dd/mm/yyyy

Sơn La nỗ lực chuyển đổi số

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, do vậy trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Sơn La đã gặp không ít khó khăn về hạ tầng số, con người…

Với quyết tâm vì sự phát triển bền vững, Sơn La đã quyết tâm triển khai, thực hiện tốt việc chuyển đổi số trên địa bàn, bước đầu đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La - Ảnh 1.

Khu trưng bày sản phẩm chuyển đổi số của VNPT. Ảnh: X.T.

Đồng thuận trong chuyển đổi số

Cách đây hơn 1 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 về chuyển đổi số của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, lấy ngày 10/10 hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyển đổi số. Sau đó, Sơn La đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện, đến tháng 9/2022, tỉnh Sơn La đã thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 8.966 thành viên. Trong đó, có 204 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã và 1.255 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp tổ, bản, tiểu khu ở 12 huyện, thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, tỉnh Sơn La đã tập trung phát huy vai trò của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn để triển khai mạng di động 4G đến tất cả các khu vực tại 12 huyện, thành phố. Trong đó, tập trung kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước kết nối từ Uỷ ban Nhân dân tỉnh đến các sở, ban, ngành, 12 huyện, thành phố. 

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La - Ảnh 2.

Sở Thông tin và Truyền thông Sơn La họp ký kết thoả thuận xoá bản trắng chưa có sóng băng rộng di động. Ảnh: X.T.

Ngoài ra, còn triển khai cho 157 xã kiểm thử phần mềm và liên thông dữ liệu về Cục Bưu điện; duy trì hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, như: Hội nghị trực tuyến 3 cấp từ tỉnh tới các huyện, xã, phường, thị trấn và các hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý văn bản, điều hành…

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La, cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông Sơn La đã tham mưu với Uỷ ban Nhân dân tỉnh tổ chức hội thảo chuyển đổi số thu hút số lượng lớn người tham gia từ tỉnh đến các huyện và các xã. 

Sở cũng đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tổ chức hội nghị trực tuyến tới 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh để bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng  và hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số... 

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La - Ảnh 3.

Nhân viên voso.vn tư vấn, hướng dẫn hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại. Ảnh: X.T.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Sơn La đã ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, góp phần đảm bảo việc trao đổi các văn bản điện tử được nhanh, thuận lợi, tiết kiệm thời gian trình ký, chi phí in sao và chuyển phát tài liệu.

Đến thời điểm này, Sơn La đã cấp 3.552 chữ ký số cá nhân và 758 chữ ký số của tổ chức. Trong đó, tỷ lệ văn bản trao đổi thông tin, công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Sơn La dưới dạng điện tử được triển khai đạt 100%. 

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến xã, kết nối với hệ thống dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện tỉnh để thực hiện tiếp nhận - trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích khi có nhu cầu...

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La - Ảnh 4.

Các sở, ngành của Sơn La đã triển khai việc giải quyết hồ sơ trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ảnh: X.T.

Bà Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La, cho biết: Quá trình Tỉnh đoàn Sơn La phát động đã đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đoàn viên, thanh niên từ tỉnh cho đến các cơ sở. Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng đoàn viên thanh niên trong việc phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử về kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử. 

Đồng thời, cùng với các cơ sở đào tạo hướng dẫn học sinh, gia đình học sinh sử dụng các chương trình học trực tuyến, thiết kế, in ấn và phát tờ rơi cho đoàn viên, thanh niên, người dân tuyên truyền về ngày chuyển đổi số.

Chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số

Thông tin từ lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La, được biết: Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La do Tập đoàn VNPT tài trợ đã kết nối, tổng hợp một số hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để quản lý, giám sát tình hình trao đổi văn bản điện tử, quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, thống kê số liệu về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La... 

Hệ thống thông tin đã góp phần hiệu quả trong việc tương tác với người dân trong đô thị thông minh tích hợp với chính quyền điện tử tỉnh Sơn La và các đề án thí điểm về giáo dục thông minh, du lịch thông minh, giao thông thông minh. Trong đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân Thành phố Sơn La xây dựng Đề án thành phố Sơn La thông minh giai đoạn 2022-2025 và đã triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh tích hợp với Trung tâm điều hành thông minh do Viettel triển khai thí điểm.

Cùng với đó, thì hoạt động kinh tế số cũng được các doanh nghiệp trên địa bàn Sơn La hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả với gần 2.000 doanh nghiệp đang kê khai nộp thuế qua mạng, đạt trên 95%; 100% siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. 

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi phương thức đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, như: Đưa nông sản tham gia sàn thương mại điện tử hay truy xuất nguồn gốc cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La - Ảnh 5.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La do Tập đoàn VNPT tài trợ. Ảnh: X.T.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có trên 33.000 hộ sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thành phố được đào tạo kỹ năng số và trên 35.000 hộ được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, còn có 798 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, 23.300 đơn hàng số giao dịch trên sàn và 59 sản phẩm OCOP Sơn La đã được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La, khẳng định: Quá trình chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sự cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là phép thử để khẳng định về tầm quan trọng của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các chi hội phát động gần 100 hội viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La - Ảnh 6.

Tỉnh Sơn La nỗ lực chuyển đổi số. Ảnh: X.T.

Ngày 20/9/2022 vừa qua, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND tổ chức triển khai các hoạt động Ngày chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2022. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng đã và đang được tập trung vào những việc làm cụ thể mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, hỗ trợ người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số. Qua đó, góp phần thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, để người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Mùa Xuân