"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (Bài 1): Nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" từ trồng quế

Bình Minh Thứ tư, ngày 24/05/2023 15:15 PM (GMT+7)
Dù năm nay bước sang tuổi xưa nay hiếm - 100 tuổi nhưng cụ Triệu Mùi Pham, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai) vẫn minh mẫn, nhớ như in từng chi tiết về hành trình mang cây quế về Nậm Đét...
Bình luận 0
"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (Bài 1): Nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" từ trồng quế - Ảnh 1.

"Cánh chim đầu đàn" giúp dân Nậm Đét đổi đời

Sau khi thuê xe máy ở thị trấn Bắc Hà, vượt qua những con đường núi ngoằn ngoèo, tôi tìm về xã Nậm Đét - nơi được ví là "thủ phủ" trồng cây quế ở đất Lào Cai.

Hơn 1 giờ chạy xe, đặt chân đến trung tâm xã Nậm Đét, mùi hương thơm nhè nhẹ của cây quế bắt đầu luồn qua khứu giác, man mát, thoang thoảng dễ chịu làm những mệt mỏi tan biến.

Thoát nghèo ở Nậm Đét (bài 1): Nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" nhờ trồng quế  - Ảnh 1.

Cụ Triệu Mùi Pham kể với PV Dân Việt về hành trình đưa cây quế về Nậm Đét. Ảnh: Minh Ngọc

Trong hành trình tìm đến nhà cụ Triệu Mùi Pham tôi may mắn được anh Đặng Thừa Vảng, Chủ tịch Hội ND xã Nậm Đét dẫn đường và thật bất ngờ, anh Vảng là cháu ngoại của cụ.

Gửi xe máy ở trụ trở UBND xã, tôi nhảy tót lên xe của anh Vảng. Vị Chủ tịch Hội ND người Dao bảo, dù 100 tuổi nhưng cụ Pham vẫn minh mẫn, sinh hoạt hàng ngày cụ vẫn tự làm, chưa cần phải nhờ đến các con, các cháu.

Lúc tôi đến, trên tay cầm cây chổi, cụ Pham đang quét sân và nhận ra ngay đứa cháu ngoại Đặng Thừa Vảng. Anh Vảng rỉ vào tai tôi, cách đây 2-3 năm, sau một lần bị ngã nên mới phải dùng đến gậy.

Cụ Pham mời tôi vào nhà, cụ bị lãng tai nên tôi phải ghé sát cụ để hỏi. Khi nghe xong, cụ nói và nhớ như in từng chi tiết về những ngày đầu tiên mang cây quế về Nậm Đét.

Thoát nghèo ở Nậm Đét (bài 1): Nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" nhờ trồng quế  - Ảnh 2.

Dù đã 100 tuổi nhưng cụ Triệu Mùi Pham vẫn rất minh mẫn, sinh hoạt hàng ngày cụ vẫn tự làm. Ảnh: Bình Minh

Cụ Pham là nữ Bí thư chi bộ Đảng người dân tộc Dao đầu tiên của Huyện ủy Bắc Hà. Nhờ lãnh đạo chi bộ đạt “4 tốt” (lãnh đạo sản xuất tốt; lãnh đạo thực hiện chính sách pháp luật tốt; lãnh đạo công tác vận động quần chúng tốt; lãnh đạo công tác củng cố, phát triển Đảng tốt), cụ Pham đã vinh dự được về thủ đô Hà Nội gặp mặt và chụp ảnh chung với Bác Hồ tại “Đại hội Bí thư chi bộ miền núi giỏi” vào năm 1966. Chỉ vào tấm ảnh được đóng khung kính cẩn thận và treo trang trọng trong nhà, cụ Pham xúc động nói: “Đây là tấm ảnh tôi được chụp với Bác và các đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại hội nghị, Bác đã ân cần căn dặn tôi rằng là bí thư chi bộ miền núi tôi phải cố gắng làm thế nào cho đồng bào mình no cơm, ấm áo hơn nữa. Muốn như vậy thì phải tăng gia sản xuất”.

Cụ Pham cho biết, xã Nậm Đét chủ yếu là đồng bào Dao, Phù Lá, Mông… sinh sống. Trước đây, bà con chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là chặt, đốt rừng để trồng ngô và trồng lúa nương, năng suất rất thấp. Đời sống của bà con nghèo đói, thiếu thốn vô cùng. Là người đứng đầu xã Nậm Đét, cụ Pham đã trăn trở suy nghĩ tìm cách làm sao cho người dân “no cơm, ấm áo”.

Thoát nghèo ở Nậm Đét (bài 1): Nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" nhờ trồng quế  - Ảnh 3.

Đến xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai) không khó để bắt gặp những ngôi nhà khang trang, to đẹp. Ảnh: Bình Minh

Năm 1974, hay tin bà con ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã thoát nghèo nhờ trồng quế, cụ Pham cùng một số cán bộ xã lặn lội đến học hỏi. Rồi khi trở về, đoàn đã mang theo 200kg hạt giống và 20.000 cây con. Có giống và học được kỹ thuật, cụ Pham lại cùng các đảng viên khác lội bộ đến từng nhà vận động, hướng dẫn bà con cách trồng quế. 

Tháng 2/1975 những cây quế đầu tiên được trồng trên đất Nậm Đét. Cụ Pham bảo, do địa hình cao, đồi núi dốc nên việc cung cấp nước cho cây gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, mỗi ngày phải phải tưới nước hai lần. 

Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cây quế phát triển tốt ở đất Nậm Đét. Đến năm 1980, toàn xã có 144 ha quế.

Cụ Pham nhớ lại, từ năm 1986 - 1990, sản phẩm quế đầu tiên được thu hoạch, mang lại nguồn thu cho người trồng quế. Bà con phấn khởi. Từ năm 1990 đến nay, quế trở thành cây trồng chủ lực, nhằm xóa nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, diện tích không ngừng được mở rộng.

Cây quế góp phần xóa đói, giảm nghèo 

Nậm Đét là một trong những xã có diện tích trồng quế nhiều nhất nhì của huyện Bắc Hà. Theo ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét, trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển cây quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. 

Ông Phương chia sẻ với Dân Việt, Nậm Đét là xã miền núi xa xôi của huyện Bắc Hà. Người dân sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và nghèo đói. Xã có 529 hộ với 2.626 nhân khẩu. Nậm Đét có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ nhau trong 5 thôn, bản. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 7,2%, Phù Lá 13%, Kinh 0,2%, Dao 79,6%.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (bài 1): Gặp nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" nhờ trồng quế  - Ảnh 4.

Người dân xã Nậm Đét chở quế bán cho thương lái đang chờ sẵn. Ảnh: Bình Minh

Trước đây khó khăn là vậy, nhưng ông Phương phấn khởi chia sẻ: "Trong những năm gần đây, nghèo đói bị bỏ lại phía sau, từ một nơi trồng quế theo từng hộ gia đình, bán vỏ quế chất lượng thấp, giá rẻ cho những thương lái nhỏ lẻ, các hộ dân đã liên kết lại thành tổ nhóm, hợp tác xã để cùng sản xuất và kinh doanh quế hữu cơ giá trị cao, bán hàng theo thỏa thuận với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Chìa khóa của sự thành công ở đây chính là hình thành chuỗi giá trị quế hữu cơ. Nhờ đó, người dân có cuộc sống ấm no hơn, xây nhà to, mua xe máy, thậm chí có hộ mua cả ô tô".

Theo ông Phương, trong sản xuất lâm nghiệp, quế được xác định là cây trồng chủ lực, với diện tích gần 2.000 ha, trong đó, 1.297 ha quế hữu cơ, tổng thu từ cây quế ước đạt 62,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 40% theo chuẩn nghèo mới.

"Nhờ vào hiệu quả của việc hình thành chuỗi giá trị quế hữu cơ tại Nậm Đét mà giá quế đã liên tục tăng trong những năm qua. Xã Nậm Đét đã có điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Mặc dù là một xã miền núi vùng sâu của huyện Bắc Hà nhưng Nậm Đét hôm nay đã trở thành một xã thịnh vượng", ông Phương phấn khởi nói.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (bài 1): Gặp nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" nhờ trồng quế  - Ảnh 5.

Hiện, diện tích trồng quế của xã Nậm Đét gần 2.000 ha, trong đó, 1.297 ha quế hữu cơ, tổng thu từ cây quế ước đạt 62,8 tỷ đồng. Ảnh: Bình Minh

Với những lợi ích về kinh tế từ cây quế, trên địa bàn xã hiện nay đã không còn nhà tạm, dột nát; 83% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn. Nậm Đét được mệnh danh là “xã của những ngôi biệt thự” với 65-73% số hộ có nhà kiên cố, nhà tầng. Tất cả các hộ dân ở đây đều có xe máy, nhiều hộ có ô tô nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Khi mặt trời dần khuất bóng, đi trên những con đường bê tông bằng lì ở Nậm Đét, những chuyến xe máy nhộn nhịp, nối đuôi nhau chở đầy ắp vỏ quế chuyển đến khu trung tâm xã để thương lái từ Yến Bái đến thu mua. "Tiền tươi thóc thật", trên khuôn mặt của từng người đều rạng rỡ, tươi tắn, bỏ lại sau lưng những mệt mọi sau một ngày chui rừng bóc quế.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (Bài 1): Nguyên Bí thư Chi bộ 100 tuổi giúp bản làng "đổi đời" từ trồng quế - Ảnh 7.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem