Cuối tháng 8/2019, anh Nguyễn Minh Phúc (ngụ khu A3, chung cư Huỳnh Văn Chính II, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) phải dời nhà đi nơi khác ở. Mặc dù đây là căn hộ có vị trí thuận lợi cho công việc nhưng gia đình anh nhất quyết không ở nữa, chỉ vì chuyện nuôi chó.
Bán nhà vì chung cư có chó
Hai tháng trước, con gái 7 tuổi của anh Phúc đang đi dạo dưới sân chung cư, bất ngờ đàn chó của một hộ dân tầng trệt chạy đến vồ vào người. Nhiều vết cào xuất hiện khắp cơ thể khiến cháu phải đi tiêm ngừa. Sau sự cố ấy, gia đình anh và nhiều hộ dân lên tiếng đề nghị cấm nuôi chó trong khu chung cư, nếu nuôi thì không được thả rông và phải rọ mõm. Thế nhưng, tất cả ý kiến đều bị phớt lờ.
"Con tôi bị ám ảnh sau lần chó cắn. Chỉ cần nghe tiếng chó sủa là cháu giật mình khóc thét. Không muốn con bị ảnh hưởng tâm lý và để cuộc sống an toàn, chúng tôi đành phải dọn đến nơi khác sống" - anh Phúc bày tỏ.
Bà Nguyễn Bích (ngụ cùng chung cư anh Phúc) cho biết đã phải bỏ tập thể dục hơn 1 năm qua vì có lần đang đi dạo thì bị chó của một hộ dân ở tầng trệt khu A3 chạy đến cào vào người. Khi phản ánh, chủ nhà nói: "Chó nhà hiền, chưa biết cắn ai bao giờ" và ngang ngược đổ lỗi tại bà Bích chọc phá nên chúng mới tấn công.
Một thành viên trong Ban Quản trị chung cư Huỳnh Văn Chính II thừa nhận từng góp ý về việc không được nuôi chó ở chung cư nhưng bị những người nuôi chó phản ứng dữ dội. Vừa qua, có vài trường hợp bị chó cắn nên một số người nuôi chó ý thức hơn khi đã rọ mõm chó nhưng số đông vẫn dửng dưng. Ghi nhận thực tế tại lối đi nội bộ chung cư, chúng tôi thấy nhiều chó giống to được thả rông không rọ mõm, không có chủ đi theo. Đặc biệt tại khu A2, A3, chúng tôi đếm có gần 10 con chó thường đi lang thang.
Ông Thanh, ngụ chung cư Phan Văn Trị (quận 5), cũng từng mất hơn 1 năm đem đơn đến nhiều cơ quan chức năng để kiện một hộ dân nuôi chó Phú Quốc. Nguồn cơn xuất phát từ việc cháu của ông Thanh đang chơi thì bị chó hàng xóm cắn chảy máu phải chích ngừa và suốt nhiều tháng sau đó vẫn còn rơi vào cảnh bấn loạn. "Nuôi chó, mèo là quyền của mỗi người nhưng phải có ý thức. Nửa đêm chó sủa vang rất to, ảnh hưởng đến cuộc sống người xung quanh. Tôi chỉ mong các hộ khi nuôi phải lựa giống chó, mèo phù hợp. Chẳng hạn nhỏ con, ít lông…, chứ đi chung thang máy mà đứng cạnh chó becgie, chó Phú Quốc, hỏi thử có sợ không?" - ông Thanh bức xúc.
Tùy nội quy từng chung cư
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện nhiều chung cư vẫn cho phép nuôi động vật và có một số trường hợp đánh nhau, kiện nhau về việc nuôi chó, mèo. Theo mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD, một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi sống ở chung cư là chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư.
Thực tế cho thấy, mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng chỉ được coi là một văn bản để ban quản lý các chung cư tham khảo và xây dựng nội quy riêng cho nhà chung cư của mình. Do đó, khó có thể coi nội dung trong mẫu nội quy nêu trên là một quy định của pháp luật. Việc cấm nuôi chó, mèo ở chung cư hay không phụ thuộc vào nội quy của từng chung cư, được xây dựng dựa trên sự thống nhất với các cư dân chung cư đó.
Có những chung cư nghiêm ngặt việc nuôi chó, mèo do lo ngại mất vệ sinh chung hoặc gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới an toàn của những người sống ở đó nhưng cũng có chung cư có quy định "cởi mở" hơn, tạo điều kiện cho những người thích sống cùng thú cưng của mình. Chỉ yêu cầu nếu nuôi thì tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan và môi trường công cộng.
Còn theo đại diện UBND quận Tân Phú, nếu có phản ánh của người dân, quận sẽ có biện pháp kiểm tra, xử lý tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, không xích. Về lý do không cấm nuôi chó, mèo ở chung cư là do việc nuôi động vật là quyền của mỗi người, dựa vào sự thỏa thuận của cộng đồng chung cư để đưa ra các quy định chung, cơ quan chức năng không thể cấm.
Thống kê của Ban Quản lý chung cư City Gate (quận 8) cho thấy có hơn 40 hộ đang nuôi chó, mèo trong khi đây là chung cư cao tầng, đi lại phải dùng thang máy. Nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho cư dân, ban quản lý buộc người nuôi chó, mèo nếu muốn đưa vật nuôi ra ngoài, phải sử dụng thang bộ.
Trong khi để giải quyết những trường hợp tương tự, chung cư The Gold View (quận 4) dành hẳn một thang máy vận chuyển hàng hóa để cho chó, mèo đi lại. Nếu đi nhầm thang khác và để cho vật nuôi phóng uế, lần đầu phạt 1 triệu đồng, lần 2 phạt 2 triệu đồng và nếu liên tục vi phạm sẽ bị ngưng cung cấp các dịch vụ.
Chưa có chế tài
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định cấm nuôi động vật ở chung cư hiện nay chưa có các quy định chế tài. Tuy nhiên, để giải quyết câu chuyện này bắt buộc các hộ dân phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để đưa ra quy định chung. Dựa trên số phiếu biểu quyết đồng ý hoặc phản đối để ban hành quy chế xử phạt.