"Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà" khẳng định vị thế, nâng giá trị cây chè vươn tầm quốc tế

Hà Thanh - Kiều Hải

21/05/2025 08:00 GMT +7

Sáng 20/5, diễn đàn “Thái Nguyên – Trăm năm đệ nhất danh trà” đã khai mạc tại không gian Văn hóa trà, HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Sự kiện này là dấu mốc kỷ niệm 5 năm Ngày trà thế giới (21/5/2020 - 21/5/2025), đồng thời khẳng định vị thế của chè Thái Nguyên trong lòng người Việt và khát vọng vươn tầm quốc tế.

Diễn đàn tầm vóc quốc gia, hướng tới tương lai bền vững

Chương trình do Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên và HTX chè Hảo Đạt phối hợp tổ chức thực hiện. Diễn đàn là một phần quan trọng của hành trình "Trà Việt - Văn hóa và di sản", thuộc dự án "Tôi yêu văn hóa du lịch Việt Nam". Mục tiêu chính là tôn vinh di sản chè Thái Nguyên nói riêng và văn hóa trà Việt nói chung, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa trà và định hướng phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; các hiệp hội, HTX, nhà trà; các doanh nghiệp, nghệ nhân sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Diễn đàn tập trung vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trà; chính sách hỗ trợ phát triển, thách thức và cơ hội phát triển thương hiệu; vai trò của cộng đồng trong du lịch văn hóa trà và hành trình "100 năm chè Tân Cương Thái Nguyên". Đây là những nội dung cốt lõi, hứa hẹn mang lại những giải pháp thiết thực cho ngành chè.

Tại diễn đàn đã đề ra nhiều giải pháp toàn diện nhằm phát triển ngành chè và xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên từ chuẩn hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Khuyến khích các sản phẩm trà đạo, trà dược, trà sữa, trà túi lọc. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và hợp tác quốc tế để đưa chè Thái Nguyên ra thị trường thế giới là những định hướng then chốt.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Đỗ Ngọc Văn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương trong hành trình "trăm năm đệ nhất danh trà".

TS. Đỗ Ngọc Văn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: H.T

Chè Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, mà còn là biểu tượng văn hóa, kinh tế và tinh thần của vùng đất này. Từ lâu, chè Thái Nguyên đã khẳng định được chất lượng vượt trội với hương cốm, vị chát dịu và hậu ngọt sâu lắng.

"Diễn đàn hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại hành trình 100 năm đầy tự hào; thảo luận về giá trị văn hóa, kinh tế và định hướng phát triển bền vững cho chè Thái Nguyên", đại diện Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội nhấn mạnh. Sự kiện này là minh chứng cho tình yêu, sự gắn bó và trách nhiệm đối với cây chè Thái Nguyên, một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Qua đó, TS. Đỗ Ngọc Văn kêu gọi sự chung tay của toàn thể cộng đồng để bảo tồn, phát triển và lan tỏa giá trị của chè Thái Nguyên ra thế giới.

Trình diễn nghi thức pha và mời trà trong đời sống văn hóa người Việt. Ảnh: T.K

Trong phần tham luận, nhiều ý kiến quý báu đã được trình bày, mang đến những góc nhìn đa chiều về tương lai của ngành chè Thái Nguyên.

Theo đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã trình bày tham luận về định hướng và giải pháp phát triển ngành chè tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Tham luận nhấn mạnh việc tập trung vào quy hoạch vùng chè, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đặc biệt, cần đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến sâu và phát triển các sản phẩm đa dạng từ chè.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu "Chè Thái Nguyên" là nhiệm vụ cấp bách. Tham luận đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nâng cao chất lượng sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng là một trọng tâm. Về văn hóa, tham luận nhấn mạnh bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên, đặc biệt là vùng chè Tân Cương gắn với nâng cao giá trị cây chè.

Nhà nghiên cứu văn hóa trà và sưu tầm ấm cổ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên Mông Đông Vũ chia sẻ những câu truyện lịch sử về văn hóa trà. Ảnh: T.K

Đại diện HTX chè Hảo Đạt, một trong những đơn vị đồng phối hợp tổ chức, cũng có bài tham luận sâu sắc về "Sứ mệnh bảo tồn và phát triển thương hiệu chè Tân Cương". Bài tham luận khẳng định Tân Cương không chỉ là "thủ phủ của chè xanh Việt Nam" mà còn là biểu tượng văn hóa và niềm tự hào. Sứ mệnh đầu tiên là bảo tồn phương pháp canh tác và chế biến truyền thống, từ việc bảo tồn giống chè trung du đến duy trì canh tác hữu cơ, kỹ thuật hái và sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Tham luận cũng đề xuất việc chuẩn hóa chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn. Việc xây dựng thương hiệu gắn liền với truy xuất nguồn gốc, bao bì chuyên nghiệp, QR code minh bạch thông tin là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ, cũng được đề cập thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ chặt chẽ và quảng bá thương hiệu chuyên nghiệp qua hội chợ quốc tế, truyền thông số, du lịch trải nghiệm vùng chè.

Cuối cùng, HTX Chè Hảo Đạt nhấn mạnh rằng phát triển thương hiệu chè Tân Cương phải đi đôi với cải thiện thu nhập cho người trồng chè, khuyến khích thế hệ trẻ gắn bó với nghề và giữ gìn cảnh quan sinh thái.

Khát vọng đưa chè Thái Nguyên vươn tầm quốc tế

Phát biểu bế mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Cây chè không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là linh hồn của vùng đất, là nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chè Thái Nguyên đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. "Chính vì vậy, chúng tôi xin kêu gọi toàn thể cộng đồng, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp, từ trong nước đến quốc tế hãy cùng chung tay bảo tồn, phát triển và lan tỏa hơn nữa giá trị của chè Thái Nguyên ra thế giới”.

Bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: H.T

Thông qua diễn đàn là cơ hội tạo nguồn cảm hứng để cộng đồng yêu trà, các nghệ nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý cùng chung tay gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của cây chè Thái Nguyên. Để mỗi búp trà xanh là một sứ giả văn hóa, mỗi chén trà là một câu chuyện truyền cảm hứng, kết nối con người với con người, quê hương với bạn bè năm châu.

Đề xuất chuyển văn phòng đăng ký đất đai từ cấp huyện về xã hoặc liên xã

Đề xuất chuyển văn phòng đăng ký đất đai từ cấp huyện về xã hoặc liên xã

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất sắp xếp lại hệ thống văn phòng đăng ký đất đai, chuyển từ cấp huyện về đặt tại cấp xã hoặc liên xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.