dd/mm/yyyy

TP.HCM hỗ trợ nông dân làm du lịch nông nghiệp

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025”. Đề án có mục tiêu chung là nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân.

Hưởng lợi từ đề án này là hội viên nông dân trên địa bàn TP.HCM trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động khởi nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Hỗ trợ nông dân làm du lịch nông nghiệp

Theo đề án, UBND TP.HCM xác định mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, ý nghĩa và vai trò của du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm đặc - trưng khu vực (sản phẩm OCOP). 

Bên cạnh đó, thành phố quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm chủ lực đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP, phát triển đa dạng chủng loại quà lưu niệm do chính nông dân làm ra trong việc kết hợp lồng ghép trong chương trình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái trên địa bàn.

Nâng đời sống nông dân bằng làm du lịch  - Ảnh 1.

Du khách, người dân tìm hiểu về thu hoạch mật dừa tại Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

"Phát triển du nông nghiệp, TP.HCM cần xây dựng những sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo và hấp dẫn; cung cấp do du khách trải nghiệm và kiến thức nông nghiệp địa phương...".

TS Phạm Thị Lý (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Hiệu quả về kinh tế là tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên nông dân so với sản xuất nông nghiệp truyền thống trước đây thông qua việc tạo những nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và thực hiện chương trình, chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế sản xuất nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, thành phố kích thích nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái, hình thành các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với các tuyến du lịch chính của thành phố.

Hiệu quả về xã hội, nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nông dân TP.HCM trong thực hiện chủ trương, chính sách, về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tích cực phát huy vai trò của Hội Nông dân thành phố trong xây dựng liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học và doanh nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Xây dựng sản phẩm du lịch đồng quê

Hiện, ngành du lịch TP.HCM đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp, như: Ẩm thực đồng quê, chuyên đề, nguồn cội, làng nghề, nhà vườn, sinh thái… ở các huyện nông thôn mới Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng nhu cầu khách tham quan, trải nghiệm ở khu vực nông thôn mỗi năm ước tính 20 - 30%. Trong năm 2020, lượt khách tham quan đến các điểm du lịch nông nghiệp đạt khoảng 1,8 triệu lượt.

Theo Trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND TP.HCM – ông Cao Thanh Bình, thành phố cần khắc phục những yếu kém tồn tại ảnh hưởng đến việc thu hút du khách liên quan đến các vấn đề, như: Cơ sở hạ tầng giao thông; bến bãi, công trình tiện ích, chất lượng nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách hỗ trợ, công tác quảng bá, tổ chức sự kiện gắn kết các hoạt động du lịch di sản vật thể và phi vật thể, qua đó từng bước hoàn thiện hơn nữa về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch di sản thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM... 

Trần Cửu Long