dd/mm/yyyy

Tiền Giang xây dựng thương hiệu gạo Gò Công

Khu vực các huyện, thị phía đông của tỉnh Tiền Giang có vị trí địa lý nằm gần cửa biển nên hình thành vùng thổ nhưỡng, với nhiều khoáng chất tốt cho cây trồng… Tuy vậy, diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn

Nhận thấy được những tồn tại, hạn chế trong sản xuất lúa gạo của khu vực này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để “nâng tầm” cho sản phẩm gạo, trong đó, chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Gò Công.

Vùng lúa gạo đặc sản

Trước đây, nông dân vùng đất Gò Công sản xuất 3 vụ lúa/năm. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hạn mặn diễn biến gay gắt, tỉnh Tiền Giang có chủ trương chuyển đổi 1 vụ lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái. Từ hơn 30.000ha sản xuất lúa, đến nay chỉ còn khoảng 20.000ha/vụ. Tuy vậy, diện tích còn lại, nông dân đã tập trung vào sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản nhằm nâng cao giá trị và lợi nhuận.

Tiền Giang xây dựng thương hiệu gạo Gò Công - Ảnh 1.

Lúa VD20 được trồng tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Thấy được tiềm năng và cần phải lưu giữ, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp các địa phương trong vùng tiến hành khảo nghiệm các loại giống lúa để tìm ra loại thích hợp nhất, có chất lượng ngon để cung cấp cho thị trường. Qua nhiều năm khảo nghiệm, các loại giống như VD20, Nàng Hoa 9… hoàn toàn vượt trội so với canh tác ở các vùng trồng khác trên cả nước. Các giống lúa này thích nghi được với vùng phèn nhẹ, chịu hạn mặn, cho năng suất cao và bán ra thị trường có giá hơn các giống lúa khác”.

Đặc biệt, giống lúa VD20, Nàng Hoa 9 trồng trên vùng đất các huyện phía đông, nhất là tại huyện Gò Công Tây sẽ cho ra hạt gạo thơm ngon, khi nấu lên có vị đậm đà, dẻo, dai cơm và giữ được mùi thơm sau khi để nguội.

Hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã chọn lúa VD20 làm giống chủ lực. Đồng thời, các giống chất lượng, giá trị cao khác như: Nàng Hoa 9, OM 4900, OM 5451… cũng được đưa vào danh mục “Gạo Gò Công”… Địa phương cũng đã hoàn tất hồ sơ thủ tục để trình Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và cấp phép thương hiệu “Gạo Gò Công”, thống nhất phạm vi địa lý sở hữu gồm 4 huyện: Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, xây dựng thương hiệu gạo là một chặng đường dài và lắm gian nan. Để hạt gạo Gò Công vươn xa, điều quan trọng là phải xây dựng cho được quy trình sản xuất lúa gạo sạch, an toàn và công khai, minh bạch từ khâu gieo cấy, chăm sóc cho đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói gạo đưa ra thị trường. Thương hiệu gạo là của tập thể, trong đó 3 yếu tố cấu thành là công ty, hợp tác xã và người nông dân. Cả 3 phải cùng thống nhất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đó và bình đẳng về lợi nhuận thu được.

Tiền Giang xây dựng thương hiệu gạo Gò Công - Ảnh 2.

Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tham quan khu ruộng trồng lúa VD20 tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Nâng giá trị hạt gạo

Để nông dân chung tay cùng địa phương tạo ra thương hiệu “Gạo Gò Công”, sản phẩm của họ phải được bao tiêu và lợi nhuận mang lại cao hơn so với sản xuất trước đây. Từ đó, ngành lúa gạo Tiền Giang nói chung và khu vực Gò Công nói riêng mới phát triển theo chuỗi giá trị, bền vững. Đồng thời, xây dựng liên kết cánh đồng lớn gắn kết sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, giúp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị “Gạo Gò Công” và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo hàng hóa trên thị trường.

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, để ngành hàng lúa gạo của Tiền Giang phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, địa phương sẽ tập trung nâng cao giá trị hạt lúa trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tiến đến xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cắt giảm diện tích gieo trồng lúa ở những nơi sản xuất không có lợi thế, chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn, giảm diện tích gieo trồng lúa phẩm cấp thấp, tăng diện tích lúa chất lượng cao.

Địa phương cần tận dụng lợi thế vùng sản xuất lúa thơm VD20 kết hợp phát triển du lịch, hình thành vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường nhằm giúp nông dân dự đoán thị trường, có kế hoạch sản xuất phù hợp để giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa, rớt giá, đồng thời hướng đến các thị trường mục tiêu tiềm năng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, những địa phương trong vùng quy hoạch phải hoàn thiện các công trình đê, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các cụm công nghiệp trọng điểm để phục vụ tốt cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu lúa gạo; xây dựng và củng cố hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác vững mạnh nhằm xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp-nông dân; tăng cường tổ chức liên kết nông dân với nông dân, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng.

Mặc khác, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu; đồng thời, giúp nông dân an tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Trong đó, người dân cần sử dụng giống xác nhận, sạ hàng, áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất theo quy trình trồng lúa hữu cơ bảo đảm an toàn cho sức khỏe, không gây ô nhiễm môi trường, kết hợp trồng hoa bờ ruộng dẫn dụ thiên địch theo mô hình công nghệ sinh thái phòng, chống rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá... Có như vậy, việc sản xuất lúa mới giảm chi phí, tăng chất lượng hạt gạo, có thị trường tiêu thụ và cuối cùng là lợi nhuận tăng lên.

Với sự chung tay của các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền và bà con nông dân sẽ tạo thêm sức bật cho thương hiệu “Gạo Gò Công” phát triển bền vững, “vươn cao, bay xa” trong thời gian tới; giúp người nông dân thay đổi tập quán, tư duy sản xuất và hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp bền vững và hội nhập quốc tế.

Nguyên Sự