Thanh niên dân tộc Thái vươn lên từ nuôi con dúi

Văn Ngọc

10/07/2025 10:46 GMT +7

Anh thanh niên dân tộc Thái ở phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La đã vượt khó, khởi nghiệp thành công từ nuôi con dúi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Clip: Thanh niên dân tộc Thái vươn lên từ nuôi con dúi

Làm giàu từ nuôi con dúi

Chúng tôi đã có dịp trở lại các bản làng của đồng bào dân tộc Thái ở phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La, vùng đất nổi tiếng không chỉ bởi bản sắc văn hóa độc đáo mà còn bởi tinh thần lao động sản xuất hăng say của bà con. Giữa những nương cà phê, vườn mận bạt ngàn, câu chuyện về anh Quàng Văn Quốc, bản Ót Luông, phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La với mô hình nuôi dúi quy mô hàng nghìn con, đang trở thành nguồn cảm hứng về sự vươn lên làm giàu chính đáng ở vùng nông thôn Tây Bắc.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân, đi trên tuyến đường kiên cố dài 3km từ Quốc lộ 6 vào bản, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi dúi của anh Quốc. Dọc hai bên đường là những nương cà phê, vườn mận đang mùa trĩu quả, minh chứng cho biệt danh "thủ phủ cà phê và mận tam hoa" của nơi đây. Nhờ những loại cây trồng này, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, có của ăn của để.

Anh Quàng Văn Quốc, bản Ót Luông, phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tuy nhiên, việc canh tác trên nương rẫy vẫn còn nhiều vất vả, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", phụ thuộc nhiều vào thời tiết và biến động thị trường, thường xuyên gặp cảnh "được mùa thì mất giá".

Thế nhưng, khác với nhiều người nông dân truyền thống, anh Quàng Văn Quốc (bản Ót Luông, phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La) đã chọn cho mình một hướng đi riêng để phát triển kinh tế - Mô hình nuôi dúi. Sau nhiều năm cố gắng, anh nông dân người dân tộc Thái này đã xây dựng được một trang trại dúi lớn trong vùng, mang về doanh thu lên đến hàng trăm triệu mỗi năm.

Chúng tôi gặp anh Quốc khi anh đang chuẩn bị khẩu phần ăn cho đàn dúi. Chỉ vào cây tre tươi dài khoảng 20m vừa chặt về để ngoài sân, anh Quốc cho biết: "Đây là khẩu phần ăn một ngày của cả đàn dúi. Một ngày một cây tre này với vài khúc mía như thế này là xong".

Những con dúi nuôi thương phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Quốc tâm sự, trước khi bén duyên với con dúi, anh cũng như bao người dân khác trong bản, canh tác các loại cây trồng trên nương. Tuy nhiên, thu nhập từ nương rẫy bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Với mong muốn cải thiện cuộc sống, anh Quốc quyết định tìm hướng đi mới.

Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình, anh nhận thấy con dúi dễ nuôi, thức ăn đơn giản, dễ kiếm và có tiềm năng lợi nhuận cao, phù hợp với điều kiện gia đình. Đầu năm 2016, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với vợ con, anh Quốc mạnh dạn bỏ hơn 20 triệu đồng mua 20 cặp dúi về nuôi thử. Trong quá trình nuôi, anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức.

Ban đầu, anh cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn ghép đôi cho dúi sinh sản. "Ngày đó do mình không biết thời gian động dục của con dúi cái nên cứ thả con đực vào là chúng nó cắn nhau tả tơi, dẫn đến thất bại. Phải chăm sóc lại rất mất thời gian, khiến năm đầu tiên tôi chẳng có con dúi nào sinh sản thành công", anh Quốc nhớ lại.

Thức ăn chính của con dúi chủ yếu là thân tre, mía, bí ngô... Ảnh: Văn Ngọc

Trang trại hơn 1.000 con dúi, thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm

Nhận thấy tiềm năng lợi nhuận cao từ nuôi dúi, anh Quốc đã quyết tâm mở rộng quy mô. Hiện nay, trang trại của anh có hơn 1.000 con dúi, được chia thành hai khu nuôi được đầu tư đồng bộ, khép kín. Chuồng nuôi được trang bị hệ thống quạt hút gió giúp lưu thông không khí, giữ môi trường luôn thông thoáng, sạch sẽ. Vào những ngày nắng nóng, hệ thống phun sương trên mái chuồng giúp giảm nhiệt độ tối đa, đảm bảo dúi vẫn phát triển tốt.

Chia sẻ bí quyết, anh Quốc cho biết: "Con dúi là loài gặm nhấm nên rất dễ nuôi. Thức ăn của dúi đơn giản và dễ kiếm như thân tre, thân cỏ voi, thân mía, thân cây ngô...". Một con dúi trưởng thành mỗi ngày chỉ cần ăn một mẩu mía, một mẩu tre là đủ. Đối với dúi nhỡ, khẩu phần ăn ít hơn. Để bổ sung dinh dưỡng, anh còn cho dúi ăn thêm gốc cỏ voi, thân cây ngô.

Anh Quàng Văn Quốc, bản Ót Luông, phường Chiềng Cơi chuẩn bị thức ăn cho đàn dúi. Ảnh: Văn Ngọc

Đặc biệt, anh Quốc còn trồng thêm 1.000m2 cỏ voi, vừa tận dụng lá ngọn chăn nuôi bò, vừa lấy thân cho dúi ăn, giúp chi phí thức ăn cho dúi không đáng kể. Một điểm hay khác là phân dúi có thể tận dụng trộn với phân trâu bò để ủ bón cho cỏ, cà phê, tạo thành chu trình khép kín hiệu quả.

Chuồng nuôi dúi của anh Quốc được chia thành từng ô vuông diện tích 50x50cm bằng gạch men, với tổng diện tích 120m2. Nhiệt độ lý tưởng cho dúi là 25 - 32 độ C. Việc che chắn chuồng trại ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè giúp dúi sinh sản đều, lớn nhanh. Mỗi năm, dúi mẹ có thể đẻ 2 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 5 con. Sau 8 tháng tuổi, dúi có khả năng sinh sản. Dúi trưởng thành có chiều dài thân 35 - 40cm, trọng lượng 1,5 – 2kg/con.

Từ nuôi dúi, anh Quàng Văn Quốc, bản Ót Luông, phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La thu lãi hơn nửa tỷ mỗi năm. Ảnh: Văn Ngọc

Với giá bán dúi thịt khoảng 600.000 đồng/kg, dúi giống mốc từ 3,5 - 4,2 triệu đồng/cặp và dúi má đào từ 18 - 20 triệu đồng/cặp, trung bình mỗi năm, trang trại của anh Quốc xuất chuồng khoảng 1.000 con dúi giống và dúi thịt thương phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, anh lãi ròng hơn 500 triệu đồng.

"Thịt dúi là đặc sản nên được nhiều khách hàng tìm mua. Nuôi được bao nhiêu có thương lái đến tìm mua tận nhà, thậm chí các nhà hàng ở ngoài thành phố còn đặt tiền cọc trước từ mấy tháng", anh Quốc hào hứng chia sẻ.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Quốc còn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho nhiều hộ dân trong bản, trong xã có mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần lan tỏa mô hình kinh tế hiệu quả này.