Sốp Cộp trao cho người dân chìa khóa xây dựng nông thôn mới

Đinh Loan

07/04/2017 13:30 GMT +7

Cách TP Sơn La 137 cây số, song đường vào huyện Sốp Cộp đã trở nên dễ dàng hơn nhờ được trải nhựa bằng phẳng. Cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới

Người dân chủ động góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh TL 

Những đổi thay trên mảnh đất vùng biên

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Sốp Cộp Nguyễn Ngọc Tú cho biết, Sốp Cộp là huyện có vị trí đặc biệt khó khăn, nằm xa trung tâm kinh tế, văn hóa, xa tỉnh lỵ, với đường biên giới dài 120km giáp với huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng huyện Mường Ét và huyện Mường Son tỉnh Hua Phăn, Lào, đã tạo cho Sốp Cộp có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng. Tổng dân số toàn huyện 45.066 người, trong đó người nghèo là 17.643 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông khó khăn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn ảnh hưởng theo phong tục tập quán cũ. Thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu.

Tuy nhiên, nhờ triển khai quyết liệt chương trình xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn Sốp Cộp đã đổi thay. Các con đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa, giúp cho bà con đi lại thuận lợi; giao thương thông thoáng hơn tạo điều kiện cho các hộ làm kinh tế. Để đạt được kết quả này, đại diện lãnh đạo huyện cho biết, hạ tầng luôn được huyện ưu tiên, dành nhiều nguồn lực. Bởi đây là yếu tố quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Với kinh nghiệm, cách làm sáng tạo và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng NTM, Sốp Cộp đã nhận được sự ủng hộ của người dân trong việc huy động vốn, hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đúng kế hoạch, đưa Sốp Cộp ngày một đi lên.

Đồng thời, nhờ chương trình NTM nhiều hộ gia đình được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Một số điểm trường, trạm y tế được đầu tư xây mới khang trang hơn trước. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị dần được trẻ hóa. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần…

Và những trăn trở...

Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Nguyễn Ngọc Tú cho biết, huyện đang phấn đấu đến năm 2020 có 6 xã vùng thấp gồm các xã: Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang, Nậm Lạnh, Mường Lạn, Púng Bánh đạt bình quân 15 tiêu chí về xây dựng NTM. Bởi thực tế, sau một thời gian triển khai, lãnh đạo huyện nơi đây cũng nhận thức rõ, việc triển khai để các xã có thể đạt được 19 tiêu chí là không dễ.

Nguyên nhân chính là do xuất phát điểm của các xã còn thấp, sản xuất, thu nhập và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo cao.

Báo cáo của UBND huyện về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 5 năm vừa qua cũng chỉ rõ, có rất nhiều chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn huyện nhưng cơ chế lồng ghép đầu tư các chương trình với Chương trình xây dựng nông thôn mới còn lúng túng. Cụ thể các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn chưa thật sự tập trung và bám sát vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là việc hỗ trợ cho các xã điểm theo mục tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra.

Theo đó, để khắc phục những khó khăn hiện tại, đại diện lãnh đạo huyện cũng cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ tập trung nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, phù hợp với điều kiện từng địa bàn, hợp lòng dân. Chủ động lồng ghép, lựa chọn hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến trên diện rộng, tạo niềm tin vào Chương trình. Cụ thể, mỗi xã chọn 1 đến 2 sản phẩm chủ lực, tạo nông sản hàng hóa, tổ chức lại sản xuất theo hướng động viên các hộ sản xuất theo kiểu trang trại (quy mô lớn, chuồng trại chăn nôi tập trung, xa nơi ở), động viên những cá nhân sản xuất giỏi, có khả năng làm sáng lập viên thành lập hợp tác xã, mời gọi tạo điều kiện các doanh nghiệp liên kết thu mua, chế biến nông sản của hộ nông dân, HTX...

Hiện nay, huyện cũng đã xây dựng được thương hiệu gạo nếp Tan Hin, Tan Nhe. Gạo sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Đây cũng là hướng đi tốt giúp cho bà con gắn bó với nông nghiệp và việc phát triển kinh tế nơi đây bền vững hơn.