dd/mm/yyyy

Than Uyên làm gì để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa tập trung?

Những năm gần đây, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã “gặt hái” được nhiều kết quả khả quan trong sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nằm ở cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu... nên những lợi thế về: đất đai rộng lớn, lao động dồi dào vẫn chưa được khai thác một cách có hiệu quả.

Trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi: "Làm gì và làm như thế nào để có thể thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa tập trung?"  huyện Than Uyên xác định: Cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...

Than Uyên làm gỉ để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa tập trung? - Ảnh 1.

Chăn nuôi trâu, bò là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Than Uyên.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Viêt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, cho biết: UBND huyện Than Uyên đã ban hành Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, giai đoạn 2016-2020, trong đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu thực hiện theo lộ trình cả giai đoạn và từng năm. Hàng năm, huyện giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện sản xuất nông nghiệp cụ thể đến các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Cái hay của huyện Than Uyên khi triển khai chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, đó là xác định được những cây, con chủ lực có thế mạnh trên địa bàn. 

Than Uyên làm gỉ để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa tập trung? - Ảnh 2.

Huyện Than Uyên đẩy mạnh hỗ trợ giống, kĩ thuật và nông cụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa phát triển.

"Than Uyên có 2 loại gạo đặc sản, đó là: Séng Cù và Tan Pỏm. 2 sản phẩm này được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng. Thời gian qua, huyện Than Uyên đã tập trung hỗ trợ và định hướng phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung gắn với việc tạo dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lúa Séng Cù tại các xã: Mường Cang, Hua Nà; Mường Than, Phúc Than; khôi phục và mở rộng diện tích gieo cấy giống nếp tan (Tan Pỏm) tại xã Tà Hừa. Các cây con có thế mạnh khác như: Chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng... cũng được huyện Than Uyên chú trọng hỗ trợ phát triển thành vùng sản xuất tập trung" – ông Thăng nhấn mạnh.

Trên cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên đã triển khai hỗ trợ người dân các xã, thị trấn đẩy mạnh sản xuất. Ngoài hỗ trợ cây, con giống, huyện Than Uyên còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, canh tác của người dân trên địa bàn. Được hỗ trợ giống và được tham gia các lớp tập huấn, người dân các xã, thị trấn của huyện Than Uyên mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất.

Than Uyên làm gỉ để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa tập trung? - Ảnh 3.

Trên địa bàn huyện Than Uyên đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.

Trên địa bàn huyện Than Uyên cũng từ đó mà dần hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, phát triển vùng chè... Huyện cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm "Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên". Sản phẩm này đã được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, thì việc thực hiện thành công các chương trình dự án, ngoài đem lại hiệu quả trực tiếp, còn có tác dụng khích lệ người dân triển khai mở rộng diện tích, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, vùng chăn nuôi lợn, thủy cầm, thủy sản (cá lồng) với quy mô tập trung sản xuất hàng hóa nông hộ, gia trại và trang trại.

Với hướng đi đúng đắn, sản xuất nông nghiệp của huyện Than Uyên đã có nhiều bước tiến quan trọng. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp như trước, người dân các xã, thị trấn của huyện Than Uyên đã quan tâm hơn tới việc đầu tư sản xuất thâm canh, tăng vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng các loại. Đời sống, thu nhập của người dân trong huyện cũng nhờ đó mà không ngừng cải thiện và nâng cao.

 

Thanh Ngân