dd/mm/yyyy

Sự thực về vaccine dịch tả lợn châu Phi được rao bán công khai: Ai đã tuồn vaccine ra cho dân bán? (Bài 1)

Mới đây, Bộ NNPTNT đã tổ chức công bố và công nhận lưu hành chính thức cho sản phẩm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của Công ty CP thuốc thú y Trung ương Navetco. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã ngang nhiên quảng cáo, rao bán ăn theo các loại vaccine phòng chống DTLCP chưa được công nhận, không rõ nguồn gốc.

Nắm bắt được nguồn tin này, PV Báo điện tử Dân Việt đã trực tiếp vào cuộc tìm hiểu để làm rõ sự thực về các loại vaccine phòng DTLCP đang được rao bán công khai, tràn lan hiện nay.

Xuất phát từ những nguồn tin như thế, không khó để chúng tôi tiếp cận với những lời chào mời mưa vaccine DTLCP không rõ nguồn gốc. Chỉ cần giới thiệu là chủ trang trại chăn nuôi lợn cần tìm mua vaccine, chúng tôi được nhiều chủ cửa hàng, đại lý, nhân viên kinh doanh thuốc thú y mời chào hàng rất nhiệt tình, kèm theo cam kết công dụng vaccine lạ này có hiệu quả phòng DTLCP lên đến trên 95%.

Ngang rao bán vaccine dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thanh T. chủ cửa hàng bán thuốc thú y, vật tư nông nghiệp ở huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, nếu khách hàng muốn mua vaccine dịch tả lợn châu Phi phải đặt trước số lượng, khoảng 3 ngày sẽ có hàng chuyển về. Ảnh: HĐ

Không có vaccine Nhà nước nhưng có... hàng ngoài

Vào đầu tháng 7, chúng tôi tình cờ tìm đến một cửa hàng thuốc thú y nằm sâu trong phố Hậu Bành, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín (Hà Nội) mua vaccine DTLCP.

Thấy có khách lạ hỏi mua vaccine DTLCP, chị Nguyễn Thanh T., chủ cửa hàng tỏ ra khá lúng túng. Sau một hồi thăm dò thông tin, kiểm chứng địa chỉ chăn nuôi, bà T. bắt đầu tin tưởng và hỏi khách số lượng vật nuôi, lượng hàng cần mua.

"Vaccine DTLCP của nhà nước chưa có nhưng em có hàng ngoài, nếu anh muốn mua thì phải đặt trước với giá 700.000 đồng/lọ 20ml"- chủ cửa hàng này vừa giới thiệu vừa thấy khách gật đầu, liền bấm điện thoại gọi cho một người phụ (theo giới thiệu là nguồn cung hàng vaccine DTLCP).

Kết thúc cuộc gọi, bà T. khẳng định với chúng tôi: "Do là vaccine tươi, cần bảo quản đặc biệt nên cửa hàng không có sẵn nhưng nếu khách cần phải đặt trước số lượng khoảng 3 ngày sẽ có hàng về, có thể đến nhận và đem về tiêm ngay cho lợn".

Khi được chúng tôi truy về nguồn gốc sản phẩm, bà Thảo cho biết, vaccine DTLCP là do một cơ sở trên địa bàn Hà Nội sản xuất. "Do chưa được công nhận và lưu hành, nên khách có nhu cầu thì cứ bán thôi", bà T. tiết lộ.

Theo bà T., để vaccine khi tiêm đạt hiệu quả cao, mỗi lọ 20ml nhưng chỉ dùng tiêm cho 10 con lợn, mỗi tiêm 1ml vaccine vào bắp sau của lợn con sau khi tách mẹ, tiêm sau 35 ngày phải tiêm nhắc lại. Cân nhắc khi tiêm vaccine cho lợn đực và nái chửa.

"Đàn lợn trong chuồng phải khỏe mạnh mới tiêm được. Nếu vật nuôi có dấu hiệu đã bị nhiễm DTLCP, các trại không được tiêm, nếu có tiêm cũng không hiệu quả, lợn vẫn sẽ chết dịch", vừa nói, bà T. vừa giải thích như một chuyên gia.

Ngang rao bán vaccine dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thanh T. chủ cửa hàng bán thuốc thu y, vật tư nông nghiệp ở huyện Thường Tín (Hà Nội) và bà Dương Kim N., đại lý kinh doanh thuốc thú y chăn nuôi thủy sản Chức Nhung tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội) rao bán cho chúng tôi loại được cho là vaccine dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: NVCC

Tiếp chúng tôi tại đại lý kinh doanh thuốc thú y chăn nuôi thủy sản Chức Nhung tại phố chợ Tía, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội), bà Dương Kim N., chủ đại lý cho biết, đại lý cũng giới thiệu cho chúng tôi mua loại sản phẩm giống như hàng của cửa hàng bà Nguyễn Thanh T. ở xã Nghiêm Xuyên. Tuy nhiên, giá sản phẩm có phần thấp hơn.

"Nếu muốn mua vaccine của nhà nước, thì phải đăng ký với trạm và Chi cục Chăn nuôi, thú y thành phố và chờ chưa biết bao giờ mới có. Tuy nhiên, nếu khách cần hàng ngay thì chúng tôi vẫn có một loại vaccine ngoài. Hàng này chưa được phép bán nên đại lý vẫn chỉ bán cho khách có nhu cầu với giá khoảng 650.000 đồng/lọ 20ml", bà N. bộc bạch.

Để trấn an khách, bà N. khẳng định, đại lý của bà đã bán nhiều sản phẩm cho các trại, hộ chăn nuôi sử dụng mang lại hiệu quả tốt. "Các trang trại lớn hàng nghìn con không dám mua dùng nhưng các trại nhỏ vẫn mua dùng vẫn được. Khách muốn mua phải đặt trước mới có", chủ đại lý Chức Nhung quả quyết.

Sự thực về vaccine đang được nghiên cứu

Ngỏ ý muốn mua số lượng lớn vaccine, chúng tôi được bà Nhung giới thiệu cho đầu mối được cho là chuyên phân phối hàng vaccine cấp trên. Trao đổi với PV Dân Việt, người đàn ông (có số điện thoại: 096369xxxx) giới thiệu tên là Bình hiện đang làm việc tại phòng kinh doanh của một công ty về thuốc thú ý I. (có trụ sở tại tỉnh Hưng Yên), chuyên phân phối vaccine DTLCP của một cơ sở trên địa bàn Hà Nội sản xuất.

Ngang rao bán vaccine dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thanh T., chủ cửa hàng bán thuốc thu y, vật tư nông nghiệp ở huyện Thường Tín (Hà Nội) gửi ảnh sản phẩm được cho là "vaccine dịch tả lợn châu Phi" với giá sỉ khoảng 680.000 đồng/liều tiêm10 con lợn. Ảnh: Chụp lại màn hình

"Hàng (vaccine) ra vào thứ 2 và thứ 7 hàng tuần. Do là vaccine tươi nhược độc do các chuyên gia nuôi cấy, pha sẵn rồi, khi mua về mình chỉ việc tiêm và hàng không sử dụng được lâu, chỉ khoảng 5 ngày. Khi có khách đặt, chúng em mới báo chuyển giao nên hàng không có sẵn", Bình nói và khẳng định.

Tiếp đó, Bình cũng nói: "Em cũng phải nói rõ với anh, đây là hàng nghiên cứu của cơ sở đó và chưa được phép bán thương mại nhưng bọn em có nguồn hàng bán ra mấy tháng nay thấy khá ổn, an toàn. Chị N. (tức bà chủ đại lý Chúc Nhung) cũng lấy số lượng tương đối, em có những vùng, người ta nuôi 1.000 đến 2.000 lợn thịt tiêm thấy được lắm".

Bình tiết lộ thêm: Bên em đóng vaccine theo 2 liều 10 (tức 10 con 1 lọ) và 50 (50 con tiêm 1 lọ) ưu tiên cho lợn thịt ở cửa 24-28 ngày tuổi là tiêm được. Tất nhiên là lợn 40-50kg đến 70-80kg vẫn tiêm được, mỗi con 1c (1ml), bảo hộ rất tốt nhưng còn tùy thôi. Chúng em khuyến cáo tiêm cho lợn con, vì cái này bán giá hơi cao nên khi tiêm lợn to 70-80, người ta tiêm thấy rất tiếc. Nếu nơi nào đang nổ dịch, đưa vào để dập chúng em vẫn tư vấn nên tiêm. 

Thực tế có mấy nơi đang nổ dịch dai dẳng cả tháng, lợn chết nhiều nhưng khi em đưa vào tiêm giữ được 75% đàn. Đơn cử như trại của anh Tr ở xã Kim Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) nuôi 30 nái và 180 lợn thịt, khi đàn lợn bị dịch chết liên tục 1-2 con/ngày. Khi tiêm xong, về sau tính ra đàn lợn giữ lại được trên 73%, đến giờ chủ trại đã tiêm mũi 2, đàn lợn sắp được bán...

Trước đây, các chuyên gia khuyến cáo, nếu các trại tiêm đủ 2 mũi sẽ đạt bảo hộ từ 93% đến 97% nhưng thời gian trải qua hơn 1 năm tiêm qua nhiều đời lợn thịt lại thấy rằng chỉ cần tiêm 1 mũi cũng sẽ đạt bảo hộ trên 80%.

Vaccine tiêm tốt nhất cho lợn từ 24 đến 28 ngày tuổi. Lợn nái tiêm trước khi lấy giống (thụ tinh) 21 ngày, nái chửa nên cân nhắc, các trại dính dịch có tiêm thì tiêm. Vì trước đây, chúng em đã thử nghiệm tiêm lợn nái gây ra hiện tượng sảy thai, lợn đực bị chết tinh khoảng 10 ngày.

Khi tôi hỏi, vì sao em chắc như vậy, Bình nói: "Ông L. là người có kinh nghiệm hơn 10 năm chuyên sâu về mảng vaccine bên Hàn Quốc, người làm ra vaccine này chia sẻ. Thời điểm 2019 ông L. về, khi cơ sở được giao làm vaccine DTLCP, không ai dám nhận cả. Vì mọi người không hiểu biết gì về con virus mới. Về sau chỉ có ông đứng ra nhận nghiên cứu và sau ra được chủng nhược độc

Từ tháng 5/2021, vaccine bắt đầu đưa ra tiêm thử nghiệm cho các trại, các trại đều đã bị đến đường cùng, nên chúng tôi bán thêm cho các trại để nâng quy mô đàn lên. Đúng ra đến tháng 6/2022, sẽ nghiệm thu đề tài và công bố nhưng các chuyên gia xin gia hạn thêm 1 năm sang khoảng tháng 6/2023 mới chính thức công bố và công bố quốc tế ngay".

Theo Bình, hiện trên thị trường có một loại vaccine tên MG chủng S của Trung Quốc, lúc đầu tuồn vào mình tiêm rất ổn định, kể cả ở bên Trung Quốc, nhưng đến 3-4 tháng sau lợn chết hàng loạt. "Hiện tại theo đường tiểu ngạch, loại vaccine này đã được tuồn vào Việt Nam, họ cũng rất lo ngại sau khi các loại vaccine đưa ra tiêm sẽ nổ thành đại dịch như năm 2019 nên muốn đưa loại vaccine chưa được công bố ra cho tiêm như là hướng cứu cánh cuối cùng cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Các chuyên gia cũng định hướng bán ra quốc tế, cả thế giới, chứ không chỉ bán ở Việt Nam. Hiện, có rất nhiều đơn vị ở nước ngoài xin liên kết thương mại hóa nhưng do nhiều lý do nên không làm được.

Khi được phóng viên đề cập đến trách nhiệm sau tiêm với các trại "sau khi tiêm, nếu các trại có xảy ra vấn đề gì thì có hỗ trợ không?", anh Bình từ chối và cho rằng: Đơn vị không có hỗ trợ vì hiện vẫn bán chui. Trên bao bì cũng chỉ ghi là chế phẩm phòng bệnh, không dám ghi là vaccine và không sử dụng cho mục đích thương mại.

Do trong phòng kinh doanh của em tại tập đoàn có bạn ở nên có nguồn vaccine rất tin tưởng mới bán được. Hiện, em đang phân phối vaccine ra khắp các tỉnh miền Bắc như Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên... với số lượng lên đến hàng vạn con lợn.

Đến nay, Bộ NNPTNT mới công bố và có quyết định công nhận lưu hành vaccine phòng chống DTLCP cho Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) với sản phẩm NAVET-ASFVAC. Hiện đã có Công ty NAVETCO công bố sản xuất thành công vaccine DTLCP có tên NAVET-ASFVAC.

Trên cơ sở đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin của Công ty NAVETCO theo quy định của Luật Thú y, Bộ NNPTNT chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận lưu hành đối với vắc xin của Công ty Navetco theo quy định; tổ chức giám sát chất lượng 10 lô vắc xin được sản xuất liên tiếp.

Bộ NNPTNT cũng tổ chức giám sát việc sử dụng vắc xin theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành vi rút vắc xin và đáp ứng miễn dịch bảo hộ. Giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vắc xin, Bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vắc xin ở phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, mới đây Cục Thú y đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT về việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin AVAC ASF LIVE (vacxin DTLCP nhược độc, đông khô) của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Đồng thời, tổ chức thẩm định giống virus vacxin và kiểm nghiệm 3 lô vacxin DTLCP của Công ty Dabaco.

Còn nữa







Trần Quang