dd/mm/yyyy

Sốt đất qua đi, nợ nần ở lại

Thị trường bất động sản qua đỉnh, dần lộ diện những nơi lao dốc mạnh nhất; 100 triệu đồng lướt cọc buôn đất chốt lãi sau một đêm, người khánh kiệt gánh nợ... là những thông tin nổi bật tuần qua.

Thị trường bất động sản qua đỉnh, lộ diện những nơi lao dốc mạnh nhất

Trong báo cáo thị trường bất động sản vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng "sốt" đất chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi "hạ nhiệt" sau khi chính quyền địa phương vào cuộc.

Dữ liệu mới nhất của batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, mức độ quan tâm về thị trường bất động sản sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021 đã có sự điều chỉnh trong tháng 4. Cụ thể, mức độ quan tâm toàn thị trường tháng 4/2021 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng trước đó.

Cũng theo báo cáo, mức độ quan tâm tháng 4/2021 có xu hướng giảm so với tháng trước với mức từ 10 - 34%, diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành. Song, mức giảm mạnh nhất diễn ra ở Hải Phòng (giảm 34%), sau đến Bắc Ninh (giảm 29%), Đà Nẵng (giảm 21%)... Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất "điên đảo".

Sốt đất qua đi, nợ nần ở lại - Ảnh 1.

Những nhà đầu cơ, môi giới kéo thành đám đông thời sốt đất đỉnh điểm.

100 triệu đồng 'lướt cọc' buôn đất chốt lãi sau một đêm

Chị Ngọc Linh (ở Hà Nội) kể được một môi giới chơi thân giới thiệu một dự án đất ven biển miền Trung ra hàng sau khi xem xét thị trường, dự án chị đã quyết định cọc thiện chí 10 triệu để giữ lô đẹp rồi xuống cọc chính thức 50 triệu đồng cho 1 lô đất.

Theo quy định của hợp đồng, 7 ngày sau khi xuống cọc, chị sẽ phải vào tiền đợt 1 lô đất này. Thế nhưng không như tính toán trong một tuần trước khi vào tiền đợt 1, chị không đẩy được hàng và cũng không xoay được tiền để vào đợt 1 nên cuối cùng chấp nhận mất 50 triệu tiền cọc.

Anh Trần Minh (Ninh Bình) cho biết, tháng 3 vừa qua, anh dốc vốn 100 triệu đồng  và vay thêm 100 triệu đồng nữa cùng bạn đặt cọc để "lướt sóng" 8 lô đất, 50 triệu đồng/lô ở dự án ven khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang.

Cơn sốt đất cũng đã dần hạ nhiệt. Gần một tháng trôi qua vẫn chưa tìm được khách để "đẩy" hàng, chưa tháo được hàng, có nghĩa nhà đầu tư phải đóng tiền theo tiến độ, nếu không sẽ phải mất cọc. Nếu quyết định theo tiếp, anh Minh phải vay thêm tiền. Tính đi tính lại, anh chấp nhận mất cọc 4 lô, tay trắng quay về "ôm nợ" 100 triệu đồng.

Sốt đất qua đi, nợ nần ở lại - Ảnh 2.

Lao theo sốt đất không chỉ là cuộc chơi của những người lắm tiền mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn chỉ một vài trăm triệu cũng tham gia (ảnh: VietnamNet)

 Treo băng rôn trong nhà đòi tiện ích, nửa đêm bị cắt điện

Chị Thư - chủ một căn hộ chung cư ở Hà Nội cho biết, có treo băng rôn ở cửa sổ với nội dung bán cắt lỗ và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện tiện ích. Chị đã treo băng rôn nhiều ngày nhưng đến chiều 12/5, có một người tự xưng là nhân viên kỹ thuật của ban quản lý tòa nhà đến vận động gia đình chị gỡ băng rôn. Chị không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư đàm phán với cư dân để giải quyết sự việc.

Đến 20h, khi gia đình chị Thư đang ăn cơm thì có nhân viên kỹ thuật và bảo vệ lên làm việc và thông báo sẽ cắt điện. Tuy nhiên, qua trao đổi, phía kỹ thuật cũng đi về và sang tòa B cắt điện hộ gia đình khác.

"Tưởng mọi chuyện đã qua, nhưng đến khoảng 23h40, cả nhà tôi đang ngủ thì mất điện. Lúc đầu, tôi tưởng là do sự cố, nhưng khi kiểm tra thì không phải. Các hộ gia đình xung quanh vẫn có điện, chỉ riêng nhà tôi mất" - chị Thư cho hay.

Sốt đất qua đi, nợ nần ở lại - Ảnh 3.

Cư dân treo băng rôn trong nhà cho biết bị dừng dịch vụ theo quy định hợp đồng.

 Giá thép tăng vọt không theo quy luật, Bộ Xây dựng ra loạt đề nghị "nóng"

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm. Biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời, hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương, nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Trước tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Vay tiền ngân hàng "ôm đất" khi sốt, nhà đầu tư "ôm bom"?

Cơn "sốt đất" đi qua, nhiều nhà đầu tư thắng đậm, nhưng không ít nhà đầu tư bị bỏ lại vì không "thoát được hàng". Đặc biệt, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao để "ôm đất" trong cơn sốt nhưng hiện chưa kịp thoát ra trước khi thị trường "xịt hơi".

Anh Nguyễn Thế Hưng - một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư đất nền ở Hà Nội - chia sẻ, thời điểm đầu năm 2021, thị trường bất động sản có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư. Đầu tiên là do dịch bệnh còn phức tạp, bất động sản vẫn là kênh đầu tư "ăn chắc", cộng với đó là yếu tố lãi suất ngân hàng thấp, lượng hàng bất động sản khan hiếm… khiến thị trường sôi động và "sốt đất" cục bộ ở một số nơi. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư, hay giới đầu cơ gặp khó vì "tham" đầu tư quá nhiều mà không cân đối được tài chính của mình.

"Không ít nhà đầu tư F0 non kinh nghiệm, hoặc ở các lĩnh vực khác vào bất động sản rất dễ là các đối tượng bị "sa lầy" trong cơn sốt nếu không biết tính toán rút lui khi thị trường lên đỉnh" - anh Hưng chia sẻ.



Nguyễn Khánh