Mường Nhé vượt khó, tăng thu
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Đạt, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Mường Nhé cho biết: "Mường Nhé là huyện khó khăn nhất cả nước, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp xây dựng. Vì thế nguồn ngân sách trên địa bàn rất thấp". Để tăng nguồn thu cho huyện, Phòng Tài chính – Kế hoạch đã tham mưu cho UBND huyện nhiều giải pháp, để đảm bảo thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh và HĐND huyện giao.
Trong nhiều giải pháp tham mưu cho huyện, ông Nguyễn Khánh Đạt, cho biết: Trên cơ sở dự toán ngân sách được HĐND huyện thông qua, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu UBND huyện giao và công bố công khai dự toán ngân sách chi tiết từng loại, khoản, mục đến từng đơn vị thu, đơn vị thụ hưởng; từng xã, thị trấn để các đơn vị, các xã, thị trấn chủ động với nguồn ngân sách trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó, thực hiện đầy đủ trình tự lập và phân bổ dự toán, thực hiện thu sát với thực tế và thực hiện điều chỉnh dự toán kịp thời, phù hợp với nhiệm vụ được giao. Thực hiện xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương kịp thời, đúng thời gian quy định, bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tổ chức thực hiện thu chi ngân sách địa phương hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch.
Phòng Tài chính – Kế hoạch cũng tham mưu kịp thời cho UBND huyện cũng chủ động đánh giá tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn. Để UBND huyện chỉ đạo kịp thời và tổ chức thu đúng, đủ các khoản phát sinh. Dự báo sát với thực tế về khả năng thu ngân sách hàng tháng, hàng quý để điều hành ngân sách đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối các nguồn thu. Đối với nguồn thu từ đất, đơn vị xác định đây là nguồn thu không ổn định vì thế đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức triển khai hiệu quả việc rà soát chuyển đổi mục đích sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Theo ông Nguyễn Khánh Đạt, do có sự tham mưu cho UBND huyện, nên việc thu ngân sách địa phương trên địa bàn huyện trong những năm qua đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2022, tỉnh giao Mường Nhé thu 8 tỷ, HĐND huyện giao thu 12 tỷ, hết năm 2022 thu ngân sách địa phương của huyện đạt trên 13 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh giao thu 12 tỷ, HĐND huyện giao thu 15 tỷ, đến hết tháng 11, toàn huyện đã thu ngân sách được trên 15 tỷ đồng.
Các đơn vị của Mường Nhé chi đúng, đảm bảo tiết kiệm
Thực hiện đúng theo nguyên tắc điều hành NSNN là bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí nên trong công tác chi thường xuyên, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuân thủ quy chế chi tiêu nội bộ đã xây dựng trên cơ sở cân đối kinh phí được giao, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng luật. Sắp xếp các nhiệm vụ chi phù hợp, trong đó, ưu tiên các khoản lương và chế độ của cán bộ, công chức, viên chức. Huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao quản lý các nguồn vốn sự nghiệp như: nông nghiệp, giao thông, thủy lợi... và các nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia… phải sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo nguồn vốn đã được bố trí trong năm. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu tổ chức thực hiện cấp phát các chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách kịp thời theo quy định, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Khánh Đạt chia sẻ, huyện kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn đối với chủ đầu tư giải ngân chậm so với kế hoạch của huyện cũng như các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Do đó, góp phần nâng cao tính chủ động, không để chậm trễ trong thực hiện quy trình, thủ tục thi công các công trình đã được ghi vốn của đơn vị chủ đầu tư. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác giải ngân, triển khai thực hiện nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm, điều chỉnh vốn đối với các chủ đầu tư, nhà thầu có năng lực kém.
Một giải pháp quan trọng nữa, huyện thực hiện tiết kiệm chi NSNN, tôn trọng kỷ luật tài chính bởi nguồn lực kinh tế có giới hạn, nếu chi NSNN gia tăng sẽ làm tăng gánh nặng nợ và thuế cho nền kinh tế trong tương lai. Vì vậy, chi NSNN phải cân đối phù hợp với các ưu tiên dài hạn của địa phương, đảm bảo tính kỷ luật tài chính tổng thể cũng như tính tương hợp giữa ngân sách kế hoạch và ngân sách thực tế nhằm tối đa hóa phân bổ nguồn lực tài chính…