Tuyên Quang: Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai
11/05/2025 13:53 GMT +7
Đêm ngày 9/5 và rạng sáng ngày 10/5, trên địa bàn huyện Hàm Yên, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có mưa to kèm giông lốc, gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của bà con. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây to gãy đổ gây cản trở giao thông, một số tuyến đường bị ngập cục bộ...
Chủ động khắc phục hậu quả thiên tai
Tại huyện Hàm Yên: Theo báo cáo nhanh, đến trưa ngày 10/5, tại huyện Hàm Yên do mưa to, gió lốc đêm ngày 09/5 và rạng sáng ngày 10/5 đã gây thiệt hại 167 nhà ở, trong đó: 6 nhà bị thiệt hại trên 70%; 131 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 30 nhà bị tốc mái một phần.
Diện tích Lúa bị ngập thiệt hại 1,6 ha; cây ngô bị đổ gẫy thiệt hại trên 43,7 ha; rau màu bị thiệt hại trên 7,1 ha; cây lâm nghiệp (keo) bị đổ gẫy 71,6 ha.
Ngoài ra, một số cột điện, tường rào trường học cũng bị gẫy, đổ. Ước tổng thiệt hại khoảng hơn 3,9 tỷ đồng.
Mưa lớn kèm gió lốc tại các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở huyện Hàm Yên là xã Thành Long, Thái Hoà, Đức Ninh…
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, ông Đỗ Đức Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra tình hình, chỉ đạo UBND các xã rà soát, thống kê thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. Yêu cầu UBND các xã bị thiệt hại tập trung huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, để giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục, sửa chữa, thay thế tấm lợp, tôn lợp bị hư hỏng để đảm bảo ổn định cuộc sống.
Đối với thiệt hại về sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cũng chỉ đạo UBND dân các xã cử cán bộ khuyến nông cơ sở bám sát địa bàn hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục hậu quả đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại.
Tuyên Quang có hơn 280 nhà bị thiệt hại do thiên tai
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tuyên Quang tính đến hết ngày 10/5, đêm ngày 9/5 và rạng sáng ngày 10/5/2025, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra mưa rào và dông, một số nơi có mưa to đến rất to, gây thiệt hại đến nhà ở, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Lượng mưa đặc biệt lớn tại một số khu vực thuộc huyện Hàm Yên, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.
Có 282 nhà bị thiệt hại tại các huyện Hàm Yên; Yên Sơn; thành phố Tuyên Quang. Ngoài ra thiệt hại công trình phụ, 21 nhà trong đó, bếp bị đổ hoàn toàn 3 nhà; mái tre, quán bị tốc mái 18 nhà và sạt lở ta luy dương 2 nhà.
Thiệt hại về nông nghiệp, lâm nghiệp, 25,8 ha lúa bị ngập thiệt hại từ 30% - 70% và 22,96 ha thiệt hại dưới 30%.
Cây ngô bị đổ gãy: 67,23ha thiệt hại trên 70% và 23,81ha thiệt hại từ 30-70%. Rau màu bị thiệt hại trên 70% là 11 ha; cây lâm nghiệp (keo, xưa): 282,65 ha bị đổ gãy. Về chăn nuôi, thủy sản: 102 con dúi bị mất, 0,036 ha ao cá bị ngập.
Thiệt hại khác: 21 cột điện bị đổ gãy tại huyện Hàm Yên; TP. Tuyên Quang; 50m tường rào bị đổ; 2 mái vẩy bị hư hỏng; 11 cây xanh bị đổ; đổ cổng trào phường Minh Xuân. Tổng ước giá trị thiệt hại khoảng 7,456 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện Hàm Yên, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Theo đó, UBND huyện Hàm Yên đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đến động viên, thăm hỏi các hộ gia đình bị thiệt hại; sử dụng kinh phí Quỹ phòng chống thiên tai và ứng từ quỹ làm nhà từ nguồn đảm bảo xã hội huyện hỗ trợ 24 triệu đồng cho 2 hộ bị sập nhà hoàn tại xã Thái Hoà và xã Thành Long.
Đối với thiệt hại về nhà ở, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, để giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục, sửa chữa, thay thế tấm lợp, tôn lợp bị hư hỏng để đảm bảo ổn định cuộc sống.
Đối với thiệt hại về sản xuất, hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục hậu quả đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại (ngô bị gãy, dập nát không khắc phục được tận thu để làm thức ăn cho gia súc; loại bỏ cây keo bị gẫy đổ tận thu làm gỗ nguyên liệu).