Tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2021, đòi hỏi các cấp (tỉnh, huyện, xã), các ngành ở tỉnh Sơn La, phải xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể, đồng bộ về thời gian thu hái, quy trình kỹ thuật, sơ chế, đóng gói, bảo quản, phương án vận chuyển… Đồng thời trong hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp, HTX phải có năng lực, kinh nghiệm, phương tiện thu gom, nắm chắc nhu cầu của thị trường, kết nối thị trường trong tỉnh, trong nước với thị trường nước ngoài .
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến nông sản chất lượng để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Qua đó, tạo điều kiện cho nông sản Sơn La tiếp cận được với người tiêu dùng trong nước và thị trường nước ngoài đạt hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra năm 2021 ước đạt 78.520 ha, sản lượng ước đạt 448.630 tấn. Trong đó, cây xoài có diện tích 19.026 ha, sản lượng cả năm ước đạt 65.223 tấn. Các giống chính gồm: Xoài tròn, xoài hôi, xoài bản địa, Xoài GL4, GL6, xoài Thái Lan... có năng suất cao, chất lượng tốt. Diện tích cây nhãn đạt 19.224 ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn. Cây mận có 11.043 ha, sản lượng ước đạt 68.217 tấn. Diện tích trồng chuối là 5.500 ha, sản lượng ước đạt 54.750 tấn. Cây chanh leo có 1.893 ha, ước đạt 18.061 tấn. Cây sơn tra có diện tích 12.840 ha, sản lượng ước đạt 33.310 tấn.
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La ngày (28/5), ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nêu rõ: Trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 10.000 tấn mận, 18.000 tấn chuối, 300 tấn xoài, 5.000 tấn chè.... Với mục tiêu vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời ổn định sản xuất và thu nhập của nông dân, tỉnh Sơn La phấn đấu tiêu thụ hết các sản phẩm hàng hóa nông sản, giúp bà con an tâm sản xuất.
Tổng giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu tỉnh Sơn La 4 tháng đầu năm, ước đạt hơn 44 triệu USD. Trong đó giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt trên 41 triệu USD. Sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 1.280 tấn. Sản phẩm chanh leo xuất khẩu khoảng 100 tấn, giá trị đạt hơn 43 nghìn USD; xuất sang Trung Quốc, EU, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan... Chuối tham gia xuất khẩu ước đạt 1.100 tấn, giá trị ước đạt trên 204 nghìn USD, thị trường xuất khẩu là Trung Quốc. Sản phẩm chè xuất khẩu sang thị trường: Đài Loan, Pakistan, Apganistan, Nhật Bản... Cà phê xuất khấu đạt 11.400 tấn, xuất khẩu sang các nước: EU, Hoa Kỳ, UAE, Ấn Độ... Sản phẩm sắn tham gia xuất khẩu khoảng 33.000 tấn, sang Trung Quốc và 1 số nước khác.
Đến nay chuỗi cung ứng nông sản an toàn, thương hiệu nông sản Sơn La trên toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.701 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 130 mã, với 4.271ha. Mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ,... là 51 mã với diện tích 430 ha.
Tính đến hết quý I năm 2021, tỉnh Sơn La đã xây dựng, duy trì và phát triển 197 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản trên địa bàn. Trong đó, có 27 chuỗi rau, 123 chuỗi quả, 1 chuỗi cà phê, 7 chuỗi chè, 28 chuỗi thủy sản, 5 chuỗi mật ong, 4 chuỗi thịt lợn, 2 chuỗi thịt gà. Đã có 21 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó 3 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La (riêng sản phẩm chè San Tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017).
Sản phẩm nông nghiệp của Sơn La đạt được kết quả trên là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, HĐND, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Sơn La cũng luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các Bộ ngành Trung ương như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại Giao, Tổng cục Hải quan trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu; kịp thời chỉ đạo các vụ, cục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm gắn với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thời gian tới tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành của Trung ương, các tỉnh, thành phố để liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản có kinh nghiệm về thị trường. Qua đó hỗ trợ Sơn La hình thành, mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản đa dạng hơn. Chú trọng tập huấn nâng cao năng lực về thu gom, bảo quản, xuất khẩu, đồng thời tuyên truyền cho các HTX, nông dân về tầm quan trọng và phát triển nông nghiệp an toàn gắn với xuất khẩu. Tăng cường tổ chức, tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản trong nước và quốc tế.
Khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động liên kết, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sơ chế biến trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu, sản phẩm OCOP... Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản để tăng giá trị sản phẩm nông sản và giảm áp lực đối với xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến nông sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân của Trung Quốc và thương nhân tại các tỉnh trong toàn quốc lên Sơn La nghiên cứu, khảo sát kết nối tiêu thụ và xuất khấu nông sản. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử, để hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào quảng bá, giao dịch và tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh Sơn La.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường, chủ động nắm chắc thông tin thị trường, giá cả, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiêu thụ xuất khẩu nông sản đạt hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho bà con nông dân.