dd/mm/yyyy

Thanh Hoá: Ngư dân ở đây đi bộ 10-15km dọc bờ biển để làm gì mà thu tiền triệu mỗi ngày?

Những ngày đầu năm, ngư dân ở vùng biển xứ Thanh (Thanh Hóa) lại miệt mài mưu sinh kiếm sống. Người khỏe vươn khơi, bám biển, người yếu hơn thì bám bờ cào ngao, kéo lưới... Nhờ có biển, ngư dân sống khỏe, có thể thu tiền triệu mỗi ngày.

Trúng đậm vụ mùa đầu năm

Bà Lường Thị Thắng, 70 tuổi (phường Quảng Cư, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) cả cuộc đời gắn với biển. Trước, bố mẹ, con trai đều là ngư dân bám biển. Từ ngày phát triển du lịch gia đình bà cũng xoay chuyển đủ nghề, từ đi biển, đi chợ, cào ngao, làm du lịch.

Những ngày đầu xuân khi thời tiết còn lạnh, du khách vắng nên bà Thắng cùng hàng chục lao động khác ở xứ này xuống bãi cát cào ngao. 

Công việc cào ngao cũng khá đơn giản, không quá vất vả tuy nhiên không phải ai cũng làm được. Chỉ cần đeo một cái cào vào lưng, mải miết bám theo bờ biển. Lúc nước lên thì ngồi nghỉ, lúc nước rút thì cào. Tuân theo quy luật, có ngày những lao động này phải thức dậy từ 3 giờ sáng để đi cào.

Bám bờ cào ngao, thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 1.

Người dân biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) gỡ cá. Ảnh: P.V

"Vì là thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ nên mỗi lần đi biển cũng chỉ vài tiếng lại vào. Mơ ước của ngư dân chúng tôi chỉ là lúc nào biển cũng thuận hòa, đầy tôm cá để kiếm chút lộc sinh sống".

Nguyễn Văn Nam

(Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

"Công việc không vất vả nhưng lại tốn thời gian, công sức. Không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn làm công việc này vì có ngày cào được 2-3kg ngao nhưng có ngày chỉ được vài lạng. Ngao ngon, hiếm nên cào tới đâu nhà hàng, khách đặt tới đó, không có ngao mang ra chợ bán" - bà Thắng nói.

Loại ngao nâu ở bãi biển là ngao tự nhiên, to con, ngọt nước. Ngao này hiếm nên giá thành cũng cao hơn ngao trắng. 1kg ngao nâu khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy thuộc ngao to hay nhỏ. Chính vì thế, nếu chăm chỉ một ngày cào được 2 - 3kg ngao lao động cũng có thể thu được 300.000 - 400.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Tám (ngư dân) làm công việc cào ngao chia sẻ thêm, tuy công việc không vất vả nhưng phải đi nhiều.

Một ngày lao động có thể phải đi từ 10 - 15km dọc bờ biển. Có những ngày chị đi bộ từ 6 - 8 tiếng đồng hồ, không phải đeo dây đai mang dao cào nặng 2-3kg cũng rất đau, mỏi. Bởi vậy, nên chỉ có những người phụ nữ có tuổi, cần mẫn, chịu khó mới có thể làm nghề này.

"Bình thường vào mùa du lịch, chị em chúng tôi có thể bán hàng rong, trông xe, phục vụ quán ăn ngày kiếm được 300.000 - 400.000 đồng. Còn thời điểm này vắng khách nên phải đi kéo lưới, cào ngao kiếm thêm thu nhập" - chị Tám nói.

Vươn khơi kiếm tiền triệu mỗi ngày

Ngư dân Ngô Hữu Tuấn (phường Quảng Cư, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ, chuyến ra khơi đầu năm nay anh và nhiều ngư dân trúng đậm vụ cá trích. Đợt vươn khơi đầu năm anh thu về được hơn 3 tạ cá trích. Giá cho 1kg cá trích khoảng 20.000 đồng, trừ chi phí anh thu về được 6 triệu đồng.

Sau hơn 4 giờ thả lưới, thuyền của ông Nguyễn Văn Nam (Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cập bờ với hơn 2 tạ cá trích. Ông Nam cho biết, năm nào cũng thế, cứ đến thời điểm này, ngư dân trong thôn đánh bắt hải sản ở vùng gần bờ thường trúng đậm. Tuy nhiên, so với mọi năm thì năm nay được mùa cá trích hơn cả.

"Vụ cá trích thường bắt đầu từ đầu tháng 2 và kết thúc vào tháng 5 âm lịch. Thế nhưng năm nay, vừa trung tuần tháng Giêng, cá trích đã xuất hiện rất nhiều ở vùng biển gần bờ.

Bình quân mỗi ngày, thuyền gia đình tôi đánh bắt được từ 2-3 tạ cá trích và bán ngay cho thương lái khi thuyền cập bờ, trừ chi phí nhiên liệu, nhân công vẫn còn một khoản tiền lời đáng kể" - ông Nam hồ hởi nói.

Không riêng gì các chủ tàu, được mùa cá khiến cho nhiều lao động gián tiếp phục vụ biển cũng được lợi. Bà Nguyễn Thị Nga làm công việc gỡ cá ở bến thuyền xã Quảng Ngư cho biết: "Được mùa cá khiến lao động chúng tôi ai cũng vui mừng. Chị em tôi có thêm công việc làm, mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, thêm thu nhập lo cuộc sống". 


Thùy Anh