. Ngoảnh lên phía tây đất Phù Yên, nơi cánh rừng Tướng Giáp đã nghỉ đêm."

Vân Hồ mới thành lập năm 2013, như cô sơn nữ dậy thì căng sức sống đang làm duyên với thế mạnh tiềm năng của mình, bốn mùa lẩn khuất trong sương. Huyện có độ cao 820 m so với độ nước biển. Vùng cao đất rộng người thưa, huyện có gần 98.000 km2. So với diện tích nhỏ nhất nước là Bắc Ninh, thì huyện Vân Hồ rộng lớn hơn. Tuy dân số khá khiêm tốn. Năm 2021 toàn huyện có 15.235 hộ, 64.661 nhân khẩu, sáu dân tộc chung sống, nơi quanh năm xanh tươi mát mẻ và mây phủ chẳng khác Đà Lạt, Sa Pa. Người xưa gọi đất Mộc Hạ để phân biệt với Mộc Thượng của đất Mường Móc. Vùng đất quanh năm nhiệt độ trung bình 19 độ C. tiếng địa phương gọi là Mường Móc. Một nhà văn trong đoàn nói một câu rất hóm "nếu vùng Tây Bắc có những "tổng kho mây" thì chắc chắn không thể không nói đến Mộc Châu. Ngày xưa, người xuôi lên lập nghiệp gọi chệch ra thành Mộc Châu. Đã có nhiều cách giải thích địa danh Mộc Châu, nhưng với tôi, xem ra cách cắt nghĩa này được nhiều người đồng thuận.

Từ năm 2013. Trước tình hình mới về quốc phòng an ninh có nhiều nguy cơ, thách thức mới trong nước và quốc tế, cần thiết giữ vững dải biên ải xa xôi; sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội; và trước vùng đất rộng lớn hơn hai ngàn km2 của huyện Mộc Châu còn ẩn giấu nhiều tiềm năng. Tất cả điều đó là khách quan cho phép thành lập huyện Vân Hồ. Hay nói khác là phần đất 98.000 km2 của Mộc Hạ ngày xưa lại được trở về với huyện mới. Huyện mới có 14 xã đặt theo tiếng Thái gồm Mường Tè, Chiềng Khoa, Chiềng Yên...  trong đó có xã Quang Minh được đặt tên theo tiếng phổ thông. Tôi phải nhờ đến cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quang Minh mới tỏ tường ra. Thì ra sau giải phóng Tây Bắc tại trung tâm bản Nà Ban nơi có Căn cứ địa Mộc Hạ anh hùng được đổi tiên là xã Quang Minh, với ý nghĩa vùng đất sẽ sáng rực như ánh bình minh. 

Tôi có "bạn rượu" nghỉ hưu là Lường Văn Thuận cựu chiến binh Vị Xuyên, nguyên Chủ tịch, Bí thư xã Quang Minh, nhà nằm bên chợ Hang Miếng ngay bờ sông Đà. Vì có hẹn ông chờ tôi từ trước, sau vài chén "hảo khăn" chúc sức khỏe. Tôi đòi thăm thác Hang Miếng và chợ Hang Miếng, ông "bạn rượu" đồng tình ngay. Ông Thuận đã trải đời, nếm đủ sướng khổ nên hiểu sâu về ngọn nguồn mảnh đất quê hương. Mỗi bước ông đi hằn sâu kỷ niệm. Ông nói với tôi rất nhỏ như tự thoại với mình: "Từ mấy thế kỷ trước vùng đất xa xôi hiểm trở nằm trên sông Đà đã sầm uất, thuyền bè mua bán thông thương ngược xuôi. Từ thời Pháp thuộc tại bản Hang Miếng (bản) Nà Ban đã có chợ do đồng bào miền xuôi chở thuyền lên trao đổi, mua bán với miền ngược. Gồm hàng hóa thiết yếu như: muối, dầu, vải, dao rìu… thuốc phiện, sa nhân, cánh kiến… Chợ họp 10 ngày một phiên vào các ngày 2, 12, 22 dương lịch hàng tháng. Chợ dựng bằng những lán tranh tre, mái lá chạy dài trên sườn đồi rợp bóng cây rừng".

Chợ Hang Miếng bên sông Đà sống mãi đến hôm nay, dù người không chen vai thích cánh nhưng đủ đông đủ ấm tình người xuôi ngược, đủ cung cấp tạm hàng hóa cho bà con bản mường, và giao lưu văn hóa các tộc người. Người xuôi học người ngược, người ngược học thêm người xuôi. Vùng cao sáng dần ra. Từ ngày đổi mới chợ Hang Miếng xây to, lợp tôn nền xi măng. Hàng hóa thì vô cùng phong phú. Những chiếc thuyền máy hàng trăm mã lực như con ngựa khổng lồ thở phì phò cõng hàng tấn hàng đêm phục vụ vùng cao.

Trước đây, nói đến thác sông Đà đều làm những người chở đò kinh hãi. Dù họ là những người khỏe mạnh can trường vào nước không chìm vào lửa không cháy, phơi nắng trên sông cả ngày da đen như đồng hun, bắp tay chèo nổi cuồn cuộn như chão. Các cụ nói trên sông Đà từ Mường Tè đến Thác Bờ có bảy mươi ba con thác hung dữ, trong đó thác Hang Miếng được xứng danh hàng đầu. Trên cao, mặt sông rộng mấy trăm mét, đổ vào cửa hang tựa cái cổ ninh đồng - hẹp lại chỉ còn dăm chục sải tay. Nước sông sôi réo, va đập dữ dội, tiếng thác như tiếng sấm, tiếng chiêng, tiếng trống của ba quân trong trận thủy chiến. Thuyền bè qua đây vững tay chèo chống, kiên gan mới qua khỏi. Chưa thoát được Hang Miếng thì mạng sống còn treo trên ngọn thác. Qua được thác Hang Miếng mới thở phào biết mình sống sót.

Tôi, Tráng A Chai và ông Lường Văn Thuận mải ngắm thác Hang Miếng. Trong nắng trưa dòng sông lấp lánh như gương, gió thổi mơn man trên mặt và mái tóc lấm tấm hơi nước. Giờ đây con sông Đà trở thành lòng hồ Sông Đà hiền hòa lặng lẽ trôi xuôi. Thác Hang Miếng đã đi vào quá khứ với một thời bi tráng. Thiết nghĩ thác Hang Miếng sớm muộn được ghi danh vào thắng cảnh ấn tượng của địa phương 

Đền thiêng Hang Miếng

Thác Hang Miếng gắn bó với truyền thuyết đền Hang Miếng. Truyền thuyết đó đã được ghi trong cuốn sử địa phương, kể rằng. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Vùng Tây Bắc vẫn bị cha con tù trưởng Đèo Cát Hãn chưa chịu quy phục triều đình. Cái đinh trước mắt chưa nhổ thì ngủ không ngon, năm Tân Hợi (1431) nhà vua thân chinh lên Lai Châu bức hàng quân Đèo Cát Hãn và thuộc hạ. Sau khi dẹp xong giặc, nhà vua và quân sĩ xuôi thuyền theo sông Đà về kinh đô. Đến Hang Miếng gặp lũ to, thác nước càng gầm gữ giận dữ, thuyền chiến không vượt được. Cạnh đấy có có hang to gọi là Hang Miếng, nhà vua lệnh cho quân sĩ vào hang trú lại, chờ nước rút.

Khi biết vua cùng quân sĩ cạn lương thảo, bà Đinh Thị Vân người cai quản vùng này vận động dân bản quyên góp lương thực, thực phẩm chở thuyền tiếp tế. Sau nhiều lần lên thác xuống ghềnh trót trọt vào một đêm mưa rất to, bà Đinh Thị Vân bị gặp nạn thuyền bị đắm thân xác trôi dạt vào xuống vùng Thác Bờ. Để tỏ lòng kính dân bản lập nên đền Hang Miếng bên bờ sông Đà để cúng tế.

Năm 1994, công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình hoàn thành, nước sông Đà nâng cao mấy chục mét làm đền Hang Miếng ngập sâu trong nước. Ông Quách Công Toàn - là cựu chiến binh chống Pháp - cùng dân mường chuyển đền lên trên núi Đầu Rồng. Phần đất dựng Hang Miếng được ông Quánh Công Toàn hiến tặng. Kinh phí dựng đền là quyên góp của nhân dân, trong đó phần lớn là của gia đình ông Quách Công Toàn. Sau bốn lần tôn tạo duy tu đền Hang Miếng hiện nay khá khang trang. Tháng 1 năm 2012 đền Hang Miếng chính thức được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh của Sơn La.

Giữa trưa hè mà bước vào con đường lên Hang Miếng mát như trong hang đá. Nước sông và hơi nước dưới thác tung bụi như trời mưa đám mây. Dọc đường lên rừng bương cao vút trùm bóng suốt con đường. Vài cơn gió nhẹ làm khóm bương cót két như đưa võng. Trên ngọn bương từng đàn cò trắng mỏ hồng đậu kín cất tiếng kêu ríu rít như chào đón du khách viếng thăm. Trong đền đang có buổi hầu đồng, tiếng đàn nguyệt, tiếng phách, tiếng trống nhuốm hồn người mê mẩn. Trước sân du khách cũng khá đông, mọi người đang lắng nghe một cụ bà tóc bạc, da trắng nhìn rất lành. Đó là cụ Đinh Thị Sen, dân tộc Mường, là Chủ đền - quả phụ của ông Quách Công Toàn. Xung quanh bà có nhiều du khách đang lắng nghe bà Sen nói về di chuyển đền và những chuyện thiêng về Hang Miếng.    

Chẳng biết bao giờ, đền Hang Miếng là nơi thờ phụng tôn nghiêm. Những lễ hội mở ra quanh năm để thờ cúng, người thì cầu lộc kẻ cầu cầu tài, người thì cầu cho dân bản bình yên... Nhiều nhất là ba tháng đầu năm Mùa lễ hội đền Hang Miếng, và ba tháng cuối năm là Mùa trả lễ. Chưa kể những lễ khác như như Ngày rằm Mồng một, Lễ vào hạ, Lễ ra hạ, Lễ tất niên, Lễ tiệc chúa... con chiên đệ tự khấn vái khói hương không ngớt.

Tôi đã đến thắp hương đền Hang Miếng vài lần, nhận ra tôi ông Quách Công Anh tự giới thiệu là Trực đền đón tiếp. Năm nay bốn mươi tám tuổi, mặt trắng như con gái, con trai của bà Đinh Thị Sen, nom anh trẻ hơn tuổi. Ông Quách Công Toàn từ tốn nhả lời. Việc Trực đền từ tâm mà làm, chăm nom hương khói cho đền ngày đêm. Ông ngập ngừng tiếp: Người Trực đền không lương. Ông cười nói: "Cả gia đình em đều hết lòng làm việc thiện, từ hiến đất một héc ta đến xây dựng sửa sang ngôi đền".

Đền Hang Miếng là cội nguồn lịch sử dựng nước, là kết nối văn hóa mọi miền. Dù xa xôi, hẻo lánh, giao thông trắc trở nhưng hàng năm du khách đến đền lên tới hàng ngàn người. Ông Quách Công Anh cho biết ngoài Trực đền ông còn chanh thủ làm thêm lái du thuyền trên lòng hồ sông Đà. Thuyền của ông khá to, mỗi lần chở được sáu mươi người. Lịch đưa đón khách từ Cảng du lịch Thung Nai, Cao Phong, Thị xã Hòa Bình và bến cuối trả khách Đền Hang Miếng. Và chuyến về thì ngược lại. Đây là du thuyền duy nhất của xã Quang Minh do người địa phương tậu, cùng nhiều tàu thuyền khác phục vụ bà con.

Để chiều lòng tôi, ông "bạn rượu" Lường Văn Thuận nổ xuồng máy chở tôi đi chụp một vài tấm ảnh của nền móng đền Hang Miếng còn sót lại. Neo thuyền. Cả hai bò lên vách đá cao và thẳng đứng lên hơn chục mét. Gần cận tôi hõm đá hut hút, bám đá nháy nhanh vài kiểu rồi tụt xuống, nghe mồ hôi ướt đẫm sống lưng. Ngồi trên thuyền, tôi bình tâm xem lại ảnh. Phế tích mấy trăm năm còn lại là mảng tường bằng gạch cổ và nền móng bằng đá xanh, rêu phong lất phất, buông dài.

Dù giữa trưa, khách du lịch tâm linh vẫn kéo về. Theo lời Trực đền Quách Công Anh mùa này khách đi biển là chính, mùa đông khách mới lên rừng, nhưng thỉnh thoảng tàu du thuyền lòng hồ thủy điện sông Đà vẫn ngược xuôi, làm mặt sông gợn sóng. Dưới bến mươi con du thuyền lòng hồ sông Đà đang neo đậu dập dềnh cũng như tạm nghỉ trưa.

Lại có tiếng xuồng máy giòn tan, một du thuyền đang đang nghiêng nghiêng cập bến đền Hang Miếng, tiếng máy nhỏ dần, sóng xanh nổi bóng lăn lăn, con thuyền rẽ đầu vào bến rồi neo lại. Trên du thuyền đoàn người bước lên bờ, phần đông là đàn bà, họ ăn mặc theo kiểu con nhang đệ tử, người cầm hương hoa, đậu đội mâm lễ dắt díu nhau ngược bến lên đền. Vài bà tuổi cao, mặc áo đỏ, miệng hát chiều văn. Nghe rõ bài "Lễ chúa Hang Miếng," tác giả lời thơ là người đã khuất Quách Công Toàn, người đã hiến đất, hiến tiền hiến công sức cùng dân mường tôn tạo đền Hang Miếng to đẹp như hôm nay:

Năm xưa thời đại vua Lê

Giết giặc cứu nước Người về nơi đây

Chúa Vân người ở nơi này

Giúp vua trừ giặc dân này ghi ơn

Khói sương quyện với mây mờ

Mây là cầu nối hương thờ kính dâng

Lòng hồ nước chảy mênh mang

Tạo muôn sóng bạc dâng mang lên Người

Bốn phương xuôi ngược muôn miền

Chen vai lễ chúa, lễ người anh linh.

Gió sông thổi qua Hang Miếng như đậm lại trên mái tóc, kéo tôi về thực tế. Cảnh trên bến dưới thuyền thật hữu tình. Từ trên đỉnh núi Đầu Rồng gió sông thổi vi vu. Lác đác những chiếc xe du lịch đủ màu lẫn trong đoàn xe máy trên con đường Tỉnh lộ đang hối hả ngược xuôi. Dưới sông những du thuyền mã lực hơn một trăm mã lực, nhả khói xanh mờ như sương đưa lữ khách ngược xuôi. Nhìn sông tôi chợt nhớ ký sự "Người lái đò trên sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân, người lái đò xưa đổi mạng sống với thác dữ. Giờ trước mắt sông dữ thành hồ nước chìm sâu mấy chục sâu lững lờ trôi như mộng, như mơ.

Xã Quang Minh, Thủ đô gió ngàn của đất Sơn La

Từ đền Hang Miếng đến trung tâm căn cứ Mộc Hạ chỉ có ba cây số. Nhưng thực ra căn cứ trải qua các xã Mường Tè, Tô Múa, Chiềng Khoa… ôm gọn đất Mộc Hạ xưa. Bộ não, trái tim kháng chiến là bản Nà Ban xã Quang Minh.

Thời gian đã lùi xa, 70 năm qua, căn cứ Mộc Hạ giờ chỉ còn những dấu tích lẫn trong lán nương cây rừng. Cả một vùng trồng mận hậu, đào mơ và xoài nhãn. Nhiều nhất là mận hậu, những trái mận tròn căng, nếm một quả nước tứa ra đỏ hồng tươi như máu. Chắc chắn căn cứ xưa, đã nhuốm máu của các chiến sỹ hy sinh giữ đất giữ mường.

Ông Lường Văn Thuận bồi hồi kể lại: Căn cứ Mộc Hạ có địa lý đắc địa thuận đường tiến tiện đường lui. Tiến lên phía Bắc là tiếp giáp Mường Lát và huyện Quan Hóa, một địa danh trong bài thơ Tây Tiến của cố nhà thơ Quang Dũng. Tiến về phía Tây giáp Mộc Thượng, là ranh giới của Mộc Hạ và Mộc Thượng là đường 136 chạy từ Phù Yên, Phù Luông. Và theo sông đà chảy xuống sẽ tới Đà Bắc, hậu phương vững chắc Hòa Bình.

Chính vì địa lý chính trị đắc địa, lại có truyền thống cách mạng Mộc Hạ được chọn nơi căn cứ kháng chiến của Sơn La. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quang Minh chép: "Ngày 1.8.1947, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị Tà Hày, (nay thuộc bản Nà Ban, xã Quang Minh) bàn kế hoạch lập khu căn cứ Mộc Hạ." Ngày đấy tại Mộc Hạ, Trung đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh được thành lập gồm 21 cán bộ chiến sĩ. Phối hợp với bộ đội chủ lực và du kích địa phương tổ chức nhiều trận đánh, gây tiếng vang trong vùng.

Để đối phó với phong trào cách mạng của ta. Ngày 1.1.1948 bọn địch huy động 300 lính tấn công vào Mộc Hạ. Trong ba tháng địch tổ chức càn quét khủng bố Việt Minh 5 lần. Ta tổ chức nhân dân sơ tán vào rừng, đặt bàn chông, bẫy thú, bẫy đá, đánh du kích gây cho địch khiếp vía phải rút lui. Từ đầu năm 1948 đến giải phóng Tây Bắc bộ đội du kích Mộc Hạ liên tiếp chống càn và tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi. Mộc Hạ trở thành vùng đất dữ, khiếp vía quân thù và địa danh lừng lẫy, tiềm tin chói sáng của nhân dân ta. Mộc Hạ xứng đáng thủ phủ của "Thủ đô gió ngàn" của Sơn La. Là nơi làm việc của bộ máy đảng, chính quyền tỉnh thời chống Pháp. Là nơi tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Sơn La. Mặc dù trong thời gian đó bọn Pháp tấn công vào căn cứ của ta điên cuồng. Chỉ kể đến trong thời gian ta tổ chức Đại hội đảng tỉnh lần thứ nhất. Du kích và bộ đội đã đẩy lùi 30 trận đánh lớn nhỏ của địch. Gây cho địch nhiều thiệt hại và phải rút lui. Bảo vệ thành công Đại hội đảng, tiếp tục lãnh đạo dân mường chiến đấu sớm thành công.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân Mộc Hạ kiên cường đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị và đánh du kích. Từ mùa xuân 1948 vùng đất rộng lớn Mộc Hạ được giải phóng. Chính quyền về tay nhân dân, trở thành Khu căn cứ kháng chiến vững mạnh của tỉnh Sơn La, và Tây Bắc.

Đến Quang Minh không thể quên sự kiện "Hũ rượu ngàm bản Lòm". Còn nhớ tháng 10 năm 1947 một toán lính Pháp và ngụy gồm 36 tên thất trận từ Tân Xuân, Phú Thọ tháo chạy về bản Lòm, Mộc Hạ. Địch bắt dân phục vụ cơm rượu. Du kích cử 5 người đứng ra giả đò tiếp đón. Trong bữa rượu du kích mang hũ rượu ngâm để uống - đã chưng cất từ ba tháng trước. Sau khi bọn lính say rượu ngủ la liệt trên sàn, có cả du kích ta giả vờ ngủ. Du kích ngầm đi báo cho du kích bản Pó Tào. Đúng 2 giờ sáng, du kích ta tấn công. Nhưng sợ bắn nhằm du kích, ta chỉ dùng gậy gộc, không dùng súng. Trận đánh quyết liệt. Kết thúc ta giết chết một tên lính, thu ba súng trường, một súng máy, bọn định hốt hoảng bỏ chạy. Phía ta một người hy sinh. Một người bị thương do uống rượu ngàm, về sau bị tâm thần vì độc tố rượu. Sự kiện hũ rượu ngàm bản Lòm làm nức lòng dân bản trong vùng, cổ vũ đứng lên chống giặc giữ mường.

Danh thắng thác Nàng Tiên

Chia tay ông "bạn rượu" Lường Văn Thuận, chia tay địa danh nổi tiếng của xã Quang Minh. Xe đưa tôi và Tráng A Chai luồn lách qua bao nhiêu nhiều đồi chè xanh đậm màu chàm, những vườn cây cong cành quả chín như mâm xôi, bằng con đường ô tô trải nhựa và thoang thoảng mùi hương rừng.

Tráng A Chai hướng dẫn tôi, như người du lịch chuyên nghiệp. Anh vừa bước lên tảng đá rêu xanh vừa nói: "Thác Nàng Tiên ẩn mình giữa thung lũng Nà Súng kỳ bí, bao bọc là cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn xanh tươi." Trước mắt tôi thác đẹp đến xiêu lòng. Tuy vậy thác Nàng Tiên - viên ngọc lưu ly gần đây mới được khai thác phục vụ du khách. Chợt nghĩ vùng đất lạ vẫn còn nhiều bí ẩn và thú vị cần đầu tư làm bật dậy niềm năng.

Người dân địa phương kể rằng. Ngày xưa một gia đình người Thái Trắng từ Đà Bắc ngược sông Đà lên đây tìm đất lập mường. Gia đình họ có hai con gái đẹp như hoa ban hoa mạ và tài giỏi như thần. Người chị tên Khăm Khe và em là Khăm Kiêu. Hai cô dạy dân trong vùng trồng lúa ngô, dệt vải và múa xòe, điệu pí…  Tiếng thơm hai cô vang tới các bản xa, dân bản kéo về lập nghiệp. Vùng dân hoang sơ trở nên đông vui sung túc. Họ đặt tên cho vùng này là Mường Mây vì quanh năm mát mẻ, phủ sương mù… Khi hai cô qua đời, dân bản cảm phục và biết ơn tôn hai cô là Nàng. Người bản xứ gọi là "Nàng" là tôn quý. Người chị là Nàng Bẳng và em Nàng Mương. Và đặt tên cho thác thiêng trong bản là thác Nàng Tiên. Cứ hàng năm vào tháng ba dân mường tổ chức Hội hoa ban tỏ lòng thương nhớ hai Nàng và sên bản sên mường tại khu rừng thiêng.

Mãi nghĩ tích xưa, tai nghe tiếng thác đổ, ngọn thác Nàng Tiên ba tầng mở ra trước mắt. Tráng A Chai nói bên tai tôi, lẫn trong thác. Nhà văn thưởng thức đi, thác này có ba tầng, mỗi tầng đều có có một vẻ riêng đẹp mê hồn. Tầng thứ nhất hồ nước trong veo ngọc bính. Cảnh sắc hiền hòa, với những dòng nước trong xanh uốn lượn qua những ghềnh thác bồng bềnh như mây trôi. Mới đặt chân tầng một, du khách đã được trải nghiệm thú vị ngọt ngào. Men lên tầng hai cảnh đẹp đến nao lòng của dòng thác đổ xối xả vừa hùng vĩ lẫn hoang sơ. Một hồ nước nhỏ xanh trong bao phủ bởi cây cổ thụ xòe tán, bên phiến đá rêu phong rũ xuống màu ánh kim như thời tiền sử. Leo lên tới tầng ba, dòng thác dài hơn sáu mươi mét thả xuống, nước lóng lánh. Tiếng thác đổ liên hồi như trống thúc. Ngay dưới chân thác nước tung bọt trắng xóa, trên cao bụi nước bay lơ lửng giữa đại ngàn.

Tục ngữ Thái nói "đừng nghe tiếng thác đổ, thác đổ làm dạ không yên". Đứng đây, mắt nhìn dòng thác đổ dồn, tai nghe tiếng thác bồi hồi ngày đêm, nguồn nước thả xuống vô cùng không ngơi nghỉ, tôi trộm nghĩ "nguồn nước chảy từ đâu?". Chợt Tráng A Chai như đọc được ý nghĩ của tôi, chỉ cả hai tay trên đỉnh núi cao mờ hơi nước: "Nguồn nước của thác Nàng Tiên được cung cấp từ những cánh rừng nguyên sinh, tán cây che rợp mặt đất và những con suối nhỏ, nước ngầm róc rách ngày đêm. Có rừng là có suối, dân ở đây giữ rừng rất nghiêm ngặt. Cả thung lũng Nà Súng được coi như rừng thiêng của dân mường".

Vân Hồ vẫy gọi - Ảnh 2.

Thác Nàng Tiên ẩn mình giữa thung lũng Nà Súng kỳ bí, bao bọc là cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn xanh tươi.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng Vân Hồ

Chiếc xe hiệu Tranit lại nổ máy leo đèo xuống khe đưa chúng tôi đi thăm trang trại, và những vùng sản xuất hoa quả sạch trong vùng. Từ những đặc sản truyền thống, nhờ thổ nhưỡng khí hậu cộng thêm công nghệ sinh học cho phép ngành nông nghiệp lên ngôi.

Qua thực tiễn và nghiên cứu cho biết biên độ nhiệt và đông chênh nhau từ mười độ, có ngày còn lên tới hai mươi độ cho phép chất lượng hoa quả ở đây ngon thơm, bổ dưỡng hơn nơi khác rất nhiều. Thí nghiệm của các nhà khoa học, quả bơ Vân Hồ ngon hơn gấp năm lần cùng các hàm lượng sinh học như nhau. Chủ trương của huyện Vân Hồ đẩy mạnh nông nghiệp là sáng suốt. Ý đảng hợp lòng dân, khắp nơi thi nhau làm nông nghiệp.

Xe leo đến dốc ba tầng trên con đường Tỉnh lộ 101 tại xã Mường Tè, nhìn vào "bản đồ dẫn đường" tự động, con đường núi cao như cánh én uốn lượn trong mây xanh. Trong óc tôi hiện lên những con số biết nói, của báo cáo đầu năm 2023 huyện Vân Hồ thật ấn tượng: Cây ăn quả trồng mới được 57 ha, nâng tổng diện tích đạt 4.289 ha. Sản lượng chuối thu hoạch được 820 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 70 tấn, mận hậu đạt 2.300 tấn quả tươi, xoài thu 900 tấn quả. Và không thể không nói đến nghề nuôi bò sữa, gần 2000 con, nghề rất thú vị "vắt sữa" thành tỷ phú... Chợt đám mây sà sà vào cửa xe, tôi ngó ra những cánh rừng màu lục, nghe thơm mùi chè xanh. Có phải Tô Múa, Mường Yên chăng, nơi mây trắng bồng bềnh trôi, nơi có những gốc chè cổ thụ gốc to như gốc nhãn vỏ sần sùi ướp sương tuyết trăm năm. Vâng, quê hương của chè xanh, chè búp, chè San tuyết đấy. Diện tích chè 1409 ha, sản lượng chè búp 3900 tấn, ngồi trong xe thoáng mùi thơm chè tươi là phải.

Như hổ mọc thêm cánh. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ mức đầu tư 1.200 tỷ đồng đưa vào hoạt động; Hàng năm sản xuất 3000 ngàn tấn rau, hoa quả, thảo dược, giải quyết được 15.000 ha vùng nguyên liệu. Vì thế các địa phương thi nhau trồng cây ăn quả làm nguyên liệu phục vụ nhà máy. Bài học được mùa mất quá, được giá mất mùa, người làm vườn chết ngay trên mảnh vườn bội thu không còn nữa. Người nông dân yên tâm sản xuất làm giàu trên mảnh vườn nương của mình. Họ đầu tư vốn, kỹ thuật, công sức để có thu nhập cao. Trong huyện đã có 162,3 ha quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp tốt và cấp mã vùng trồng cho 54 ha cây ăn quả bán cho nhà máy hoa quả và phục vụ người tiêu dùng.

Bản mường xưa, chống chọi thú dữ nhà sàn xếp chồng như vẩy tê tê, đêm sàn trên tè mái dưới. Nay an lành giãn dân giãn bản mở đất hết tầm, phát triển trang trại. Cây ăn quả lấn át đẩy lùi cây rừng. Trăm hoa đua nở người người, mường mường thi nhau mở trang trại trồng cây. Trên tán những cây xoài, nhãn, cây mận hậu xum xuê ngay dưới gốc là từng đàn gà ríu rít, những con gà trống lông đỏ vươn cổ gáy râm ran. Quy trình vườn ao chuồng phổ biến.

Công nghệ sinh học phát triển như vũ bão, không biết hết các loài cây lai tạo mới, với số lượng và chất lượng cực cao. Có nhiều loại cây như mận, nhãn, xoài, táo mèo... và bao nhiêu rau củ quả được "nâng cấp." Giữ gốc cắt cành để ghép giống lai, giống mới. Ưu điểm mới là làm cho cây trái sai quả mà vẫn dễ hái, dễ chăm sóc, thu hút dân du lịch trải nghiệm tham quan. Phong trào "cưa cành đốn ngọn ghép mầm" rầm rộ. Có những lúc, đi đâu cũng nghe tiếng máy cưa giòn giã, những đôi tay ghép mầm dẻo như múa. Gốc lưu niên to như cột nhà sàn ghép mầm lai bật lên vun vút. Vụ sau, năm sau tán xòe như mâm xôi, quả sai phải chống cành. Sản lượng hoa quả tăng đột biến.

Với diện tích hoa quả khổng lồ đã tạo nghề mới cho nông dân và nguồn lợi cho huyện Vân Hồ. Đó là nghề nuôi ong mật. Hàng trăm loài hoa cùng nở dạt dào, từ vườn đến non cao nhuộm đỏ thắm một màu. Những nụ hoa bung cánh, nhụy hoa ứa căng, bướm ong rủ nhau bâu vào làm cành cong veo. Cứ vào đầu tháng ba, khi mùa hoa ban nở, không hẹn từng đoàn ô tô chở thùng ong tìm đến địa chỉ xanh Vân Hồ. Nhị hoa căng mọng ong miệt mài hút nhị, nhả mật. Một tuần quay mật một lần, mật ong chứa đầy can, đầy phi. Sản lượng mật ong tính bằng tấn hàng chục tấn, lượng mật ong không biết bao nhiêu mà tính. Khi những tấm lưng ong cắp túi mật đầy căng chui vào tổ cũng là lúc hoàng hôn buông xuống mở đầu bản giao hưởng của loài ong rộn rã trong đêm. Khi chủ ong tìm vùng hoa mới là lúc quả non lấp lóe như sao trên ngọn dưới cành hẹn múa hái quả bội thu.

Vân Hồ vẫy gọi - Ảnh 3.

Người dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển cây ăn quả.

Nông dân làm du lịch

Với Vân Hồ "Công nghiệp không ống khói" đã khởi sắc. Nhờ khí hậu mát mẻ, hoa trái ngon lành nghề du lịch ngày càng khởi sắc và thu hút du khách bốn phương. Cuối tuần nhà nghỉ khách sạn du khách vui hơn hội. Quốc lộ Sáu qua Mộc Châu, Vân Hồ, Quang Minh có ngày nghẽn đường vì lữ khách.

Ngọn gió du lịch thổi tới vùng cao, những người Mường, người Thái, người Dao đã ham nói đến du lịch. Nào du lịch Nghỉ dưỡng, du lịch Tâm linh, du lịch Cộng đồng... Kể cả người Mông trên núi cao đã biết làm du lịch, nhiều hộ dựng nhà sàn rộng thoáng chăn đệm vải thổ cẩm thơm tho, mở rộng cửa ngõ đón khách trăm phương tìm đến. Các cấp ủy đảng và chính quyền đã đầu tư chất xám, tiền bạc cho du lịch. Đảng viên, trưởng bản mạnh dạn làm du lịch trước, để dân bản theo. Thấy làm du lịch dân giàu nước mạnh bà con thực hiện ngay. Họ hiểu ra làm nương không đi buôn, đi buôn không bằng đi làm du lịch. Vân Hồ liền một dải thảo nguyên, là cánh tay nối dài của Mộc Châu, việc vinh danh "Mộc Châu điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới" là cơ hội chung. Chắc chắn ngọn gió thơm lồng lộng thổi trên thảo nguyên xanh bao la sẽ đưa con tàu du lịch băng băng qua bản mường Vân Hồ. Dân bản sẽ đang đón chờ cơ hội mới, làm du lịch, giàu lên vì du lịch. Vân Hồ sánh vai cùng miền xuôi tiến vào con đường dân giàu nước mạnh.

Thời đại 4.0, vùng cao phải gồng mình để lớn nhanh. Tôi đã đến các điểm du lịch tâm linh Đền Hang Miếng, thác Nàng Tiên và các Lễ hội hái quả, người dân đã ứng xử khá ngon lành với du khách. Họ chuẩn bị và chờ đón những thời sự nóng về du lịch địa phương như: Khu du lịch quốc gia Mộc Hạ, Ngày hội hái quả năm 2023, giải đua mô tô địa hình Việt Nam tổ chức tại huyện Vân Hồ, 10 năm thành lập huyện... Bên ngoài những bộ trang phục địa phương, lớp lao động trẻ biết nói tiếng Anh thông thường dù còn sai và ngọng. Họ công khai giá cả dịch vụ tại điểm, họ không vứt đồ nhựa vỏ lon, họ biết tư vấn cho dân du khách, họ cũng biết mời gọi rất nhẹ nhàng, biết nói cảm ơn và xin lỗi khi cần thiết. Tôi không ngờ bà con chuyển đổi nếp nghĩ, nếp làm "bố bản" nhanh chóng thế. Nghề du lịch mới, nhanh nhạy đã thức dậy tiềm năng người địa phương và mang về lợi ích cho chính những người nơi đây.

Vân Hồ vẫy gọi - Ảnh 4.

Người đồng bào dân tộc mông huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La làm du lịch.

Xưa miền núi vẫn nói "vui như hội xòe", nay "Ngày hội hái quả huyện Vân Hồ" là vui và lợi nhất. Những Lễ hội hái quả mở ra tiên tiếp. Thảo nguyên xanh tháng nào chẳng có hoa quả chín mời gọi. Khí hậu thổ nhưỡng nơi đây cho phép, lại được công nghệ sinh học nâng cánh, các loài cây quanh năm thu hái quanh năm. Nào lễ hội hái mận, lễ hội hái nhãn, lễ hội hái dâu tây... Vào dịp Lễ hội hái quả, dân bản, du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm và nguồn tiêu thụ sản phẩm lớn, đặc trưng của thảo nguyên xanh.

Cả ngày không ngơi đi, phỏng vấn, ghi chép trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên và con người, giờ tôi thấm mệt. Bước lên xe, chợt ông Trưởng đoàn đập vai tôi cười lớn - Nghề văn "ăn chơi vật vã" chẳng ai bằng. Tôi nháy mắt cười theo. Nhìn ra đường bản mường đã sáng đèn. Những mái nhà sàn gắn hình khau cút phát nhạc xòe rộn rã. Dưới vườn cây trĩu quả cong cành, những vòng xòe mở ra, khép lại như bánh bướm sặc sỡ khổng lồ. Ngày mai bản đang vào Lễ hội hái quả... Nhạc và xòe lui dần sau lưng, xe hướng tới Mộc Châu. Ngược chiều xe du khách vẫn đến Vân Hồ không ngớt. Tôi chợt nghĩ "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới", mới khởi đầu đã sôi động. Vùng quê đẹp và còn chút hoang sơ của Vân Hồ sẽ là nơi lý tưởng của lữ khách gần xa giục giã lên đường.

                           Trại viết văn Mộc Châu tháng 7 tháng 2023.

                                           

Trần Nguyên Mỹ