dd/mm/yyyy

Du lịch nông nghiệp: Nông dân thu hàng trăm triệu/năm từ cây sen (Bài 1)

Từ năm 2021 đến nay, hồ sen Mó Tu của anh nông dân ở bản Giáo 1, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) được nhiều người biết đến vì là điểm chụp ảnh vào mùa sen nở.

Clip: Hồ sen Mó Tu xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La)

Anh nông dân dám nghĩ, dám làm

Hồ Mó Tu ở bản Giáo 1, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) cách thị trấn Phù Yên khoảng 3km, hồ được tạo bởi hai mó nước của bản chảy từ trong núi ra quanh năm mát mẻ, không bao giờ cạn; hồ có có lợi thế nằm gần khu dân cư và cánh đồng lúa, rất thuận lợi để phát triển vào mục đích kinh doanh dịch vụ ngoạn cảnh, thư giãn.

Đón tiếp chúng tôi trong chiếc chòi mái lá cọ được dựng nổi giữa hồ sen đang thời kỳ nở rộ rực rỡ, thơm ngát, anh nông dân Hoàng Văn Tân, sinh năm 1981 ở bản Giáo 1, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La), chủ mô hình hồ sen Mó Tu chia sẻ: "Trước đây tôi từng học Đại học kiến trúc, ra trường năm 2007, tôi đã thử sức trong lĩnh vực xây dựng 13 năm tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do công việc thường xuyên phải di chuyển từ Nam ra Bắc nên tôi thấy nhiều nơi người dân tận dụng lợi thế của địa phương để khai thác du lịch sinh thái hiệu quả. Khi về quê, nhận thấy tiềm năng hồ Mó Tu có thể khai thác du lịch tại phương nên tôi đã quyết định thầu lại toàn bộ khu hồ với diện tích 1,1 ha để đầu tư dịch vụ du lịch".

Du lịch nông nghiệp: Nông dân thu hàng trăm triệu/năm từ cây sen (Bài 1) - Ảnh 2.

Khu hồ với diện tích 1,1 ha, sau khi được nhận khoán, anh Hoàng Văn Tân, bản Giáo 1, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để cải tạo hồ. Ảnh: Nguyễn Vinh

Được sự ủng hộ của gia đình, anh Tân nghiên cứu thực tế nhiều mô hình trồng sen làm dịch vụ tham quan du lịch, chụp ảnh ở một số tỉnh, thành trong cả nước, đối chiếu với đặc điểm của hồ Mó Tu và điều kiện của mình rồi lập dự án khởi nghiệp với mô hình trồng sen để khai thác dịch vụ chụp ảnh.

Năm 2021, sau khi được nhận khoán hồ Mó Tu, anh Tân đầu tư trên 700 triệu đồng vệ sinh, cải tạo lòng hồ, cảnh quan môi trường, trồng 6.000 m2 sen, làm cầu tre xung quanh hồ với chiều dài gần 400m. Khởi đầu công việc nào lúc đầu cũng không bao giờ là dễ dàng, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì nhiều yếu tố như sen bị cháy lá do thời tiết, sâu bệnh phá hoại, thiếu vốn, thiếu nhân lực... Nhưng với quyết tâm thực hiện ước mơ phát triển du lịch sinh thái trên chính quê hương mình, anh Tân đã cùng với vợ xây dựng xong mô hình và đưa vào khai thác ngay trong năm 2021.

Khi bắt đầu khai thác dịch vụ cũng là năm dịch Covid-19 bùng phát nên ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu. Năm 2021-2022, thu nhập từ dịch vụ chụp ảnh, thuê trang phục chụp ảnh, bán các sản phẩm từ sen, gia đình anh Tân chỉ thu được hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân thu hàng trăm triệu/năm từ cây sen (Bài 1) - Ảnh 3.

Đóa sen hồng, biểu tượng của vẻ đẹp và sự thanh cao. Từ khu đầm lầy, hoa sen mọc lên với sự tinh tế và hoàn hảo, tạo nên một cảnh quan của thiên nhiên đầy thú vị. Ảnh: Nguyễn Vinh

Mô hình trồng cây sen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho anh nông dân

Năm 2023, anh Tân tiếp tục đầu tư thêm cầu tre bao quanh ao sen, tạo thêm nhiều tiểu cảnh đơn giản, mang đậm chất truyền thống như lối đi bằng tre, bàn trà, bình gốm, biển chek in, trồng thêm các loại hoa theo mùa xung quanh hồ sen để du khách có nhiều góc ảnh đẹp, cho bức ảnh thêm phần sinh động nhưng vẫn nên thơ, trữ tình. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua, anh Tân đã tổ chức "Lễ hội hoa sen Mó Tu" thu hút hàng trăm lượt khách/ngày đến thăm quan hồ sen, chụp ảnh...

Du lịch nông nghiệp: Nông dân thu hàng trăm triệu/năm từ cây sen (Bài 1) - Ảnh 4.

Tranh thủ thời tiết nắng đẹp cùng với ngày cuối tuần, rất đông chị em phụ nữ và các bạn trẻ tranh thủ đến chụp hình cùng với sen, lưu lại những khoảnh khắc đẹp của mùa sen. Ảnh: Hưng Hí Hửng

Tranh thủ thời tiết nắng đẹp cùng với ngày cuối tuần, rất đông chị em phụ nữ và các bạn trẻ tranh thủ đến chụp hình cùng với sen, lưu lại những khoảnh khắc đẹp của mùa sen. Chị Đỗ Thị Thu Hằng, tiểu khu 4, thị trấn Phù Yên (Phù Yên, Sơn La) cho biết: "tôi đã nghe nói đến hồ sen Mó Tu rất đẹp nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến đây để chụp ảnh. Tôi thấy cảnh sắc thiên nhiên nơi đây rất đẹp, rất hoang sơ, hồ sen hoa nở rực rỡ, không khí trong lành, mát mẻ".

Không ngại thời tiết nắng nóng, đường sá xa xôi, chị Lò Thị Tâm ở bản Vạn, xã Tân Phong (Phù Yên, Sơn La) tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cùng bạn bè vào hồ sen Mó Tu chụp ảnh. Chị Tâm chia sẻ: "vào đây, tôi cảm thấy rất vui vì thấy hồ sen mang vẻ đẹp mộc mạc của đồng quê, hoa sen nở rực rỡ, tạo cho con người sự sảng khoái và thư giãn. Đây là thời điểm hoa sen nở đẹp nhất nên chúng tôi phải tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong mùa sen dù thời tiết nắng nóng".

Du lịch nông nghiệp: Nông dân thu hàng trăm triệu/năm từ cây sen (Bài 1) - Ảnh 5.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua, anh Tân đã tổ chức “Lễ hội hoa sen Mó Tu” thu hút hàng trăm lượt khách/ngày đến thăm quan hồ sen, chụp ảnh. Ảnh: Hưng Hí Hửng

Du khách đến chụp hoa sen, anh Tân thu 20.000 đồng/người, 100.000 đồng/1 bó hoa sen (nếu du khách có nhu cầu). Vì sen chỉ nở 1 vụ, mỗi vụ sen nở kéo dài khoảng hơn 3 tháng, từ tháng 5-7 dương lịch nên anh phải đa dạng hóa dịch vụ để có nguồn thu như: cho khách du lịch thuê áo dài, áo yếm, áo bà ba, áo cóm…, bán hoa sen cho khách chụp ảnh. Bình quân thu gần 2 triệu đồng/ngày từ dịch vụ chụp ảnh. Bên cạnh đó, anh Tân còn thu nhập từ việc hái hoa sen bán vào các ngày lễ, hái bát sen già lấy hạt, phơi lá sen khô bán cho du khách. Mùa hoa sen năm 2023, gia đình anh tân thu về gần 200 triệu đồng từ dịch vụ tham quan, chụp ảnh, cho thuê trang phục và bán các sản phẩm từ cây sen sau khi trừ chi phí.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân thu hàng trăm triệu/năm từ cây sen (Bài 1) - Ảnh 6.

Các sản phẩn từ cây sen như: Hoa sen, lá sen khô, hạt sen... cũng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho anh nông dân Hoàng Văn Tân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Đinh Văn Thiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) cho biết: "Hội viên nông dân Hoàng Văn Tân là hội viên có sự năng nổ, dám nghĩ, dám làm... Mô hình trồng cây sen của anh không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đóng góp trong phát triển du lịch của huyện Phù Yên. Anh là tấm gương cho hội viên nông dân khác noi theo về tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng mới".

Hồ sen Mó Tu không những mang lại thu nhập cao cho gia đình anh nông dân Hoàng Văn Tân mà còn góp phần tạo cảnh quan môi trường. Đặc biệt, mô hình trồng sen kết hợp với dịch vụ tham quan, chụp ảnh,… đã mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế, mang lại nhiều lợi ích gia đình anh Tân. Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, anh nông dân Hoàng Văn Tân cho biết: "trong thời gian tới, tôi dự kiến sẽ trồng thêm hoa súng, hoa lục bình, một số loại cây, hoa phù hợp với đất sình lầy để phục vụ khách thăm quan, du lịch, chụp ảnh quanh năm, mở dịch vụ homestay để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách. Trước mắt, vào dịp tết Nguyên đán năm 2024, tôi sẽ đầu tư thêm một số điểm check in mang biểu tượng của tết, phong cảnh của mùa xuân, tổ chức thêm một số trò chơi dân gian phong phú, đa dạng để xây dựng thành điểm du lịch sinh thái thu hút du khách đến đây thăm quan, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và ẩm thực đồng quê, từ đó, gia đình có thêm thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương".


Nguyễn Vinh - Văn Ngọc