Đa dạng hoá loại hình ở Tân Uyên
Trong quá trình phát triển kinh tế và phát huy lợi thế về giao thông, huyện Tân Uyên đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng... để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện tăng nhanh về số lượng và từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đi vào hoạt động từ cuối tháng 5/2022, Gara sửa chữa ôtô Minh Khôi của gia đình anh Hà Minh Chi, tổ dân phố 3, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Gần 10 năm đi sửa chữa ôtô thuê, anh Chi đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc sửa chữa máy móc. Các phụ tùng sửa chữa, thay thế cho khách đều được gia đình anh kết nối với các nhà sản xuất, phân phối có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Anh Chi tâm sự: Khi quyết định mở xưởng sửa chữa ôtô trên địa bàn thị trấn Tân Uyên, tôi đã đã tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, nhận định có thể mở gara ô tô, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư thực hiện.
Hoạt động từ năm 2014 đến nay, xưởng sản xuất đồ gỗ Toàn Ngọc (Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và Nông, lâm sản Toàn Ngọc) bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện xưởng nhập các loại gỗ thông, keo về chế biến thô thành các sản phẩm: giát giường, cốp pha, khung cột nhà sàn bán cho khách hàng ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Điện Biên. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xưởng cũng được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên kinh doanh thuận lợi, mỗi năm xưởng xuất bán hàng nghìn sản phẩm, doanh thu 1 tỷ đồng/tháng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay huyện Tân Uyên có 372 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng có thể kể đến như thuốc tân dược, chế biến nông sản động vật, kinh doanh bánh kẹo, bia nước ngọt, cung cấp dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, gas, xăng dầu, viễn thông, vận chuyển hàng hóa... nhờ đó tạo được nhiều việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.
Chính quyền Tân Uyên đồng hành cùng người dân
Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về các loại hình, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các bản vùng sâu, vùng xa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của bà con trong huyện.
Thời gian gần đây, Dự án Chợ trung tâm thị trấn Tân Uyên được đầu tư xây dựng mới, dự kiến quý IV/2022 sẽ hoàn chỉnh đưa vào hoạt động. Với vị trí đắc địa, Chợ trung tâm thị trấn Tân Uyên sẽ là nơi buôn bán tập trung và thu hút các tiểu thương, người dân đến trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, các căn nhà phố thương mại xây dựng hiện đại, tạo nên khu kinh doanh quy mô lớn, lợi ích đa dạng vừa để kinh doanh, vừa để sử dụng vào mục đích ở. Hạ tầng đồng bộ; hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đảm bảo; khuôn viên kinh doanh vỉa hè an toàn văn minh. Các dịch vụ phục vụ tận nhà của các mặt hàng ăn uống, tiêu dùng trên địa bàn huyện phát triển ngày càng mạnh.
Sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, dịch vụ đã thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ của huyện Tân Uyên tăng qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của lĩnh vực này đạt từ 13- 15%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng địa phương năm 2021 đạt 3,5 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 142.878 triệu đồng, đạt 40,9% kế hoạch năm 2022. Giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 0,69 triệu USD.
Chia sẻ với phóng viên báo Trang trại Việt Điện tử , ông Lê Thanh Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) nói: Để có được kết quả nổi bật về phát triển thương mại, dịch vụ là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và đồng thuận của người dân cùng với những chủ trương đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Do đó, thương mại, dịch vụ của huyện đã từng bước vượt qua khó khăn và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Tân Uyên sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát triển ổn định. Đồng thời, khai thác thông tin, xúc tiến công tác tìm kiếm và phát triển thị trường ra các vùng phụ cận; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa. Từ đó, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo đúng hướng tăng dần về tỷ trọng công nghiệp - thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân.