dd/mm/yyyy

Phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, giúp hội viên nông dân tăng thu nhập

Những năm qua, Hội Nông dân Sơn La đã làm tốt công tác hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên.

Clip: Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả

Mô hình kinh tế phát huy hiệu quả

Năm 2013, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được thành lập với 9 thành viên. Đây là mô hình kinh tế nông nghiệp đem lại thu nhập ổn định cho hội viên nông dân. Mục tiêu của HTX là sản xuất và xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX chia sẻ:  Các sản phẩm chính của HTX Bình Thuận, gồm: Chè kim tuyên, shan tuyết, chè lai F1, F2, 100% chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Dây chuyền sản xuất của HTX hiện đang có công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với khoảng 5 tấn chè khô thành phẩm. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô xuất ra thị trường.

Phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 2.

HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (Thuận Châu, Sơn La) được thành lập năm 2013 với với 9 thành viên. Ảnh: Văn Ngọc

Cuối năm 2019, sản phẩm chè Phổng Lái, Thuận Châu của HTX đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Năm 2019, HTX được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu" là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

"Sản phẩm chè của HTX được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm chè của HTX được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi", bà Bình nói.

Phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 3.

HTX Bình Thuận đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân qua đó giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX Bình Thuận đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng.

Khi HTX mở rộng liên kết trồng chè đã giúp người dân sản xuất ổn định, giảm hẳn việc khai thác rừng trái phép; 100% các hộ dân được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, kiến thức về sử dụng phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu theo nguyên tắc IPM đặc biệt trong sản xuất bền vững không sử dụng thuốc diệt cỏ. Do vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người trồng chè là một tiêu chí sản xuất chè bền vững khi tham gia liên kết với HTX Bình Thuận.

Anh Nguyễn Đức Quân, bản Tiến Hưng, xã Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) chia sẻ: Gia đình tôi canh tác hơn 2 ha chè. Trước kia khi chưa liên kết với HTX Bình Thuận, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác, cũng như tiêu thụ sản phẩm chè tươi. Từ khi liên kết với HTX, được hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cây chè, nhờ vậy sản lượng chè của gia đình được nâng cao. Đặc biết là việc liên kết với HTX, gia đình tôi không phải lo về đầu ra cho sản phẩm nữa, làm được bao nhiêu, HTX sẽ thu mua toàn bộ, gia đình tôi chỉ yên tâm sản xuất chè sạch, an toàn.

Phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 4.

Sản phẩm chè Phổng Lái, Thuận Châu của HTX đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển các mô hình kinh tế đem lại thu nhập cho hội viên

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với trình độ sản xuất và nhận thức của nông dân ở mỗi địa phương. Quan tâm xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp làm cơ sở, tiền đề để vận động phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Hội Nông dân tỉnh tiếp tục làm tốt việc khảo sát, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của nông dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án giúp nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực HTX. Những đổi mới trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp góp phần quan trọng vào phát huy vai trò chủ thể của nông dân, thúc đẩy liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tạo ra năng suất và hiệu quả cao, nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến cho xuất khẩu, góp phần.

Phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 5.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho nông dân, tạo ra sức lan tỏa đến các vùng nông thôn. Ảnh: Văn Ngọc

Trong những năm qua, Hội Nông dân Sơn La đã hỗ trợ xây dựng 7 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn chất lượng Vietgap: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học quy mô 10.000 con tại huyện Mộc Châu; Mô hình trồng rau an toàn trái vụ quy mô 10ha tại huyện Yên Châu; Mô hình thâm canh cải tạo giống mận hậu theo tiêu chuẩn VietGap gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 10 ha tại thành phố Sơn La và huyện Thuận Châu;  Mô hình thâm canh cải tạo giống nhãn theo tiêu chuẩn VietGap gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 10 ha tại huyện Mai Sơn; Mô hình thâm canh cải tạo giống xoài theo tiêu chuẩn VietGap gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 10 ha tại huyện Yên Châu; Mô hình trồng mới 1 số giống cam rải vụ theo tiêu chuẩn VietGap gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 5 ha tại huyện Sông Mã; Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học quy mô 134 con tại thành phố Sơn La.

Phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 6.

Nhờ những hỗ trợ từ Hội Nông dân, nhiều mô hình kinh tế đã đem lại thu nhập cao cho hội viên nông dân. Ảnh: Văn Ngọc

Năm 2021 tôn vinh 12 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu: Giai đoạn 2018 – 2022 Sơn La có 05 nông dân SXKD giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc"; 03 "Nhà khoa học của nhà nông". Đã tổ chức 24 lớp tập huấn về kinh tế tập thể cho 860 lượt hội viên nông dân; 05 Hội nghị tư vấn thành lập HTX, tập huấn nghiệp vụ quản lý Hợp tác xã cho 240 sáng lập viên; tư vấn, hướng dẫn, thành lập mới 42 Hợp tác xã và 109 Tổ hợp tác.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh