dd/mm/yyyy

Thanh long ruột đỏ Bình Thuận khẳng định "tên tuổi" trên đất Lào Cai

Sau hơn 10 năm bén rễ trên đất xã Minh Tân, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cây thanh long ruột đỏ đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng biết đến, trở thành cây trồng giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.

Đến vùng đất Minh Tân những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi nơi đây không chỉ có màu xanh bạt ngàn của những rừng quế quanh lưng chừng đồi mà dưới vùng thung lũng từ trung tâm xã Minh Tân dọc về thôn Minh Hải là những trụ vườn thanh long ruột đỏ Bình Thuận thẳng tắp, những quả thanh long chín đỏ đang vào vụ thu hoạch.

Thanh long ruột đỏ Bình Thuận bén rễ trên đất Lào Cai thành sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Đến nay, toàn xã Minh Tân, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có hơn 20 ha thanh long ruột đỏ. Ảnh: Mùa Xuân.

Nông dân đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân xã Minh Tân, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Trần Văn Hòa, thôn Minh Hải, xã Minh Tân. Anh Hoà cũng là nông dân đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Minh Tân.

Vừa dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long, anh Hòa vừa kể, năm 2010, trong một lần anh Hòa, cùng gia đình xuống thăm anh, em họ hàng dưới tỉnh Bình Thuận. Nhận thấy bà con vùng quê này trồng giống thanh long ruột đỏ phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định.

Từ thực tế đó, anh Hoà đã mạnh dạn mua 4.000 dây giống thanh long ruột đỏ Bình Thuận, với tổng kinh phí 80 triệu đồng mang về trồng thay thế 1 ha diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả. 

Thanh long ruột đỏ Bình Thuận bén rễ trên đất Lào Cai  - Ảnh 2.

Nông dân xã Minh Tân, huyện Bảo Yên hái quả thanh long để bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Trần Văn Hòa, thôn Minh Hải, xã Minh Tân, chia sẻ: Mới đầu mang giống thanh long này về trồng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng vừa trồng vừa phải học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ những địa phương khác nên đã từng bước khắc phục được quy trình chăm sóc, bón phân... Từ 1 ha trồng ban đầu, tôi đã chia sẻ cho người thân trong gia đình để nhân rộng diện tích lên 3,5 ha.

Điều mừng là, năm 2019, anh Hoà đã đứng ra vận động các hộ dân trong thôn để thành lập HTX nông nghiệp Hòa Tân, với 8 thành viên do anh Hoà làm Giám đốc HTX. Từ đó, anh Hoà đã cùng các thành viên trong HTX cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, tích cực ươm mầm sống trên đất Minh Tân.

Từ 1 ha ban đầu đến nay, HTX nông nghiệp Hòa Tân có gần 11 ha thanh long ruột đỏ. Trung bình mỗi ha sẽ thu từ 10 - 12 tấn quả, với giá bán dao động hiện nay từ 9 - 12 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng/ha, thời điểm giá cao có thể mang lại thu nhập cao hơn.

Thanh long ruột đỏ Bình Thuận bén rễ trên đất Lào Cai thành sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Anh Trần Văn Hòa, thôn Minh Hải, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên (Lào Cai) thu hoạch quả thanh long ruột đỏ. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Trần Văn Hòa, thôn Minh Hải, xã Minh Tân, cho rằng hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX và người dân chủ yếu là trên địa bàn tỉnh Lào Cai nên giá thanh long hiện không được cao như trước đây nữa.

Thanh long ruột đỏ xã Minh Tân là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện và của tỉnh Lào Cai, HTX đã được xã lựa chọn xây dựng sản phẩm thanh long ruột đỏ thành sản phẩm OCOP. Do vậy, năm 2020, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX nông nghiệp Hòa Tân đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Đây chính là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của anh Hoà và HTX trong việc xây dựng thương hiệu và khẳng định giá trị sản phẩm, từ đó, được nhiều người biết đến.

Thanh long ruột đỏ Bình Thuận bén rễ trên đất Lào Cai thành sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Quả thanh long ruột đỏ khi chín ngon hơn nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ những thành quả đó đã truyền cảm hứng để những hộ dân khác trong thôn, xã học tập và làm theo. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ cho người dân về giống, kỹ thuật… để cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Đến nay, toàn xã Minh Tân có gần 21 ha thanh long ruột đỏ được trồng tập trung tại các thôn Minh Hải, Mai Bản. Phấn đấu đến 2025, diện tích thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã lên 150 ha và tiếp tục duy trì sản phẩm OCOP.

Theo người dân xã Minh Tân khi bén rễ vùng đất nơi đây phù hợp với khí hậu, đất đai nên quả thanh long ruột đỏ khi chín vị ngọt đậm hơn, thơm, vỏ mỏng hơn so với các loại thanh long khác.

Thanh long ruột đỏ Bình Thuận bén rễ trên đất Lào Cai thành sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ của xã Minh Tân, huyện Bảo Yên đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Hoàng Ngọc Kim Võ, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Bảo Yên, cho biết: Từ mô hình thanh long ruột đỏ được trồng đầu tiên tại thôn Minh Hải và mở rộng sang một số thôn khác cho thấy mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho bà con.

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xã Minh Tân đang xác định đây là cây ăn quả chủ lực của xã.

Do vậy, thời gian tới, xã Minh Tân tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể, Hội Nông dân xã khuyến khích tuyên truyền hiệu quả của cây thanh long ruột đỏ để bà con nông dân trong xã mở rộng thêm diện tích trồng. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Góp phần xây dựng nông thôn mới và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Mùa Xuân