dd/mm/yyyy

Tăng sản lượng xuất khẩu nông sản vào "chợ" EU: Cần xác định rõ thị trường cần gì, người mua là ai

Việt Nam hiện đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Đây là thuận lợi lớn cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

EVFTA mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có mức cam kết cao nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể, sẽ có tới 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm, đặc biệt là đối với một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, nhân điều, rau quả nhiệt đới, ca cao, dầu cọ, đồ gỗ...

Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói..., góp phần đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để đẩy mạnh Xuất khẩu nông sản vào EU: Tuân thủ tiêu chuẩn, xây dựng được thương hiệu - Ảnh 1.

Xã Phước Bình (huyện Bác Ái) là địa phương đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận có vùng trồng bưởi da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Đức Cường

Theo đại diện Eurocham, người tiêu dùng EU có yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm phải nguyên vẹn, không có sâu bệnh, chịu được vận chuyển và xếp dỡ; có mức tồn dư hoá chất trong ngưỡng cho phép. Cần có chứng chỉ đảm bảo như GlobalGAP để vào các siêu thị EU, cùng đó là đạt được các tiêu chuẩn xã hội như GRASP, SMETA…

Sau hơn 3 năm có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã tạo sức bật cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thị trường Liên minh châu Âu (EU), nhất là đối với ngành hàng nông, lâm, thủy sản - những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU trong 10 tháng năm 2023 đạt 4,5 tỷ USD. Bên cạnh những mặt hàng nông, lâm, thủy sản phẩm truyền thống, như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, lâm sản hoặc thủy sản..., thời gian qua, gạo Việt Nam cũng khai thác tuyệt đối được những thuế quan ưu đãi từ EVFTA. 

Đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo thơm đã có mặt ở chuỗi siêu thị của Pháp; quả vải tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Séc và một số thị trường EU; cà phê Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU... Với những tín hiệu rất tích này, các chuyên gia nhận định, EVFTA đã và đang tạo một "xa lộ" cho nông sản Việt vào những thị trường khó tính bậc nhất thế giới. 

Ông Ywert Visser - thành viên Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Eurocham cho hay, nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Nhìn một cách tổng quát, những số liệu xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường lớn thuộc EU cho thấy sự yêu thích của người tiêu dùng EU đối với những mặt hàng này.

"Sự thành công có thể được xác định không chỉ thông qua số lượng sản phẩm đưa vào thị trường mà còn thông qua mức độ các sản phẩm này có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường... Tuy nhiên, Việt Nam đang tập trung phần lớn vào một số ngành hàng tiêu biểu như cà phê, hạt điều. Điều này sẽ là rủi ro nếu người tiêu dùng EU thay đổi thói quen tiêu dùng, ví dụ như giảm uống cà phê sẽ lập tức ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam" - ông Ywert Visser chia sẻ.

Yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm

Dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song nông sản Việt cũng đang phải đối mặt với những rào cản nhất định ở thị trường xuất khẩu lớn. 

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin: EU đưa ra nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL); các hoạt chất dược lý trong thực phẩm có nguồn gốc động vật; dư lượng kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm... Vấn đề kiểm soát nhập khẩu vào EU cũng rất nghiêm ngặt, yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và các tài liệu để bảo đảm rằng lô hàng đáp ứng các yêu cầu của EU, trong đó truy xuất nguồn gốc là bắt buộc với tất cả các sản phẩm.

"Thông thường tại EU, yêu cầu tiêu chuẩn của người mua thường cao hơn so với quy định luật pháp của EU. Do vậy để bán được sản phẩm, doanh nghiệp cần xác định được thị trường nào, người mua là ai, có những yêu cầu nào để thực hiện. Người mua châu Âu thường có những yêu cầu cụ thể, tùy thuộc vào kênh bán hàng và phân khúc sản phẩm của họ. Các yêu cầu phổ biến của người mua bao gồm chứng nhận GlobalGAP, tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường"- ông Nam cho biết thêm.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khi xuất khẩu gạo và châu Âu, việc khó nhất là xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta chỉ là một nhà xuất khẩu đơn thuần, tức là mua đi bán lại hoặc là có nhà máy mua lúa xay xát rồi bán thì gần như không thể xây dựng được thương hiệu. Tới thời điểm này, Việt Nam được đánh giá là nguồn cung cấp lúa gạo uy tín nhất thế giới, cho nên cần xây dựng thương hiệu quốc gia về lúa gạo, từ vùng trồng, giám sát, truy xuất nguồn gốc.

Đề cập đến việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho rằng, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho từng doanh nghiệp thì trước hết cần xây dựng được thương hiệu quốc gia. Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đưa ra các giải pháp để xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa tại thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phải xác định rằng, xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào hệ thống đại siêu thị tại châu Âu không phải là câu chuyện cho tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ dành cho những ai đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có chiến lược phát triển bài bản.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP VỚI VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM

Ngân Trang